Phát triển lúa gạo bền vững: Suy nghĩ lớn trên cánh đồng lớn
VOV.VN - Liên kết nông dân với doanh nghiệp làm cánh đồng lớn là hướng làm mới đang được bà con ĐBSCL áp dụng trong việc trồng và sản xuất lúa gạo.
Việc nông dân nhiều nơi ở ĐBSCL còn sản xuất lúa nhỏ lẻ, manh mún, mạnh ai nấy làm đã dẫn đến những hệ lụy khó lường, nhất là không có nơi tiêu thụ ngay cả khi giá xuống thấp. Đã đến lúc người nông dân nơi đây phải mạnh dạn có những suy nghĩ lớn, góp công, góp của tạo ra những cách đồng lớn để đi tới sản xuất lớn, tạo ra chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến tiêu thụ.
Ngắm cánh đồng mênh mông một màu vàng của lúa, anh Nguyễn Văn Cường, xã Vĩnh Bình, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang chia sẻ, anh đồng ý dồn hơn 1 ha đất lúa vào cánh đồng lớn hơn 1.000 ha do tập đoàn Lộc Trời “điều phối” theo quy trình khép kín.
Việc hình thành cánh đồng lớn theo nguyên tắc tự nguyện của những nông dân có ruộng liền kề nhau, cùng xuống giống một thời điểm, chăm sóc lúa theo tiêu chuẩn VietGAP, thực hiện “1 phải, 5 giảm”… đã cho ra những sản phẩm chất lượng cao, đem lại hiệu quả cao sau mỗi vụ lúa.
Những cánh đồng riêng lẻ khó phát huy được tác dụng và mang lại lợi ích lớn cho nông dân. |
Từ cách làm này mà thời gian qua, mô hình cánh đồng lớn của Tập đoàn Lộc Trời lên tới 30.000 ha, quy tụ nông dân sản xuất bài bản; đồng thời xây dựng thành công thương hiệu gạo Vibigaba và gạo Hạt ngọc trời được xuất khẩu sang thị trường châu Âu, Bắc Mỹ… với giá cao.
Anh Nguyễn Văn Cường cho biết: "Làm như vậy, người nông dân có lợi 3 vấn đề. Chi phí giảm đáng kể. Nếu làm trong vùng lúa nguyên liệu thì 1 ha giảm 3 triệu so với bên ngoài. Thứ hai là tiếp cận được quy trình kỹ thuật mang tính bền vững. Thứ 3 là không còn cảnh được mùa mất giá. Bởi nếu thấy giá thấp thì không bán mà chuyển qua kho sấy và chờ giá".
Liên kết nông dân với doanh nghiệp làm cánh đồng lớn, theo ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty TNHH Trung An, ở thành phố Cần Thơ, là cách làm hiệu quả, bền vững. Đến nay Công ty Trung An đầu tư, liên kết với nông dân ở 5 tỉnh với tổng diện tích hơn 200.000 ha. Công ty ký hợp đồng liên kết với nông dân thời hạn tối thiểu 5 năm để trồng lúa; đầu tư toàn bộ vật tư đầu vào, hướng dẫn quy trình canh tác và bao tiêu 100% sản lượng.
Trước câu hỏi “Làm sao để lúa gạo không còn phải giải cứu nữa?” ông Bình tự tin trả lời: “Mô hình cánh đồng lớn liên kết theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp với nông dân là giải pháp hữu hiệu nhất, bền vững nhất ở ĐBSCL”.
Tuy nhiên, theo ông Bình, làm cánh đồng lớn hiện còn hai vướng mắc căn bản. Đó là cánh đồng lớn nhưng chưa thực sự lớn. Có nơi nông dân chưa đủ niềm tin nên ở ĐBSCL chỉ có khoảng vài trăm ngàn hecta làm cánh đồng lớn trong tổng số 2 triệu hecta đất trồng lúa là con số quá nhỏ. Bên cạnh đó, ông Bình đề nghị “ngân hàng phải đổi mới tư duy cho vay” đối với những doanh nghiệp đầu tư làm cánh đồng lớn sản xuất, tiêu thụ lúa gạo.
"Tất cả trên thuận dưới hòa, thiếu mỗi tiền. Bây giờ ngân hàng cho doanh nghiệp vay kinh doanh xuất khẩu gạo, nhưng vẫn còn thấp. Còn làm theo mô hình cánh đồng lớn năm 2017 tôi cũng đã nói với Phó Thủ tướng là ngân hàng phải thay đổi tư duy cho vay. Cho vay ngay từ đầu tiên sản xuất mà khi trước đây bà con nông dân làm một mình thì nông dân tự lo vốn. Còn bây giờ doanh nghiệp làm liên kết sản xuất theo mô hình của Bộ NN&PTNT thì doanh nghiệp phải lo vốn từ đầu chí cuối" - ông Bình chia sẻ.
Ghe lúa đang chờ đến lượt được thu mua ở Lấp Vò, Đồng Tháp hồi tháng 2/2019. |
Vẫn theo ông Phạm Thái Bình, đầu tư cánh đồng lớn cũng chưa đủ, mà doanh nghiệp phải có thêm “suy nghĩ lớn”. Công ty Trung An đã nhập khẩu 30 xi-lô chứa lúa thay cho kho chứa truyền thống để đảm bảo chất lượng, không mối mọt. Nếu có suy nghĩ lớn sẽ không còn phải “giải cứu” lúa gạo; nông dân có lãi và không còn phải lo cảnh rớt giá ngay khi lúa chín vàng trải dài trên khắp Đồng bằng châu thổ Cửu Long.
Trước khó khăn của người trồng lúa ĐBSCL hiện nay, theo các nhà khoa học, suy nghĩ lớn trên cánh đồng lớn không chỉ liên kết sản xuất, mà người nông dân cần được tiếp cận là làm nông thông minh, sản xuất lúa gạo thích ứng biến đổi khí hậu, làm tăng giá trị hạt gạo và tăng năng suất lao động.
Phó Giáo sư- Tiến sĩ Nguyễn Duy Cần - Trưởng khoa Phát triển Nông thôn, Đại học Cần Thơ cho rằng nông dân cần được tiếp cận “tư duy mở”. Họ cần được tập huấn, cầm tay chỉ việc; được tham khảo, học tập kinh nghiệm từ cách làm nông nghiệp ở các nước tiên tiến theo phương châm “muốn đi nhanh hãy đi một mình, muốn đi xa hãy đi cùng nhau”. Sản xuất cần kiên trì, “không ăn xổi, ở thì”, không vì một vụ rớt giá mà vội vàng chuyển đổi sang giống cây trồng khác.
Ông Nguyễn Duy Cần nêu ý kiến: “Cần có chính sách đầu tư hoặc kêu gọi đầu tư các ngành hàng trọng tâm, ngành hàng lựa chọn cho ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp 4.0. Ưu tiên đầu tư cho Hợp tác xã vì Hợp tác xã là đơn vị tiềm năng của ứng dụng công nghệ cao, đầu tư phải đủ lớn để vận hành được, không đầu tư dàn trải, không theo số lượng. Có thể đào tạo qua chương trình hợp tác, thực tập sinh nước ngoài để học tập, nắm bắt công nghệ cao về áp dụng, phát triển doanh nghiệp công nghệ cao".
Lúa chín vàng đầy đồng hồi tháng 2 mà người dân trong tâm trạng lo lắng. |
Theo ông Mỹ: "Trong 3 năm qua từ khi là một người làm doanh nghiệp, một người làm về khoa học, sau đó làm nông dân thì tôi thấy đó là điều thực hiện được. Hy vọng mình tạo mọi cơ chế, mọi sức lực để tạo ra môi trường làm việc, vận hành văn minh hơn để sáng tạo, ứng dụng công nghệ thông minh vào ruộng đồng mình cho bà con nông dân mình giàu có hơn”.
Từ thực tiễn cho thấy, nếu chỉ dựa vào những ưu đãi của thiên nhiên, canh tác lúa theo tập quán sẽ tụt hậu so với các nước trong khu vực và thế giới cả về sản lượng cũng như giá trị. Như vậy người nông dân sản xuất lúa gạo vẫn cứ nghèo so với mặt bằng xã hội. Và muốn vươn lên thì vấn đề cốt lõi là tự thân nông dân cũng cần từng bước thay đổi, để có “suy nghĩ lớn, trên cánh đồng lớn”./.
Sản xuất, tiêu thụ lúa gạo ở ĐBSCL: Day dứt sau những lần “giải cứu”