Phân vùng kinh tế: Không thể “dàn hàng ngang cùng tiến”
VOV.VN - GS.TSKH. Nguyễn Quang Thái cho rằng, quá trình phân vùng kinh tế không nên tiến hành theo kiểu “dàn hàng ngang cùng tiến”.
Hiện nay, cả nước chia làm 6 vùng kinh tế là trung du miền núi phía Bắc, đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung bộ, duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam bộ và Tây Nam bộ.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT), cơ quan chủ trì triển khai luật Quy hoạch được thông qua năm 2017, đang nghiên cứu các phương án phân chia lại các vùng trong cả nước. Phương án được nhiều đồng thuận nhất là chia lại cả nước thành 7 vùng, trong đó và tách vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung thành 2 vùng là vùng Bắc Trung bộ và vùng Nam Trung Bộ.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất phân 7 vùng kinh tế. (Ảnh minh họa: KT) |
Thứ trưởng Bộ KHĐT Trần Quốc Phương cho biết, trên cơ sở ý kiến của các bộ, ngành và địa phương, Bộ KHĐT đã có tờ trình báo cáo Thủ tướng về phương án phân vùng giai đoạn 2021 - 2030, trong đó đề xuất 2 phương án phân vùng để lựa chọn (phương án hai nhận được nhiều sự ủng hộ nhất của các bộ, ngành, địa phương).
Tại buổi hợp lấy ý kiến mới đây về phân vùng, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, quy hoạch vùng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong hệ thống quy hoạch quốc gia, là quy hoạch có tính tích hợp đa ngành, nhằm đưa ra phương hướng phát triển tổng thể, đồng bộ của toàn vùng. Quy hoạch vùng làm nổi bật lên những đặc trưng, tạo ra không gian kết nối, hỗ trợ và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, tinh thần, bảo vệ môi trường hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Đề xuất miền Trung tách thành Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ
Theo chuyên gia kinh tế, điều quan trọng là cơ chế, thể chế cho việc đầu tư, phát triển vùng hơn là vấn đề phân vùng thuần túy. GS.TSKH. Nguyễn Quang Thái, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học kinh tế Việt Nam nhận xét, phương án 6 vùng hay 7 vùng kinh tế Chính phủ thảo luận vừa qua đều phản ánh hai xu hướng phân vùng của hai thời kỳ khác nhau. Trong phương án 1 với 6 vùng kinh tế phản ánh việc phân vùng cuả 20 năm gần đây, còn phương án 2 là phản ánh phương hướng phân vùng và có các tiểu vùng từ 40 năm trước đây chứ không phải là phương án mới.
Thực chất của các phương án phân vùng này cơ bản là giống nhau, có điểm khác nhau cơ bản ở phương án 1 sẽ lấy Duyên hải miền Trung là một dải gồm 17 tỉnh thành rất dài nên nay chia các vùng có cự ly tương đối ngắn, có thể là có điều kiện tương đồng nhiều hơn. Trong phương án 2 (7 vùng kinh tế) chia Tây Nguyên thành một vùng riêng mà không gắn với vùng Duyên hải Miền Trung.
“Các phương án không chênh lệch nhau nhiều nhưng mỗi vùng có một ưu điểm riêng nhưng tạo được lợi thế so sánh. Trong các phương án phân vùng đó cũng đều đã có những phương án nhỏ hơn nhưng nhìn chung việc phân vùng đó không hoàn toàn tách biệt nhau mà có sự tập trung vào một vài vùng cụ thể từ đó duy trì mối liên kết giữa các vùng với nhau.Các phương án này đều phản ánh xu hướng phát triển chung”, GS.TSKH. Nguyễn Quang Thái nói.
Tuy nhiên theo GS.TSKH. Nguyễn Quang Thái thì dù quy hoạch theo phương án nào cũng sẽ thấy không có phương án nào mang tính hoàn hảo. Các phương án phân vùng đều mang tính “động”, bởi ngày hôm nay việc phân vùng có thể như thế này, nhưng căn cứ theo tình hình, lợi thế so sánh của mỗi vùng nó có thể phát triển lên, hoặc được tổ chức lại sau này sẽ có thể liên kết với nhau mạnh mẽ hơn nên sẽ phải được thay đổi để đảm bảo sự thích nghi.
Băn khoăn về mục tiêu phát triển của các vùng kinh tế vận dụng theo kinh nghiệm của quốc tế, GS.TSKH. Nguyễn Quang Thái cho rằng, quá trình phân vùng kinh tế ở nhiều quốc gia người ta cũng không tiến hành theo kiểu “dàn hàng ngang cùng tiến”. Khi đó, mỗi một vùng kinh tế sẽ có một lợi thế so sánh riêng để tùy vào từng mặt mạnh đó để cuối cùng đẩy mạnh tăng trưởng nền kinh tế quốc gia.
“Nhưng trong xu thế cùng phát triển này, ai tận dụng được lợi thế nhiều hay ít cũng còn tùy thuộc vào từng vùng kinh tế và nhiều quốc gia có tiền ngân sách liên vùng, nối kết vùng với nhau, trong khi ở Việt Nam vẫn chỉ khuyến khích các vùng nối kết với nhau chứ không có nguồn lực để nối kết. Vì thế, trong quá trình phát triển mang tính đột phá tìm mũi nhọn, không thể tất cả các vùng cùng tiến với một tốc độ như nhau”, GS.TSKH. Nguyễn Quang Thái phân tích./.