Phát triển kinh tế xanh và nông nghiệp tuần hoàn trong các HTX
VOV.VN - Hôm nay 17/11, tại Cần Thơ, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Diễn đàn hợp tác xã nông nghiệp với chủ đề “Phát triển kinh tế xanh và nông nghiệp tuần hoàn trong các hợp tác xã nông nghiệp”.
Tính đến hết tháng 6/2022, cả nước có hơn 19.000 hợp tác xã nông nghiệp (chiếm gần 67% tổng số hợp tác xã trong tất cả các lĩnh vực của cả nước), với gần 3,4 triệu thành viễn, trong đó chủ yếu là hộ nông dân. Các hợp tác xã nông nghiệp bước đầu trở thành một mắt xích quan trọng trong phát triển chuỗi giá trị liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản; là tiền đề quan trọng thúc đẩy hình thành các tổ hợp sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản quy mô vừa và nhỏ tại nhiều vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung.
Ngoài ra, với mục tiêu đem lại lợi ích tối đa cho thành viên, cộng đồng, các hợp tác xã nông nghiệp còn tham gia cung cấp nhiều dịch vụ khác ở nông thôn như: bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm y tế, du lịch sinh thái, tín dụng nội bộ, quản lý chợ, vệ sinh môi trường, cung cấp nước sạch. Sự phát triển hợp tác xã nông nghiệp đã góp phần tạo ra môi trường cạnh tranh, hiệu quả trong việc cung ứng, tiêu thụ sản phẩm và dịch vụ trong nông nghiệp, nông thôn.
Theo ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn được Bộ Nông nghiệp, các địa phương và người dân đặc biệt quan tâm vì tính hiệu quả, góp phần tăng thu nhập, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Và hướng tới phát triển nền nông nghiệp bền vững, tích hợp đa giá trị, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp.
Nông nghiệp tuần hoàn có vai trò đặc biệt quan trọng đối với khu vực ĐBSCL nhưng cũng đang đối mặt với nhiều thách thức từ biến đổi khí hậu. Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn cho rằng: “Nói ở ĐBSCL làm thế nào biến được những khó khăn, thách thức thành cơ hội và tiềm năng để phát triển. Hợp tác xã ở ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung thì cũng không nằm ngoài những xu thế phát triển này, đặc biệt hợp tác xã với vai trò dẫn dắt kinh tế hộ nông dân trong lĩnh vực nông nghiệp vô cùng hiệu quả và cũng đang được Đảng, Nhà nước rồi chính quyền các địa phương chúng ta đang cố gắng nỗ lực hỗ trợ, phát triển khu vực kinh tế rất tiềm năng, rất giá trị về mặt phát triển kinh tế”.
Ông Trần Văn Chiến, Giám đốc hợp tác xã vườn cây ăn trái Trường Xuân A, huyện Phong Điền, TP.Cần Thơ cho biết, hợp tác xã với 45 thành viên hiện đang canh tác sầu riêng với vú sữa, với sản lượng năm nay ước đạt 500 tấn. Hiện nay, trái vú sữa đang được doanh nghiệp bao tiêu để xuất khẩu đi một số nước, còn sầu riêng đang được một số công ty đàm phán để bao tiêu. Từ khi tham gia hợp tác xã hiệu quả kinh tế của các thành viên được nâng lên bởi giá thành sản xuất giảm, sản lượng trái cây làm ra được bao tiêu nên các thành viên chỉ chuyên tâm canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP.
Theo ông Trần Văn Chiến, việc phát triển kinh tế nông nghiệp tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu trong hợp tác xã nông nghiệp rất quan trọng, sẽ góp phần nâng cao hơn nữa thu nhập của các thành viên, sản phẩm làm ra an toàn, chất lượng và hơn hết là thích ứng với biến đổi khí hậu trong bối cảnh hiện nay. Để làm được điều này thì từng hợp tác xã phải thay đổi tư duy trong sản xuất để hướng đến kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp.
“Là một Giám đốc hợp tác xã vườn cây ăn trái, tới đây, những rác thải giai đoạn mình tỉa cành, tỉa nhánh, tỉa những trái sâu thì hướng dẫn cho xã viên đem những rác thải vào ủ lai để lấy phân hữu cơ, bón lại cho diện tích trồng cây của mình”, ông Trần Văn Chiến nói.
Tại diễn đàn, các diễn giả đã nêu thực trạng và định hướng phát triển hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp; phát triển nông nghiệp tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu và sự tham gia của các hợp tác xã nông nghiệp; giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa vùng ĐBSCL cơ hội và thách thức đối với hợp tác xã nông nghiệp và tọa đàm nâng cao năng lực, quy mô và hiệu quả hoạt động của hợp tác xã nông nghiệp./.