Phát triển cây cao su ở Sơn La: Khi thực tế khác xa Nghị quyết

VOV.VN - Chương trình phát triển cây cao su ở Sơn La sau 12 năm triển khai chưa mang lại hiệu quả như mục tiêu đề ra, diện tích cây bị chặt bỏ ngày càng lớn.

Chương trình phát triển cây cao su có mức đầu tư lên đến 1.200 tỷ đồng là mức đầu tư về nông nghiệp lớn nhất của địa phương đến nay. Thế nhưng, sau 12 năm triển khai thu nhập từ cao su chỉ bằng 1/74 cây ăn quả, khiến người trồng cao su ở Sơn La lao đao,“vỡ mộng” về thứ cây vốn được coi là “vàng trắng” này.

Người dân “tự cứu mình” trước khi “trời cứu”

Từ mục tiêu kép vừa giúp nhân dân xoá đói giảm nghèo; giải quyết tốt việc làm, thu nhập, an sinh xã hội cho hộ gia đình, cá nhân góp đất trồng cao su, vừa nâng cao độ che phủ của rừng…Năm 2007, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Sơn La đã ban hành Kết luận về chủ trương phát triển cây cao su trên địa bàn tỉnh Sơn La. Những năm sau là các Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND, Quyết định của UBND tỉnh về phát triển cây cao su.

Hình thức liên kết là Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam thành lập Công ty cao su Sơn La, đầu tư trồng cao su trên diện tích đất của bà con và các tổ chức góp đất. Mỗi hộ gia đình khi góp 1 ha đất sẽ được nhận 1 người làm công nhân cao su. Khi cao su cho thu hoạch, Công ty cao su sẽ chi trả, quyết toán 10% giá trị sản phẩm mủ tươi đối với tổ chức, cá nhân góp đất.

Vườn cao su ở bản Pang Héo, xã Chiềng Pằn, huyện Yên Châu (Sơn La) bị chặt phá hồi tháng 5. Nhiều cây đã đến kỳ thu hoạch, vẫn bị chặt bỏ.

Mục tiêu là vậy, song thực tế sau 12 năm triển khai, kết quả mang đến lại rất khác so với Nghị quyết đề ra, khiến một số hộ dân ở vùng khó khăn đã phải chặt bỏ hàng chục ha cao su. Vẫn biết làm thế là vi phạm pháp luật, nhưng do không có thu nhập từ cao su, lại không còn đất để sản xuất nên người dân đành làm vậy.

Ấy thế nhưng trong báo cáo chính trị của các đại hội chi bộ, đảng bộ cơ sở, trên cơ sở (nhiệm kỳ 2020 - 2025) những nơi có trồng cao su ở Sơn La lại không hề đề cập tới việc phát triển cao su. Vì thế không ít người dân băn khoăn: Chương trình phát triển cây cao su ở Sơn La là chương trình lớn, đang gặp khó ở nhiều địa phương vì sao lại không được đưa ra bàn thảo?

Gia đình anh Bạc Cầm Hoa ở bản Khiêng, xã Mường Khiêng, huyện Thuận Châu có 5 nhân khẩu. Năm 2008, được xã, bản vận động, anh đã góp toàn bộ 3.000 m2 diện tích đất nương của gia đình tham gia trồng cao su. Khi ấy, gia đình được thông tin là sau 6-7 năm, khi cây cao su khép tán sẽ cho thu hoạch. Tuy nhiên, đã 7 – 8 năm, rồi mòn mỏi, mãi cho đến nay, vườn cao su của nhà anh vẫn chưa được khai thác, đồng nghĩa với việc gia đình chưa được chia một đồng lợi nhuận nào, vì thế cuộc sống rất khó khăn.

“Trước đây nhà tôi trồng ngô trồng sắn, thu nhập đều đều nên dù không khá giả nhưng cũng không đến nỗi thiếu ăn. Hơn 10 năm nay góp đất trồng cao su, bình quân mỗi tháng chỉ có thu vài trăm nghìn từ làm công nhật chăm sóc cao su, gia đình lâm vào cảnh thiếu thốn, không đủ ăn”, anh Hoa bày tỏ.

Với hy vọng cây cao su sẽ mang đến cuộc sống mới, năm 2008 gia đình anh Lò Văn Hoáng ở bản Ca, xã Chiềng Khoang, huyện Quỳnh Nhai cũng góp toàn bộ hơn 1 ha đất nương của gia đình trồng cao su. Sau nhiều năm ngóng đợi, 3 năm lại đây cây cao su đã cho thu hoạch, nhưng, mỗi năm chỉ thu được 7-8 triệu, có năm được hơn 10 triệu đồng khiến gia đình không đủ ăn.

“Thu nhập từ cao su mỗi tháng được 1 – 2 triệu đồng, có tháng chỉ được vài trăm nghìn thì làm gì đủ ăn. Trước đây nếu không làm cao su mà vẫn có đất trồng cây khác như ngô, sắn… chắc chắn thu nhập nhiều hơn cây cao su này”, anh Hoáng nói.

Không kiên nhẫn được nữa, bởi đã hơn 10 năm chờ đợi nhưng công cốc, người trồng cao su ở các bản Thàn, Pang Héo, xã Chiềng Pằn, huyện Yên Châu đã quyết định “dứt tình” bằng cách chặt hạ cây này để lấy đất canh tác, mong có thu nhập để trang trải cuộc sống, dù biết việc làm này có thể vi phạm pháp luật.

Theo thống kê, ban đầu diện tích cây cao su của Chiềng Pằn tới gần 420 ha. Tuy nhiên, do người dân tự ý chặt bỏ vì cây cao su phát triển chậm, nhiều diện tích đến kỳ thu hoạch không có mủ, hoặc chất lượng mủ thấp, nên đến nay, toàn xã chỉ còn hơn 200 ha cây cao su.

“Không có thực thì không vực được đạo. Chi bộ vẫn tuyên truyền bà con phải bảo vệ diện tích cây cao su hiện còn, nhưng bà con cho rằng cây cao su chẳng đem lại lợi ích nên chẳng thiết để bảo vệ. Thực tế đến nay nhiều bà con vô cùng khó khăn, mấy tháng qua dù lực lượng công an có lập chốt bảo vệ, nhưng người dân đói quá vẫn cứ chặt bỏ cao su”, ông Hà Văn Sính, Bí thư chi bộ bản Thàn, xã Chiềng Pằn phân trần.

Trước tình trạng chặt phá cây cao su diễn ra ngày càng nhiều, huyện Yên Châu đã thành lập 3 chốt bảo vệ liên ngành làm nhiệm vụ tuần tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, lập hồ sơ xử lý các trường hợp vi phạm việc chặt phá cây cao su trên địa bàn, báo cáo Thường trực UBND huyện và Công an huyện xử lý.

Tuy nhiên, các chốt này “lực bất tòng tâm”, không ngăn chặn được tình trạng chặt phá do bà con không có thu nhập từ cao su, trong khi trồng mía, ngô hay cây ăn quả cho thu nhập cao hơn. Ban đầu, việc chặt phá cây cao su chỉ lén lút chặt vào ban đêm, về sau công khai chặt giữa ban ngày; thậm chí, dùng cưa máy chặt bỏ hàng loạt… Vẫn biết làm thế là vi phạm, bởi bà con góp đất, nhưng cây cao su là do công ty cao su quản lý, sở hữu. Tuy nhiên, do không có ăn, bà con đành phải chặt cao su đi để lấy đất trồng cây khác có thu nhập.

Hàng loạt cây cao su ở bản Thàn, xã Chiềng Pằn, huyện Yên Châu bị người dân chặt bỏ để lấy đất trồng cây khác.

Bà Quản Thị Dung, Bí thư huyện ủy Yên Châu cho biết, toàn huyện có hơn 880 ha diện tích cao su, tập trung ở 3 xã Chiềng Sàng, Chiềng Pằn và Viêng Lán. Do cây cao su không mang lại hiệu quả kinh tế, người dân không mặn mà với cây này nên tình trạng chặt phá cây cao su trong 3 năm trở lại đây ngày càng tăng. Nếu như năm 2017, mới có 440 cây bị chặt bỏ thì đến 6 tháng đầu năm 2020, số cây bị chặt phá tới gần cả chục nghìn cây.

“Chúng tôi cũng đã hết mình ngăn cản hành động tự phát chặt phá cây cao su. Chính quyền đến, người dân vẫn tiếp và có những ý kiến rất từ tốn. Tuy nhiên, để người dân không chặt phá thì chính quyền đang quá sức. UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo rất nhiều đoàn công tác xuống xem xét, chỉ đạo trực tiếp tại cơ sở nhưng cũng rất khó khăn để ổn định tình hình”, bà Dung cho hay.

Thu nhập từ cao su chỉ bằng 1/74 cây ăn quả

Trước những khó khăn, bất cập về đời sống của nhân dân liên quan đến cây cao su, năm 2019, tỉnh Sơn La đã thành lập Tổ công tác thực hiện rà soát, từ đó có đánh giá thực tế về Chương trình phát triển cây cao su sau 10 năm triển khai.

Theo đó, báo cáo ngày 9/7/2019 về tình hình thực hiện Chương trình phát triển cây cao su trên địa bàn của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Sơn La cho thấy: Toàn tỉnh Sơn La đã góp gần 8.850 ha đất trồng cao su, chủ yếu là đất hộ gia đình, cá nhân đóng góp.

Tổng số hộ dân đã góp đất trồng cây cao su là 6.923 hộ. Trong đó, hơn một nửa số này đã góp từ 50%, tổng diện tích đất sản xuất của gia đình trở lên. Đến nay, có trên 1.500 ha đất trồng cao su không phù hợp, tỉnh đang đề nghị Công ty Cao su Sơn La sớm trả lại cho bà con để trồng các loại cây khác cho thu nhập tốt hơn.

Có thể thấy, là dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn với mức đầu tư lớn nhất tỉnh hiện nay, song sau 12 năm triển khai, việc trồng cao su ở Sơn La được đánh giá là chưa mang lại hiệu quả như mục tiêu đề ra.

Đáng kể nhất là chưa giải quyết được các mục tiêu việc làm, thu nhập, an sinh xã hội cho hộ gia đình, cá nhân góp đất trồng cao su vào làm công nhân cho Công ty CP Cao su Sơn La, dẫn đến có tới gần 3.800 công nhân bỏ việc (số này chiếm gần 68% tổng số lao động được tuyển dụng vào làm công nhân của công ty cổ phần cao su Sơn La). Ước tính, thu nhập bình quân từ 1 ha cao su chỉ đạt 1,2 triệu đồng/ha/năm; số này thấp hơn 40 lần so với cây sắn, 57 lần so với cây chè và 74 lần so với cây ăn quả…

Ông Nguyễn Hữu Đông, Ủy viên dự khuyến Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La tại buổi làm việc với Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam mới đây đã đề nghị 2 bên phối hợp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn giúp bà trồng cao su nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.

“Trên các diện tích đất mà bà con đã góp 100%, tỉnh sẽ nghiên cứu cơ chế chính sách như thế nào đó để bà con ổn định, có thể hỗ trợ về chăn nuôi. Về phía Tập đoàn và Công ty cao su Sơn La, tỉnh đề nghị tiếp tục phát huy việc trồng cây dược liệu dưới tán cao su và tiếp tục đánh giá những cây, con khác như con ong lấy mật… để bà con có thêm thu nhập. Còn về hỗ trợ cho bà con, thống nhất cố gắng giải quyết theo hướng phía công ty cao su Sơn La sẽ dùng phí dịch vụ môi trường rừng; còn tỉnh sẽ dùng cơ chế chính sách hỗ trợ cho bà con trong năm thứ 8 và năm thứ 9, thứ 10 tiếp theo nếu trồng cao su mà chưa có thu hoạch, thu nhập. Nhiệm vụ đặt ra là làm thế nào đó để nâng cao thu nhập, đời sống cho bà con”, ông Đông nhấn mạnh.

Về phía Công ty CP Cao su Sơn La, ông Võ Đức Trường, Phó Tổng Giám đốc Công ty cho biết, năm nay là năm thứ 5 thực hiện khai thác mủ cao su. Do nhiều yếu tố khách quan, trong đó có việc giá mủ cao su trên thế giới giảm mạnh nên sản xuất kinh doanh không đạt mục tiêu đề ra.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, giả sử giá mủ cao su vẫn như thời đỉnh cao năm 2007 – 2008 (trên 100 triệu đồng 1 tấn, thay vì 25 - 30 triệu đồng/tấn như hiện nay), thì thu nhập từ cao su so với các loại cây trồng khác trên địa bàn tỉnh Sơn La vẫn sẽ “một trời một vực”. Bởi cao su trồng ở Sơn La không phải chỗ nào cũng phù hợp, do đất đai, khí hậu, nên sản lượng mủ không cao; trong khi suất đầu tư lại lớn hơn các vùng khác do địa hình chia cắt, đồi núi dốc...

Cây cao su phải được đưa vào định hướng phát triển kinh tế xã hội

Như vậy, chương trình nông nghiệp với mức đầu tư lớn nhất tại Sơn La sau 12 năm triển khai đang nảy sinh nhiều khó khăn, bất cập, rất cần được đánh giá, nhìn nhận một cách thẳng thắn, khách quan để có những điều chỉnh về hướng đi phù hợp.

Thế nhưng, đến nay, khi gần 600 đảng bộ cơ sở ở Sơn La đã hoàn thành việc Đại hội Đảng bộ, nhiệm kỳ 2020 - 2025; đề ra phương hướng nhiệm vụ trong những năm tiếp theo, nhưng trong các báo cáo chính trị, hay Nghị quyết Đại hội ở những địa phương có trồng cao su đang gặp khó hầu như không hề nhắc đến những tồn tại, cũng như đề xuất giải pháp, hướng khắc phục chương trình phát triển cây cao su trên địa bàn.

Một số Đảng bộ cấp huyện, địa phương có trồng cao su đã đại hội; hoặc đã xây dựng dự thảo báo cáo chính trị để trình Đại hội, nhưng cũng không đề cập đến “vấn đề” cây cao su; một số huyện thì dự thảo báo cáo chính trị có “nhắc” về diện tích cao su, cây cao su đã cho khai thác mủ, cho thu hoạch… song cũng không bàn sâu để đưa ra giải pháp, hay đề xuất kiến nghị, định hướng cây cao su tới đây sẽ đi đâu về đâu.

Cây cao su bị chặt chất đống để làm củi.

Lý giải về điều này, ông Nguyễn Hoài Thu, Bí thư Huyện ủy Quỳnh Nhai cho rằng, Đại hội Đảng bộ huyện Quỳnh Nhai có bàn giải pháp để phát triển sản xuất trên địa bàn huyện, mục tiêu cuối cùng là không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống cho nhân dân và giữ sự bình yên cho nhân dân.

“Huyện không đặt riêng vấn đề đối với cây cao su, bởi vì hiện nay diện tích trồng cao su trên địa bàn huyện chỉ có 837 ha, chỉ là một góc rất nhỏ trong hoạt động sản xuất của toàn huyện, không lớn so với mặt bằng chung”, ông Thu nói.

Đại hội Đảng bộ các cấp là sự kiện trọng đại, ngoài công tác nhân sự thì cũng là dịp để nhìn nhận, đánh giá lại việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ trước, các chương trình mục tiêu đã thành công hay chưa, cũng như chỉ ra hạn chế do yếu tố khách quan và chủ quan.

Từ những lẽ đó, ngoài sớm triển khai các giải pháp tháo gỡ những khó khăn hiện tại cho người trồng cao su, bà con mong muốn, tại diễn đàn Đại hội Đảng cấp trên cơ sở tỉnh Sơn La, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã và đang diễn ra, chương trình phát triển cây cao su sẽ được xem xét, nhìn nhận, đánh giá khách quan, cẩn trọng, xem cao su có thể thực sự bám trụ, phát triển và đạt được mục tiêu mà Nghị quyết địa phương đã đặt ra hay không?!./.

Quyết định số 3079 ngày 21/12/2007 của UBND tỉnh Sơn La về định hướng quy hoạch, kế hoạch phát triển cây cao su trên địa bàn tỉnh Sơn La đặt ra mục tiêu là đến năm 2020, Sơn La sẽ có 40.000 ha cây cao su. Thu nhập ổn định từ thứ cây “vàng trắng” này sẽ từng bước giúp người góp đất trồng cao su xóa được đói, giảm được nghèo…

Từ năm 2007 - 2018, tổng kinh phí đã đầu tư thực hiện Chương trình cây cao su trên địa bàn Sơn La là trên 1.200 tỷ đồng. Đây là chương trình nông nghiệp, nông thôn được đầu tư lớn nhất trên địa bàn tỉnh Sơn La thời gian qua. Riêng tỉnh Sơn La đã chi trên 185 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh hỗ trợ cây giống, đào tạo nghề, đo đạc địa chính, bồi thường giải phóng mặt bằng nhà máy chế biến mủ cao su và hỗ trợ xã, bản, hộ dân góp đất trồng cao su…/.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên