Ông Nguyễn Trần Bạt nói về tự cường để lập nghiệp
VOV.VN - Để hiện thực hóa khát vọng tạo ra sự nghiệp, cần phải biết phát huy sáng kiến, khắc phục khó khăn với tinh thần tự lực tự cường.
Tiếp nối văn hóa tự cường của dân tộc trong dựng nước, giành độc lập và dựng xây đất nước qua các thời kỳ, trong thời đại ngày nay, tự cường dân tộc vẫn là phương châm cốt lõi để bảo đảm tương lai phát triển của dân tộc.
Bước sang năm 2016, Việt Nam mới đạt ngưỡng quốc gia có thu nhập trung bình thấp. Để vươn tới những nấc thang cao hơn trong phát triển, cần biết căn cơ và phát huy tinh thần tự cường của dân tộc, như lời Bác căn dặn: “Đất nước ta còn nghèo nên phải biết phát huy sáng kiến, khắc phục khó khăn với tinh thần tự lực tự cường”.
PV Đài TNVN phỏng vấn nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt - Chủ tịch Công ty tư vấn đầu tư và chuyển giao công nghệ Invest Counsult – về vấn đề này:
PV: Thưa ông, ông nhìn nhận quá trình tự cường của một quốc gia như thế nào?
Ông Nguyễn Trần Bạt: Đấu tranh, tồn tại và phát triển của quốc gia ấy. Bất kỳ quá trình phát triển nào cũng là quá trình tự cường. Nhưng trong thời đại ngày nay, vấn đề môi trường là điều kiện sống và điều kiện phát triển. Quá trình tự cường là nội dung của quá trình phát triển. Tôi rất chú ý đến nội dung của Đại hội Đảng: Đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, đổi mới.
Ông Nguyễn Trần Bạt - Chủ tịch Công ty tư vấn đầu tư và chuyển giao công nghệ Invest Counsult |
Tôi nghĩ là trong muôn vàn điều ảnh hưởng đến năng lực tự cường của chúng ta, trong những năm khó khăn nhất, Hồ Chí Minh chọn Đoàn kết, như một giá trị phổ quát của dân tộc chúng ta.
Tự cường hiện nay gắn liền với đoàn kết. Không để sự phức tạp của nhân loại chia rẽ người Việt. Đã có nguy cơ chia rẽ người Việt, và kết thúc bằng sự không chia rẽ là nhờ sự khôn ngoan của người lãnh đạo đất nước. Đoàn kết luôn gắn với sự lựa chọn 1 đối tượng để nghe theo và tập hợp.
Xã hội hiện đại, sống cạnh tranh lớn, chúng ta càng phải khôn ngoan, và chúng ta chỉ có thể khôn ngoan khi có học. Đôi khi, người ta tưởng vài mẹo vặt là khôn ngoan. Khôn ngoan là biểu hiện quan trọng nhất của sự hiểu biết, gắn liền với học tập. Người Việt phải cố gắng học tập. Đừng bắt chước vỏ học tập.
Thông điệp của Đại hội Đảng lần thứ XII là xã hội chú ý đổi mới về giáo dục gắn liền với đổi mới chính trị. Chính trị là tinh thần của các mức sống mới, chất lượng mới. Đầu tiên phải đổi mới trong giáo dục là khó nhất, chứa đựng hàm lượng đổi mới chính trị.
PV: Bồi dưỡng con người mới, trong điều kiện mới để từ từng cá nhân nói riêng và cả dân tộc ta nói chung có thể tự cường, tự xây dựng sức mạnh. Cụ thể như trong phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội đảng toàn quốc lần thứ XII về xây dựng con người Việt Nam: “Đẹp về nhân cách, cao về trí tuệ, khỏe về thể chất”. Quan điểm của ông thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Trần Bạt: Không phải chỉ có trong kinh tế, chính trị, văn hóa…. Mục tiêu là con người. Tổng Bí thư tóm lược đúng quá. Phải phát triển con người: cao về trí tuệ, sức cạnh tranh, sáng tạo. Thể chất đẹp thể hiện qua vẻ đẹp của con người, lòng tốt, sự lương thiện...
PV: Ông cha ta có câu “Có chí làm quan, có gan làm giàu”. Làm giàu chính đáng cho bản thân, gia đình, lớn hơn là cho xã hội, đó là tinh thần tự cường của mỗi cá nhân trong phát triển kinh tế. Chúng ta hay nói về một quốc gia khởi nghiệp, từ những con người khởi nghiệp. Theo ông, ý nghĩa của khởi nghiệp đối với mỗi cá nhân, để tạo nên một xã hội- quốc gia khởi nghiệp là gì?
Ông Nguyễn Trần Bạt: Ta hay nói đến quốc gia khởi nghiệp, khát khao làm giàu, hướng tới con người có chất lượng cuộc cống tốt đẹp hơn. Trong con người có khát vọng tạo ra sự nghiệp của mình, mà động tác đầu tiên là khởi nghiệp. Làm thế nào để có một số phẩm chất, năng lực tinh thần trước khi khởi nghiệp. Nếu không hiểu biết, không có đạo đức, không có lý tưởng thì khó thành công.
PV: Xin cảm ơn ông!