Phát huy lợi thế ngành thuỷ sản khu vực Đồng bằng sông Cửu Long

Hiện nay, tổng diện tích có khả năng nuôi trồng thủy sản ở Đồng bằng sông Cửu Long là hơn 1,2 triệu ha, bằng gần 60% của cả nước.  

Trong khuôn khổ các hoạt động chính của Festival Thuỷ sản Việt Nam lần thứ nhất, sáng 25/4, tại Cần Thơ, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Uỷ ban nhân dân thành phố Cần Thơ phối hợp tổ chức Hội Thảo Thuỷ sản Việt Nam “Tiềm năng - phát triển và hội nhập”.

Tại hội thảo, đại diện Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết:  Tổng diện tích có khả năng nuôi trồng thủy sản ở Đồng bằng sông Cửu Long là hơn 1,2 triệu ha, bằng gần 60% của cả nước. Khai thác và nuôi trồng thuỷ sản ở Việt Nam cũng như vùng Đồng bằng sông Cửu Long là một lợi thế được thiên nhiên ban tặng, là ngành mang lại hiệu quả kinh tế- xã hội cao, góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế ở các vùng ven biển và nông thôn. Các tham luận tại hội thảo khẳng định, ưu thế của Đồng bằng sông Cửu Long là nuôi thủy sản nước lợ, chủ yếu là tôm và cá tra, cá basa. Ngoài ra, còn có các loài nhuyễn thể, thủy sản ưa nước ấm, thủy sản có thể chịu được môi trường phèn đục như các loài cá đen (cá lóc, cá rô,  lươn…).

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, ngành thuỷ sản Việt Nam nói chung, trong đó có khu vực đồng bằng sông Cửu Long hiện còn gặp những khó khăn thách thức, đặc biệt là dưới sức ép cạnh tranh ngày càng tăng của quá trình hội nhập quốc tế. Việc tổ chức các cuộc hội thảo chuyên đề nhằm tìm ra những cơ hội mới cho ngành Thuỷ sản các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và Việt Nam nói chung hội nhập và phát triển bền vững là hoạt động có ý nghĩa rất thiết thực, góp phần quan trọng cho sản phẩm nông nghiệp nước nhà tăng sức cạnh tranh trên thương trường. Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Cần Thơ, Trưởng ban tổ chức Hội thảo cho rằng: Thời gian gần đây, vấn đề phát triển thuỷ sản với tốc độ khá nhanh đã bộc lộ những điểm của yếu tố thiếu bền vững. Vấn đề đặt ra trong hội thảo này những bài toán chúng ta cần giải quyết,trao đổi từ khâu đầu vào cho đến đầu ra là thị trường./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên