Phát triển dịch vụ Logistics trong giao thông vận tải
VOV.VN - Theo đó, hạ tầng giao thông vận tải được đầu tư phát triển đồng bộ, đảm bảo tính kết nối, hỗ trợ phát triển Logistics.
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án phát triển dịch vụ Logistics trong lĩnh vực giao thông vận tải Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu nâng cao hiệu quả kinh tế trong hoạt động giao thông vận tải; góp phần thực hiện thành công Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020.
Đề án cũng đặt ra các mục tiêu cụ thể là đến năm 2020: Phát triển dịch vụ Logistics trong lĩnh vực giao thông vận tải nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động khai thác, sử dụng hệ thống cảng biển, đặc biệt là cảng biển quốc gia; góp phần thực hiện thành công Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020.
Cảng biển Việt Nam (ảnh: vantaidvn) |
Giai đoạn đến năm 2030: Phát triển dịch vụ Logistics trong lĩnh vực giao thông vận tải thành một ngành dịch vụ quan trọng tại Việt Nam, đóng góp từ 5 – 10% GDP.
Để thực hiện mục tiêu trên, cần đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải đồng bộ, đảm bảo tính kết nối, tạo thuận lợi cho việc phát triển dịch vụ Logistics; Phát triển kết cấu hạ tầng cảng biển, bao gồm cả kết cấu cầu cảng và luồng hàng hải của các cảng biển quốc gia phù hợp với quy hoạch phát triển cảng biển; Đầu tư xây dựng các tuyến đường bộ kết nối vào cảng biển, tạo thuận lợi cho hoạt động của cảng và dịch vụ Logistics.
Bên cạnh đó, phát triển hệ thống đường bộ kết nối với các hành lang, vành đai kinh tế phù hợp với quy hoạch phát triển đã được phê duyệt; cải tạo, nâng cấp các tuyến luồng, cảng, bến cảng thủy nội địa phù hợp với quy hoạch, tạo thuận lợi cho hoạt động giao thông vận tải trên các tuyến đường thủy nội địa.
Phát triển hệ thống đường sắt kết nối với hệ thống cảng biển quốc gia, đặc biệt kết nối với cảng biển khu vực Hải Phòng và Bà Rịa-Vũng Tàu; hoàn thiện hệ thống cảng hàng không, sân bay tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, tạo thuận lợi phát triển dịch vụ Logistics.
Để nâng cao năng lực doanh nghiêp dịch vụ Logistics trong lĩnh vực giao thông vận tải, cần kiện toàn mô hình tổ chức của doanh nghiệp; thực hiện kết nối các chuỗi dịch vụ Logistics để từng bước đáp ứng nhu cầu của thị trường, nâng cao hiệu quả kinh doanh dịch vụ Logistics; huy động các nguồn lực xã hội bao gồm cả nguồn lực tài chính để phát triển chuỗi cung ứng dịch vụ Logistics; có chiến lược phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển chuỗi cung ứng dịch vụ Logistics.
Ngoài ra, Đề án còn đưa ra các giải pháp phát triển nguồn nhân lực và hợp tác quốc tế; xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ. Trong đó, tăng cường hợp tác quốc tế, tổ chức đào tạo, huấn luyện nâng cao kiến thức hiểu biết và kinh nghiệm quản trị cung ứng dịch vụ Logistics cho cán bộ quản lý và doanh nghiệp dịch vụ Logistics./.