Phát triển kinh tế tư nhân: Cơ quan quản lý cần thay đổi thái độ ứng xử, cung cách phục vụ

VOV.VN - Cần có chính sách phát triển kinh tế tư nhân một cách thực chất và phù hợp, tạo nền tảng để khối này phát triển trở thành “động lực quan trọng” của nền kinh tế.

Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế, đòi hỏi phải có cách tiếp cận mới về mặt chính sách. Đổi mới toàn diện quản lý nhà nước cũng cần theo hướng nhanh, mạnh và phù hợp, chất lượng hơn. Vậy, đổi mới cần tập trung vào các yêu cầu, các thành tố cấu thành nền tảng phát triển kinh tế tư nhân, từ tư duy, nhận thức, phương thức tới công cụ thực hiện trên cơ sở đồng bộ và mang tính hệ thống.

Tỷ trọng đóng góp của kinh tế tư nhân chiếm khoảng 43% GDP với tốc độ tăng trưởng khá, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động. Vai trò của kinh tế tư nhân cũng có sự thay đổi đáng kể trong các nghị quyết của Đảng trong gần 35 năm qua. Cùng với đó là hàng loạt các chính sách lớn của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế tư nhân được ban hành và triển khai thực hiện.

Vấn đề đặt ra hiện nay là, khi kinh tế tư nhân thu hút tới 85% lực lượng lao động, các cơ quan quản lý nhà nước cần thiết kế chính sách phát triển kinh tế tư nhân một cách thực chất và phù hợp hơn, thực sự tạo nền tảng để kinh tế tư nhân phát triển trở thành một “động lực quan trọng” của nền kinh tế.

Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương so sánh: 10 năm trước, tư duy về doanh nghiệp “được làm những gì pháp luật cho phép” sang “doanh nghiệp được tự do kinh doanh”. Đó là bước chuyển đáng kể nhưng chưa đủ.

Chính vì vậy, trong 10 năm tới, đổi mới tư duy cần đặt vị trí kinh tế tư nhân tương xứng với vai trò của mình. Về mặt thể chế, chính sách của các cơ quan quản lý cần phải tập trung đổi mới từ thái độ ứng xử và cung cách phục vụ của các cơ quan quản lý nhà nước. Quan trọng hơn, là sự thay đổi này phải nhanh và mạnh hơn và so sánh với khu vực, chứ không chỉ so sánh ta với ta.

“Đã có sự thay đổi tư duy nhưng chưa đồng đều. Chủ trương của Đảng rất lớn nhưng chưa đồng bộ, chưa kể các địa phương. Doanh nghiệp vẫn phản ánh những bất cập, thái độ ứng xử của chính quyền trong giải quyết các thủ tục. Mức độ cải cách chưa đạt độ tạo “cú hích” để kinh tế tư nhân phát triển. Chất lượng môi trường thể chế Việt Nam xếp thứ 6 trong khối ASEAN (do Ngân hàng thế giới xếp hạng hàng năm) hay một số chỉ số khác Việt Nam chưa đạt được mức độ thay đổi tạo động lực”, ông Phan Đức Hiếu nhận xét.

Còn PGS.TS Đào Văn Hùng, nguyên Giám đốc Học viện chính sách phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia, muốn phát triển kinh tế tư nhân, bên cạnh nỗ lực bản thân khối doanh nghiêp này vẫn cần nền tảng tư duy hỗ trợ của nhà nước, nhất là hoạt động đổi mới công nghệ trong chiến lược 10 năm tới. Đây là yêu cầu bắt buộc đối với doanh nghiệp khi cạnh tranh và hội nhập, trong khi các doanh nghiêp nhỏ và yếu, chưa có đủ nguồn lực.

“Trong thập niên tới doanh nghiệp đứng ngoài chuyển đổi số sẽ không có năng lực cạnh tranh. Nhưng thực tế để họ tự chuyển đổi sẽ rất khó khăn về nhận biết và tài chính. Do vậy, nhà nước cần hỗ trợ để các doanh nghiệp này tiếp cận và chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất kinh doanh”, PGS.TS Đào Văn Hùng chỉ ra.

Cho đến nay, năng suất và tốc độ tăng năng suất của khu vực kinh tế tư nhân còn thấp và nhiều hạn chế; Năng lực khoa học công nghệ của các doanh nghiệp hạn chế; trình độ quản trị doanh nghiệp còn thấp; tính liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam còn yếu. Do đó, cần chỉ ra những điểm tồn tại, hạn chế của khu vực kinh tế tư nhân, cũng để thấy rõ hơn những hạn chế, yếu kém và tồn tại của phương thức quản lý nhà nước đối với kinh tế tư nhân, để từ đó xác định rõ mục tiêu, giải pháp phù hợp và quan trọng nhất tổ chức thực hiện.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan khuyến nghị, cơ quan quản lý cần đặt niềm tin vào doanh nghiệp, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động đổi mới sáng tạo, chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến. “Doanh nghiệp cần hỗ trợ nâng cao kỹ năng, thông tin tư vấn và khuyến khích hỗ trợ tạo lập các chuỗi cung ứng mới với giá trị gia tăng cao hơn. Cơ quan quản lý cần tin và dựa vào doanh nghiệp để thực hiện tạo lập môi trường cạnh tranh, nếu các cơ quan quản lý chỉ thiết kế với nhau, thiếu niềm tin ở doanh nghiệp sẽ rất khó thực hiện”, bà Lan nói.

Đổi mới trong cách tiếp cận từ các phương thức hỗ trợ, từ thái độ quản lý và cách ứng xử với các tình huống đối với doanh nghiệp cần trên tinh thần cởi mở, tạo thuận lợi và phải được làm thường xuyên, đồng bộ. Ví như những ý tưởng được bàn kỹ “trở đi trở lại”, khi đã trở thành các đề án, nghị quyết thì cần tích cực đưa vào cuộc sống, hiện thực hóa các nghị quyết này.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, ông theo dõi 30 năm qua về khả năng liên kết của Việt Nam và thấy rằng khả năng này rất yếu, nhất là trong nội bộ các doanh nghiệp cần được khắc phục sớm. Phía các cơ quan quản lý cần nhận thức tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển là trách nhiệm của mình. Tư duy đổi mới sáng tạo trong quản lý theo hướng tạo thuận lợi thay vì kìm hãm, nhũng nhiễu doanh nghiệp.

“Từ người xây dựng pháp luật, thiết lập thị trường rất nặng nề và mang tính quản lý chặt chẽ ở đầu vào chứ không phải đầu ra. Trong khi cấu trúc quản lý nhà nước phù hợp theo hình phễu, nghĩa là mở rộng đầu vào, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, sau đó khâu kiểm tra giám sát và hậu kiểm cho tốt. Nếu chúng ta kiểm soát theo hình nón sẽ rất khó khăn cho doan nghiệp nên cần có cơ chế chính sách phù hợp để hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp có quy mô nhỏ”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.

Từ tư duy đến hành động dài hay ngắn, lâu hay chóng phụ thuộc rất nhiều vào tầm lãnh đạo và tư duy của người làm quản lý. Vì thế, nhận diện rõ cần phải đổi mới toàn diện quản lý nhà nước trong phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam khi đã trở thành Nghị quyết của Đảng, rất cần biến thành hành động của những người làm quản lý, chính sách, các chuyên gia và bản thân mỗi doanh nghiệp, doanh nhân.

Từ tư duy đến hành động vì thế cũng cần sự quyết tâm và nhất quán, xuyên suốt để chúng ta cùng chung sức, đồng lòng đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, hiện thực hóa mục tiêu phát triển Việt Nam thành nước phồn thịnh trong tương lai./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Cơ chế xin - cho đè nặng khiến kinh tế tư nhân khó phát triển
Cơ chế xin - cho đè nặng khiến kinh tế tư nhân khó phát triển

VOV.VN - Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo tinh thần Nghị quyết số 10/NQ-TW khóa 12.

Cơ chế xin - cho đè nặng khiến kinh tế tư nhân khó phát triển

Cơ chế xin - cho đè nặng khiến kinh tế tư nhân khó phát triển

VOV.VN - Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo tinh thần Nghị quyết số 10/NQ-TW khóa 12.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Phải thúc đẩy vai trò đổi mới sáng tạo của kinh tế tư nhân
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Phải thúc đẩy vai trò đổi mới sáng tạo của kinh tế tư nhân

VOV.VN - Thủ tướng nhấn mạnh, đổi mới quản lý Nhà nước đối với kinh tế tư nhân phải thúc đẩy được vai trò đi đầu về đổi mới sáng tạo của kinh tế tư nhân, tạo niềm tin mạnh mẽ và phát triển các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn ở Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Phải thúc đẩy vai trò đổi mới sáng tạo của kinh tế tư nhân

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Phải thúc đẩy vai trò đổi mới sáng tạo của kinh tế tư nhân

VOV.VN - Thủ tướng nhấn mạnh, đổi mới quản lý Nhà nước đối với kinh tế tư nhân phải thúc đẩy được vai trò đi đầu về đổi mới sáng tạo của kinh tế tư nhân, tạo niềm tin mạnh mẽ và phát triển các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn ở Việt Nam.

Kinh tế tư nhân nổi lên như một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế
Kinh tế tư nhân nổi lên như một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế

VOV.VN - Thực hiện Nghị quyết số 10, khu vực kinh tế tư nhân thời gian qua  đã khẳng định vai trò, động lực quan trọng đối với sự nghiệp đổi mới và phát triển kinh tế-xã hội đất nước.

Kinh tế tư nhân nổi lên như một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế

Kinh tế tư nhân nổi lên như một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế

VOV.VN - Thực hiện Nghị quyết số 10, khu vực kinh tế tư nhân thời gian qua  đã khẳng định vai trò, động lực quan trọng đối với sự nghiệp đổi mới và phát triển kinh tế-xã hội đất nước.