Phát hành trái phiếu doanh nghiệp: Giảm lệ thuộc ngân hàng
VOV.VN - Cần thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp để giảm phụ thuộc vào kênh vốn của ngân hàng thương mại.
Thống kê của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho thấy, những năm gần đây, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam có những bước tăng trưởng tích cực, với tốc độ tăng trưởng 29,5% (2017) và 30,1% (2018).
Riêng trong 6 tháng đầu năm 2019, các doanh nghiệp bao gồm cả các ngân hàng, công ty chứng khoán đã phát hành khoảng 60.000 tỷ đồng trái phiếu…
Không chỉ dung hòa được rủi ro và lợi nhuận của nhà đầu tư, trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) còn được xem như một kênh huy động vốn hấp dẫn đối với doanh nghiệp do có chi phí thấp hơn các khoản vay kỳ hạn dài hạn tương ứng, nhất là trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước đang siết chặt room tín dụng.
Có thể nói, đây là tín hiệu tích cực đối với thị trường vốn và cũng cho thấy sự năng động của các doanh nghiệp trong việc chủ động tìm nguồn vốn mới khi nguồn vốn trung, dài hạn của ngân hàng không dồi dào như trước.
Nhiều ngân hàng chọn phương án phát hành trái phiếu doanh nghiệp để thay thế cho nguồn vốn phụ thuộc vào ngân hàng (Ảnh minh họa: KT) |
Theo TS. Bùi Quang Tín, phát hành trái phiếu doanh nghiệp có nhiều cái “được” cho doanh nghiệp và nhà đầu tư. Bởi lâu nay, trên 70% vốn của nền kinh tế phụ thuộc vào ngân hàng, trong khi chủ yếu nguồn vốn của ngân hàng là dòng vốn ngắn hạn. Nếu các doanh nghiệp huy động vốn từ hệ thống ngân hàng thì chỉ là dòng vốn ngắn hạn chứ không thể đáp ứng cho nhu cầu vốn trung và dài hạn của doanh nghiệp được. Nếu có đáp ứng được thì cũng không bền vững.
“Nếu phát hành trái phiếu doanh nghiệp, lãi suất từ nguồn vốn này sẽ rẻ hơn so với việc vay vốn từ hệ thống ngân hàng. Ngoài ra, khi phát hành trái phiếu thì trình tự, thủ tục đơn giản hơn, tạo thuận lợi cho người tham gia giao dịch”, ông Tín cho hay.
Còn theo chuyên gia tài chính - ngân hàng Cấn Văn Lực, sự sôi động trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã góp phần cân bằng thị trường tài chính, đồng thời thúc đẩy sự phát triển thị trường này thông qua việc đa dạng hóa sản phẩm trên thị trường.
Ông Lực cho biết thêm, theo quy định mới, doanh nghiệp sẽ được phép phát hành trái phiếu thành nhiều đợt để huy động vốn, phù hợp với tiến độ thực hiện dự án đầu tư... Doanh nghiệp muốn phát hành trái phiếu cũng không bắt buộc phải có lãi năm liền kề trước năm phát hành như quy định trước đây. Nghị định mới này được cho là cởi trói cho doanh nghiệp bằng việc nới lỏng các điều kiện phát hành trái phiếu.
Với tiềm năng thị trường sẵn có cùng với độ mở, sự thuận lợi về chính sách, là những tín hiệu tích cực, đầy khả quan để thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển và bùng nổ mạnh mẽ trong thời gian tới.
Tại phiên họp của Ban Chỉ đạo Trung ương về đổi mới và phát triển doanh nghiệp được tổ chức mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, có thông tin doanh nghiệp phát hành trái phiếu với lãi suất rất cao, từ 12-14%/năm và lo ngại sẽ ảnh hưởng tới việc điều hành lạm phát, lãi suất đã được Chính phủ đặt mục tiêu từ trước.
Trước thông tin này, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xây dựng bảng niêm yết khi phát hành trái phiếu riêng lẻ tại Sở Giao dịch chứng khoán để công bố công khai.
Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: “Phải thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp để giảm phụ thuộc vào kênh vốn của ngân hàng thương mại. Nếu vốn của doanh nghiệp mà dựa cả vào ngân hàng thương mại thì sẽ khó khăn. Do vậy, phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp là bước tất yếu. Doanh nghiệp có nhu cầu vốn mà họ phát hành được thì tốt, tăng vốn cho nền kinh tế. Nhưng nếu có bất thường, thiếu minh bạch hoặc thiếu an toàn thì phải chấn chỉnh”./.
Phát hành trái phiếu quốc tế, ngân hàng được lợi gì?