Phấn đấu thông hầm Bãi Gió vào ngày 22/4
VOV.VN - 7 ngày sau sự cố sập hầm đường sắt Bãi Gió, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa, hàng trăm người lao động vẫn miệt mài làm việc để trung chuyển hành khách, hàng hóa và sớm thông tuyến đường sắt Bắc - Nam. Việc thi công khắc phục đang có nhiều thuận lợi, các đơn vị đang phấn đấu thông hầm vào ngày 22/4 tới.
Tại các ga dọc 3 tỉnh Nam Trung bộ như Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, các đơn vị trung chuyển các container từ tàu hỏa sang xe tải để kịp giao cho khách hàng. Do đường sắt qua đèo Cả bị ách tắc, container sẽ được chuyển từ tàu hỏa sang các xe tải đi qua hầm đường bộ đèo Cả, sau đó lại được đưa lên các đoàn tàu bên kia đèo tiếp tục hành trình. Đến nay, đối với các container đông lạnh, đơn vị vận tải đường sắt đã bốc dỡ từ ga Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai để vận chuyển bằng đường bộ cho khách hàng. Các ga tại Nam Trung bộ chỉ còn lại các mặt hàng khô.
Ông Trần Phước Huệ, nhân viên đơn vị vận chuyển tại ga Hòa Huỳnh, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa cho biết: "Mình phải đi trung chuyển đường bộ từ ga Hòa Huỳnh ra ga Diêu Trì, sử dụng cẩu lên đến 100 tấn để bốc dỡ. Hàng hóa và container chỉ cỡ hơn 30 tấn, cẩu thỏa mái. Có xe ô tải thì cẩu được nhiều, tốc độ cỡ 30 phút/1 cái. Cẩu lớn nhưng có đường vào hết, tất cả các ga đều có đường bộ trung chuyển, mình chỉ việc vận chuyển container đi ra".
Hiện nay, mỗi ngày có 12 đoàn tàu khách Bắc - Nam khởi hành tại ga Hà Nội và ga Sài Gòn, khi đến khu vực gặp sự cố, hành khách được di chuyển bằng đường bộ. Mỗi đoàn tàu có khoảng 300 hành khách, bình quân mỗi ngày có khoảng 3.500 hành khách phải di chuyển từ ga Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên đến ga Giã, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Ngành Đường sắt cung cấp suất ăn, nước uống miễn phí... cho hành khách. Việc chuyển tải diễn ra liên tục, dài ngày, ngành Đường sắt huy động tối đa nhân lực các đơn vị trong khu vực, chia sẻ khó khăn với nhân viên khối vận tải.
Ông Hoàng Viên, Trưởng ga Hòa Huỳnh, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa cho biết: "Khi lên ban làm công tác chạy tàu bình thường nhưng khi xuống ban sẽ tập trung phụ cho việc chuyển tải của 2 ga 2 đầu. Trong này, tập trung về ga Giã, phụ Tổ tàu chuyển tải, tập trung hết cho vận tải, tình thần tự nguyện là chính. Cảm thấy còn sức khỏe thì phục vụ ngành. Anh em đều cố gắng hết, vì lâu rồi mới có sự cố như vậy".
Hiện nay, tại công trường đường hầm Bãi Gió, các đơn vị tổ chức nhiều mũi thi công. Sau khi phát sinh hiện tượng tái sạt lở, các đơn vị chức năng của Bộ Giao thông Vận tải, ngành Đường sắt, Ban Quản lý dự án 85 đã tăng cường các giải pháp mới mang lại nhiều tín hiệu khả quan hơn. Các đơn vị đã thực hiện 37 mũi khoan nhằm gia cố vòm hầm, đảm bảo đúng tiến độ đề ra. Hiện các công nhân đang chờ bê tông trên vỏ hầm khô, kết dính để thực hiện công tác dọn đất đá ra ngoài.
Ông Nguyễn Văn Hưng, Giám đốc điều hành Dự án gia cố các hầm yếu kết hợp mở mới ga và cải tạo kiến trúc tầng trên đoạn Vinh - Nha Trang cho biết, 2 mũi khoan từ trên sườn đồi xuống đã thực hiện xong, đơn vị đang sử dụng camera để thăm dò sạt lở bên trong. Khó khăn lớn nhất trong quá trình khắc phục sạt lở hầm Bãi Gió là cố định lớp đất đá ở vỏ hầm đã cơ bản thực hiện xong. Hiện nay, hầm quá nhỏ, thiếu ánh sáng, ô xy bị loãng nên việc thi công không thể làm nhanh, cứ dọn xong 50 cm đất thì chuyển sắt thép vào rồi cố định hàn cứng, vì lo lắng đất đá tiếp tục sạt lở. Theo chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải, dự kiến ngày 22/4 sẽ thông hầm.
Ông Nguyễn Văn Hưng cam kết thực hiện đúng mục tiêu thông tuyến do Bộ Giao thông- Vận tải đặt ra: "Mọi việc đang đúng kế hoạch đặt ra, đáp ứng tiến độ. Hôm nay, bắt đầu đào lấn dần có vị trí sạt lở, lắp dần các khung vào, tổ chức phun chống thấm, đảm bảo cấu kết cũng như an toàn tuyệt đối trong quá trình thi công. Ngày 22 tháng 4, đơn vị nỗ lực thông tàu Bắc -Nam ".