Phân bón giả, kém chất lượng khiến thị trường “bát nháo“
VOV.VN - Các chuyên gia nông nghiệp cho rằng, vấn nạn phân bón giả, phân bón kém chất lượng đang khiến thị trường rơi vào tình trạng "bát nháo".
Tại buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Hoàn thiện khung pháp lý cho ngành phân bón" diễn ra sáng 19/10 tại Hà Nội, ông Nguyễn Đình Hạc Thúy - Chủ tịch Hiệp hội phân bón Việt Nam - cho rằng, đất của Việt Nam "chịu oan" khi chịu quá nhiều phân vô cơ.
Bà con nông dân chịu nhiều thiệt hại do vấn nạn phân bón giả, kém chất lượng gây ra. (Ảnh minh họa)
chưa có ngành nào có tới năm nghị định: Nghị định 113, 919, 15CP, 202 và Nghị định 108. Nhưng quan trọng nhất là thực hiện pháp luật không nghiêm chỉnh. Tất cả các khâu từ sản xuất đến cung ứng, đến khâu các lực lượng chính quyền kiểm tra không nghiêm chỉnh, và khâu thực thi ở các trung tâm. Ông Nguyễn Đình Hạc Thúy đánh giá ,
"Trong khi chúng tôi đi thực tế ở Italy, khi phát hiện ra phân bón giả, họ thu hồi và tiêu hủy luôn, đồng thời phạt rất nặng để các doanh nghiệp không còn cơ hội làm giả, làm kém chất lượng", ông Thúy nêu rõ.
Chủ tịch Hiệp hội phân bón Việt Nam cũng cho hay, số lượng phân bón nhập khẩu tăng cao mỗi năm, "bóp nghẹt" sản xuất trong nước. Cụ thể: Năm 2014: 3.710.262 tấn; năm 2015: 4.534.205 tấn; năm 2016: 4.727.900 tấn; năm 2017: 7.622.153 tấn. Do đó, ông Thúy đề nghị Chính phủ, Quốc hội sửa Luật Thuế số 71 về phân bón.
Theo chuyên gia nông nghiệp Văn Tiến Thanh, mỗi khi thị trường có biến động mạnh về giá cả, nỗi lo về nạn phân bón giả càng lớn, bởi khi hàng chính ngạch tăng giá mạnh, hàng giả, hàng kém chất lượng giá thấp lại càng có cơ hội đến gần bà con nông dân.
Đối với vấn nạn hàng giả, kém chất lượng, nông dân mua giá thấp nhưng không hiệu quả trong sản xuất, Nhà nước bị thất thu thuế, phân bón giả, kém chất lượng còn làm thoái hóa hết đất đai và đang làm "bần cùng hóa" người nông dân, kéo lùi sự phát triển của nông nghiệp Việt Nam, ông Văn Tiến Thanh nêu rõ.
Ông Đỗ Ngọc Cảnh - Phó Chánh Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia cho biết, trong những năm qua, hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu phân bón giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ diễn ra khá phức tạp ở hầu hết các địa bàn trên cả nước, trong đó tập trung chủ yếu tại các địa bàn trọng điểm về sản xuất nông nghiệp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường, ảnh hưởng rất lớn đến nguồn nước, đất trồng trọt, gây ô nhiễm môi trường, gây thiệt hại lớn cho nông dân, các doanh nghiệp chân chính, nền sản xuất nông nghiệp và đời sống, sức khỏe người tiêu dùng...
Nổi lên chủ yếu là hoạt động sản xuất, kinh doanh các loại phân bón vô cơ, phân bón hữu cơ dán nhãn hiệu nổi tiếng, có nguồn gốc nước ngoài, nhưng thực chất chỉ là các sản phẩm phân bón giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc..., ông Cảnh nói.
Phó Chánh Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia thừa nhận, lực lượng thực thi công vụ vừa thiếu và vừa yếu về năng lực, trình độ chuyên môn, kiến thức nghiệp vụ... Phương tiện thực hiện nhiệm vụ chưa đáp ứng yêu cầu thực tế; trang thiết bị, công cụ hỗ trợ phục vụ cho hoạt động thanh tra, kiểm tra, lấy mẫu chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao; kinh phí giám định, kiểm tra, thuê kho bãi, xử lý tiêu hủy tang vật vi phạm trong những vụ việc còn rất hạn chế và khó khăn.
Với góc độ là cơ quan quản lý, ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật, Bộ NN&PTNN cho biết, về cơ sở sản xuất, có 545 cơ sở sản xuất vô cơ được Bộ Công thương cấp phép, 100 cơ sở của Bộ NN&PTNT cấp phép, đang có 200 bộ hồ sơ đang chờ. "Như vậy là quá nhiều", ông Trung nói.
Ông Trung nêu quan điểm: Tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ là xu hướng tất yếu để phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, nông nghiệp sạch và bền vững.
Do vậy, thời gian tới định hướng phát triển sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ trong nước cụ thể là: Nâng cao công suất sản xuất phân bón hữu cơ công nghiệp trong nước từ 2,5 triệu tấn/năm năm 2017 lên trên 3 triệu tấn/năm đến cuối năm nay (2018) và trên 3,5 triệu tấn/năm đến năm 2020. Trên 50% cơ sở sản xuất phân bón vô cơ hiện nay sẽ tham gia sản xuất cả phân bón hữu cơ. Tỷ lệ phân bón hữu cơ đăng ký lưu hành tăng lên trên 10% cuối năm nay (2018) và đạt 15% đến năm 2020, ông Trung cho hay.
Hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh phân bón, ông Khắc Ngọc Bá - Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Quế Lâm nhận định, vấn nạn phân bón giả, phân bón kém chất lượng hoành hành đã tạo ra những khó khăn nhất định cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón, đặc biệt là những doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Ông Bá cũng cho rằng, cần tuyên truyền, phổ biến và nâng cao nhận thức chung của bà con nông dân về phân bón hữu cơ, những lợi ích của việc sử dụng phân bón hữu cơ. Từ đó, nhân rộng phong trào sử dụng phân bón hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp, góp phần hướng đến phát triển một nền nông nghiệp "sạch"./.