Phát triển kinh tế biển xanh dựa vào bảo tồn
VOV.VN - 1 năm trước, hệ sinh thái, các rạn san hô tại Hòn Mun- vùng lõi của Khu Bảo tồn vịnh Nha Trang bị tàn phá nghiêm trọng, nhiều vùng san hô có cảnh quan độc đáo đã bị tẩy trắng, thủy sinh vật thưa thớt. Ngay sau đó, hàng loạt giải pháp được triển khai quyết liệt để phục hồi các rạn san hô này.
Giữ gìn thiên nhiên, bảo tồn các nguồn lợi chính là giải pháp để tỉnh Khánh Hòa phát triển kinh tế biển xanh, bền vững.
Khu vực Hòn Mun có hệ sinh thái đa dạng cao về mặt sinh học của Việt Nam và có giá trị về mặt kinh tế của tỉnh Khánh Hòa. Các hoạt động như lặn biển, tàu đáy kính trong vùng biển Hòn Mun đã bị tạm dừng hơn 1 năm nay. Hoạt động đánh bắt thủy sản trong khu vực này cũng bị nghiêm cấm. Kết quả khảo sát gần đây nhất cho thấy, giá trị trung bình độ phủ san hô sống đã đạt hơn 60%, đa dạng về loài san hô, có nhiều san hô mềm, nhiều mầm san hô đã mọc, nhiều loài cá chuyên sinh sống trong rạn san hô như cá Mó, cá Bướm… đã quay về sinh sống, với mật độ dày hơn.
Ban Quản lý Vịnh Nha Trang sẽ tiếp tục lắp đặt giàn phao phân vùng và camera giám sát bảo vệ rạn san hô khu vực Hòn Mun. Đơn vị phối hợp với các đơn vị nghiên cứu khoa học khảo sát, đánh giá đa dạng sinh học để xem xét mức độ phuc hồi của hệ sinh thái, làm cơ sở đưa ra các giải pháp quản lý, bảo vệ hiệu quả.
Ông Đàm Hải Vân, Phó Trưởng Ban quản lý Vịnh Nha Trang cho hay: “San hô đã mọc rất đẹp, thả những giàn phao và làm những giải pháp không cho hoạt động du lịch tại khu vực này nên hạn chế được tối đa tác động của con người. Trước đây, khu vực này do mực nước cạn có các hoạt động của khách vào ra, có thể câu cá, giẫm đạp… àm ảnh hưởng đến các rạn san hô. Qua 1 năm, chúng ta tăng cường công tác bảo vệ và có các giải pháp kịp thời, nếu tình hình này mà giữ được thì khoảng 3 năm nữa, có thể san hô phục hồi nguyên trạng như trước đây.”
Tỉnh Khánh Hòa có đường bờ biển dài gần 400 km cùng nhiều đầm, vịnh và khu vực quần đảo Trường Sa rộng lớn. Vùng ven biển gắn liền với sinh kế của hàng chục vạn người dân từ nuôi trồng, đánh bắt, du lịch, dịch vụ. Bên cạnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền thì tỉnh Khánh Hòa đã triển khai nhiều dự án bảo tồn như: Khu Bảo tồn Hòn Mun ở vịnh Nha Trang; Dự án nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững; Mô hình Khu bảo vệ Hệ sinh thái biển Rạn Trào nằm ở vùng biển xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh; các tổ liên kết nuôi trồng trên biển... Những dự án này với sự tham gia đồng quản lý của cộng đồng giúp quản lý tốt hệ sinh thái, rạn san hô ven bờ, qua đó phục hồi lại nguồn lợi thủy sản, tạo điều kiện cải thiện đời sống người dân.
Ông Trần Hòa Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đánh giá: Hiệu quả lớn nhất của công tác bảo tồn đa dạng sinh học biển, là bảo vệ được các loài sinh vật biển đang bị đe dọa, duy trì các hệ sinh thái biển ổn định, bảo vệ các vùng nuôi trồng thủy sản. Qua đó, tạo thêm cơ hội việc làm cải thiện thu nhập cho người dân thông qua việc thu hút khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm.
Ông Trần Hòa Nam nói: “Các dự án mô hình này nhằm quản lý tốt hệ sinh thái, rạn san hô ven bờ, qua đó phục hồi lại nguồn lợi thủy sản, tạo điều kiện cải thiện đời sống người dân. Những dự án mô hình này đang được cộng đồng ngư dân địa phương hưởng ứng, ý thức gìn giữ môi trường biển và nguồn lợi thủy sản của người dân địa phương được nâng cao. Thấy rõ nhất là tình trạng khai thác hải sản bằng các biện pháp hủy diệt đã cơ bản được xóa bỏ.”
Các Nghị quyết của Trung ương, của tỉnh xác định Khánh Hòa phát triển kinh tế biển là nền tảng. Với các cảnh quan biển, đảo độc đáo, Khánh Hòa có cơ hội thuận lợi tiếp tục phát triển du lịch trở thành nền kinh tế mũi nhọn, phát triển kinh tế biển xanh như Nghị quyết 36 năm 2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, xác định phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển; bảo đảm hài hoà giữa các hệ sinh thái kinh tế và tự nhiên, giữa bảo tồn và phát triển.
Phó Giáo sư- Tiến sỹ Nguyễn Chu Hồi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghề cá Việt Nam, Uỷ viên Uỷ ban Khoa học- Công nghệ- Môi trường Quốc hội cho rằng kinh tế biển xanh là lấy môi trường biển làm chất xúc tác, dựa trên việc bảo tồn các nguồn vốn tự nhiên của biển bao gồm các tài nguyên, đặc biệt là các hệ sinh thái đa dạng sinh học biển. Việc khai thác làm sao phải bền vững, tiết kiệm các nguồn tài nguyên để đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh thực phẩm cũng như bảo đảm cho thế hệ hôm nay và thế hệ mai sau. Ngoài các ngành nghề truyền thống, Khánh Hòa có đang có nhiều trung tâm khoa học về biển, thuận lợi để áp dụng công nghệ, phát triển các ngành kinh tế mới thân thiện với môi trường.
“Các ngành kinh tế thân thiện với môi trường như năng lượng biển tái tạo phải được ưu tiên, dược liệu biển, nghề cá giải trí…Thay vì, chúng ta đánh cá đi bán thì chúng ta ngắm cá giải trí, câu cá giải trí , đánh cá giá trí, xuất khẩu cá cảnh của san hô. Đây là thế mạnh của vùng biển Khánh Hòa được xem nằm trong phần kéo dài của tam giác san hô toàn cầu”- ông Chu Hồi nói./.