Phải mạnh tay với doanh nghiệp nước ngoài bỏ trốn

VOV.VN -Đến hết tháng 5/2013, có 518 doanh nghiệp FDI bỏ trốn để lại toàn bộ các nghĩa vụ tài chính với tổng số vốn hơn 903 triệu USD

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết tháng 5/2013, cả nước có 518 doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) bỏ lại tài sản và toàn bộ các nghĩa vụ tài chính với tổng số vốn hơn 903 triệu USD để về nước mà không có bất kỳ một thông báo nào.

Công ty trách nhiệm hữu hạn UTC Vina (Khu công nghiệp Amata, TP. Biên Hòa, Ðồng Nai) đóng cửa do chủ doanh nghiệp bỏ về nước

Tình trạng doanh nghiệp đầu tư nước ngoài vắng chủ đã xuất hiện từ nhiều năm nay và ngày càng phổ biến. Tuy nhiên, đến nay, các cơ quan quản lý vẫn tỏ ra lúng túng trong việc xử lý, giải quyết tình trạng này.

Cuối tháng 7, hàng trăm khách hàng của dự án Tricon Tower (Bắc An Khánh, huyện Hoài Đức, Hà Nội) đã kéo đến Công ty cổ phần đầu tư Minh Việt chủ đầu tư dự án để đòi tiền mua nhà đã nộp. Theo tiến độ, chủ đầu tư sẽ bàn giao nhà chậm nhất là ngày 30/6/2012. Tuy nhiên, đến nay dự án mới chỉ xong tầng hầm và dừng thi công từ năm 2011. Ông Edward Chi (người Mỹ gốc Trung Quốc), Chủ tịch Hội đồng quản trị của Công ty này đã âm thầm bỏ trốn cùng với hơn 400 tỷ đồng của khách hàng.

Còn tại Bình Dương, trong số 936 doanh nghiệp đầu tư nước ngoài do cơ quan này quản lý, tính đến nay, có gần 20 doanh nghiệp đã bỏ trốn, để lại nhiều khoản nợ thuế, lương, bảo hiểm xã hội, nợ ngân hàng và khoảng 30 doanh nghiệp không triển khai hoạt động.

Trao đổi với phóng viên Đài TNVN, ông Lê Việt Dũng, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư Bình Dương cho biết, việc giải quyết hậu quả mà các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài bỏ trốn để lại đang gặp nhiều khó khăn, do chưa có văn bản pháp luật hướng dẫn nên hiện mỗi địa phương đều tự mò mẫm thực hiện theo cách riêng.

“Trên văn bản quy phạm pháp luật hiện nay chưa có 1 từ nào nói đến doanh nghiệp bỏ trốn là như thế nào. Khi nói là doanh nghiệp bỏ trốn thì chỉ căn cứ là chủ doanh nghiệp vắng khỏi doanh nghiệp 30 ngày mà không có ủy quyền. Và khi doanh nghiệp bỏ trốn thì những giải pháp xử lý như thế nào? hiện nay mỗi địa phương tùy nghi ứng xử với nó. Khó khăn nhất là đa số các doanh nghiệp bỏ trốn rồi thì tài sản để lại cũng chẳng còn gì. Nhà xưởng, thiết bị thì đã thế chấp ngân hàng. Vật tư, nguyên liệu để lại thì cũng đã xuống cấp, giá trị còn lại cũng chẳng bao nhiêu”- ông Dũng nói.

Nhìn nhận nguyên nhân của tình trạng doanh nghiệp đầu tư nước ngoài bỏ trốn, có thể thấy, phần lớn là do tác động của suy thoái kinh tế, doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, không còn khả năng trả nợ nên chủ doanh nghiệp âm thầm bỏ trốn.

Tuy nhiên, cũng không loại trừ nhiều trường hợp doanh nghiệp đầu tư nước ngoài lợi dụng những kẽ hở của luật pháp Việt Nam, nhất là những chính sách ưu đãi để trục lợi; một số doanh nghiệp sang lập dự án vay mượn vốn ngân hàng, huy động vốn của người xây nhà... rồi sau đó ôm tiền bỏ trốn.

Theo tiến sỹ Phạm Hùng Tiến, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đầu tư nước ngoài, Đại học Quốc gia Hà Nội, hiện tượng doanh nghiệp đầu tư nước ngoài bỏ trốn cho thấy những lỗ hổng về cơ sở pháp lý cũng như cơ chế quản lý hoạt động của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài hiện nay.

Ông Hùng cho biết: Thực tế, kể từ đầu những năm 2000 đã có hiện tượng các doanh nghiệp FDI bỏ trốn và kể từ đó đến nay, chúng ta vẫn chưa có chế tài đủ mạnh để ngăn ngừa. Ngay từ đầu khi lựa chọn các dự án, chúng ta vẫn chưa lựa chọn kỹ các nhà đầu tư có năng lực về mặt tài chính, hoặc là chưa liên hệ được với các công ty mẹ, các phòng công nghiệp và thương mại của các nước đối tác; ngoài ra, chúng ta cũng chưa có những hiệp định tương trợ về mặt tư pháp với nhiều quốc gia trên thế giới... Chính vì lẽ đó mà khâu lựa chọn các nhà đầu tư của chúng ta vẫn chưa làm tốt. Về mặt quản lý hành chính ở địa phương thì lại chưa tập trung chú trọng vào khâu hậu kiểm”.

Việc các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đột ngột ngừng hoạt động và chủ đầu tư bỏ về nước đã gây ra những thiệt hại nặng nề cho người lao động. Không những thế, Nhà nước cũng thất thu một khoản ngân sách không nhỏ khi không thể đòi được những khoản nợ thuế, tiền thuê đất, phí hạ tầng, còn ngân hàng phải gánh những khoản nợ xấu...

Ngoài ra, hàng ngàn doanh nghiệp đối tác khác cũng bị rơi vào thế kẹt khi các chủ doanh nghiệp đầu tư nước ngoài ôm nợ bỏ trốn.

Rõ ràng mọi thiệt hại khi doanh nghiệp đầu tư nước ngoài bỏ trốn đều thuộc về phía Việt Nam, từ cá nhân cho tới tổ chức và các địa phương; song, mặc dù tình trạng doanh nghiệp đầu tư nước ngoài bỏ trốn bắt đầu xuất hiện từ những năm 2003-2004 nhưng đến nay vẫn chưa có biện pháp nào để xử lý cũng như ngăn chặn tình trạng này.

Giáo sư Tiến sỹ Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài cho rằng: các cơ quan quản lý nhà nước cần sớm đưa ra phương án xử lý quyết liệt đối với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài bỏ trốn để tránh tình trạng lúng túng và chậm trễ trong xử lý hậu quả như hiện nay.

Theo Giáo sư Tiến sỹ Nguyễn Mại: “Trước hết phải khôi phục lại và hoàn chỉnh hệ thống pháp luật, vì đây là vấn đề sẽ xảy ra nữa. Thứ hai, phải làm quyết liệt từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhất là Cục Đầu tư nước ngoài cho đến ban quản lí Khu công nghiệp, rồi các tỉnh phải coi đây là vấn đề phải xử lí, tránh tình trạng phát hiện ra rồi mà không đưa ra phương án thống nhất từ trên xuống. Thứ ba, nên rút kinh nghiệm về mặt quản lí Nhà nước, phải theo dõi thường xuyên, hướng dẫn nhà đầu tư, kiểm tra giám sát nhà đầu tư, khi phát hiện ra lập tức xử lí, tránh tình trạng như hiện nay”.

Việc xử lý các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài bỏ trốn là vấn đề phức tạp. Khung pháp lý quản lý hoạt động đầu tư nước ngoài của Việt Nam chưa đầy đủ, nhiều quy định chồng chéo, mâu thuẫn nhau gây lúng túng cho các cơ quan quản lý khi xử lý nhiều vấn đề liên quan đến doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.

Vì thế, nhiệm vụ cấp bách trước mắt là phải nhanh chóng hoàn thiện khung pháp lý liên quan hoạt động đầu tư nước ngoài, nhất là các quy định của pháp luật về thanh lý, phá sản... để xử lý dứt điểm dự án không triển khai thực hiện, dự án nhà đầu tư bỏ trốn nhằm tạo cơ hội cho các nhà đầu tư mới.

Bên cạnh đó, cần tăng cường phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các bộ, ngành, địa phương, nhất là trong công tác quản lý nhà nước sau cấp giấy chứng nhận đầu tư.

Có như vậy mới có thể hạn chế được tình trạng doanh nghiệp đầu tư nước ngoài vắng chủ như hiện nay./.

 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Ẵm gần 400 tỷ đồng, chủ đầu tư Tricon Tower biến mất
Ẵm gần 400 tỷ đồng, chủ đầu tư Tricon Tower biến mất

Đại diện chủ đầu tư dự án này đã rời Việt Nam mang theo số tiền nộp mua nhà của 128 khách hàng.

Ẵm gần 400 tỷ đồng, chủ đầu tư Tricon Tower biến mất

Ẵm gần 400 tỷ đồng, chủ đầu tư Tricon Tower biến mất

Đại diện chủ đầu tư dự án này đã rời Việt Nam mang theo số tiền nộp mua nhà của 128 khách hàng.

Lúng túng xử lý doanh nghiệp FDI vắng chủ
Lúng túng xử lý doanh nghiệp FDI vắng chủ

VOV.VN-Doanh nghiệp FDI “vắng chủ” đang ngày một phổ biến, gây tác động rất xấu đến hoạt động kinh tế

Lúng túng xử lý doanh nghiệp FDI vắng chủ

Lúng túng xử lý doanh nghiệp FDI vắng chủ

VOV.VN-Doanh nghiệp FDI “vắng chủ” đang ngày một phổ biến, gây tác động rất xấu đến hoạt động kinh tế

Dự án Tricon Towers: Cảnh báo quản lý dự án xây dựng
Dự án Tricon Towers: Cảnh báo quản lý dự án xây dựng

VOV.VN - Việc cấp phép tràn lan đã khiến các dự án mới và dự án cũ đều bị đóng băng và không triển khai được.

Dự án Tricon Towers: Cảnh báo quản lý dự án xây dựng

Dự án Tricon Towers: Cảnh báo quản lý dự án xây dựng

VOV.VN - Việc cấp phép tràn lan đã khiến các dự án mới và dự án cũ đều bị đóng băng và không triển khai được.