Phát triển điện gió cần khung chính sách ổn định và lâu dài
VOV.VN - Để không ảnh hưởng tiến độ đầu tư, Việt Nam cần đưa ra khung chính sách ổn định và lâu dài hơn nữa, đảm bảo sự ổn định tâm lý nhà đầu tư và phát triển hơn nữa ngành điện gió.
Việt Nam đang thúc đẩy những chiến lược phát triển bền vững nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo và giảm thiểu phát thải, đặc biệt sau khi Việt Nam ký “Tuyên bố toàn cầu về chuyển dịch từ than sang năng lượng sạch” tại COP26. Hội nghị Năng lượng gió Việt Nam - Vietnam Wind Power 2021 ngày diễn ra từ ngày 1 - 2/12 được xem là một sự kiện đúng thời điểm, trong bối cảnh ngành công nghiệp năng lượng điện gió đang có tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ tại Việt Nam.
Sự kiện do Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Công Thương chủ trì, được tổ chức bởi Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ; Văn phòng Bộ Khoa học và Công nghệ; Ủy ban Năng lượng gió toàn cầu (GWEC) và Công ty Informa Markets; Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam. Trong lần tổ chức thứ 4, Vietnam Wind Power 2021 tiếp tục cung cấp các thông tin mới nhất về bức tranh năng lượng toàn cầu, tầm quan trọng của chuyển đổi cơ cấu nguồn năng lượng, cũng như tiềm năng và xu hướng phát triển của ngành năng lượng điện gió tại Việt Nam và Đông Nam Á trong thời gian tới.
Chia sẻ tại hội nghị, ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch Hiệp hội Điện gió Bình Thuận kiêm Giám đốc điều hành Thuận Bình Wind cho biết, cuối tháng 10/2021, khi cơ chế giá hỗ trợ (FIT) cho điện gió hết hạn để chuyển sang cơ chế đấu thầu, Thuận Bình Wind có 3 dự án đã kịp về đích với tổng công suất trên 100 MW. Trong khi đó, Bình Thuận là tỉnh có tiềm năng về năng lượng tái tạo rất lớn, có sự hiện diện của các dự án điện gió trên bờ, gần bờ, điện mặt trời, tương lai kỳ vọng sẽ có dự án điện gió ngoài khơi đầu tiên tại đây.
Nói về "cuộc đua" giá FIT trước thời hạn ngày 30/10/2021, ông Thịnh cho rằng, cần gia hạn cơ chế giá FIT cho các nhà đầu tư chưa kịp về đích. Bởi trong thời gian qua vì lý do dịch bệnh, nhiều dự án không thể kịp đưa vào vận theo để hưởng ưu đãi giá FIT theo Quyết định 39 của Chính phủ, vì vậy rất cần có sự linh hoạt, gia hạn chính sách giá FIT để “cứu” các doanh nghiệp này.
"Nên gia hạn giá FIT cho các nhà đầu tư điện gió để những dự án đang về đích có thể có doanh thu nhưng giá như thế nào cần được xem xét cẩn trọng, cân đối hài hoà lợi ích giữa các nhà đầu tư với nhau. Kể từ sau ngày 1/11, chúng ta vẫn giữ cơ chế giá FIT nhưng có thể mỗi tháng sẽ giảm đi 1% và nếu kéo dài cơ chế giá FIT đến năm 2023 giá FIT sẽ giảm 24%. Điều này sẽ giải quyết được vấn đề giá cho các dự án đang tồn tại và cho cả dự án sắp chuẩn bị đầu tư khi chưa có cơ chế đấu thầu”, ông Thịnh kiến nghị.
Đề cập đến cơ chế đầu tư lưới điện truyền tải trong thời gian tới, ông Thịnh cho rằng, hiện nay lưới điện Việt Nam tương đối độc lập, chưa có liên kết vùng và mới chỉ có lưới điện 110kV với Campuchia, lưới 500kV với Lào và lưới 220kV với Trung Quốc nhưng công suất còn rất nhỏ. Với tỉ trọng năng lượng tái tạo ngày càng lớn, cần phải có liên kết vùng để điều hoà lưới điện và hài hoà câu chuyện điều độ hệ thống điện.
Đánh giá cao ngành công nghiệp năng lượng điện gió của Việt Nam, bà Trần Thị Hồng Lan, Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (Bộ KH&CN) cho hay, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào 2050. Trong quá trình chuyển dịch năng lượng, điện gió nói chung và điện gió ngoài khơi nói riêng là chìa khóa để Việt Nam thực hiện mục tiêu đề ra.
“Điều cần thiết để thực hiện mục tiêu không chỉ ở cơ chế chính sách mà còn ở công nghệ như lắp đặt, vận hành, giám sát, bảo trì, xử lý tái chế, nhân lực… để tạo ra những mô hình mới trong ngành năng lượng nói riêng và các ngành khác nói chung. Do vậy, các chính sách cần phải hỗ trợ và tạo điều kiện thúc đẩy các dự án năng lượng tái tạo”, bà Lan nêu rõ.
Theo ông Kim Hojlund Christensen, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam, Đan Mạch đã hợp tác với Bộ Công Thương xây dựng các khung khổ bền vững cho điện gió. “Điện gió trên bờ đã phát triển những năm gần đây và Việt Nam đã có giá FIT, nhưng cần lộ trình rõ ràng cho tương lai để không ảnh hưởng tiến độ đầu tư vào Việt Nam. Việt Nam cần đưa ra khung chính sách ổn định và lâu dài hơn nữa, để đảm bảo sự ổn định tâm lý nhà đầu tư và phát triển hơn nữa ngành điện gió”, ông Kim Hojlund Christensen khuyến cáo.
Cho rằng Việt Nam đang rất giống Đan Mạch khi thực hiện quá trình chuyển dịch từ điện than sang năng lượng tái tạo; sử dụng các công nghệ mới theo xu hướng phát triển xanh, ông Niels Holst, Đối tác, Copenhagen Infrastructure Partners (CIP – đơn vị đầu tư dự án điện gió ngoài khơi La Gàn) cho hay, khả năng vay vốn của các hợp đồng mua bán điện là rất quan trọng.
“Trong khi Việt Nam đã hết cơ chế giá FIT, nên nếu theo cơ chế giá đấu thầu sẽ khá khó thực hiện, bởi nếu vay vốn ngân hàng để đầu tư vào các dự án với giá trị hàng USD sẽ phải cân đối rất nhiều yếu tố. Những dự án sẽ tiếp tục gặp rắc rối với cơ chế tài chính hiện tại để có thể đi vào vận hành, đạt hiệu quả năng lượng”, ông Niels Holst chỉ rõ./.