Phát triển thị trường vàng bền vững trong thế giới bất định
VOV.VN - Trong phiên thảo luận chủ đề “Phát triển thị trường vàng bền vững trong thế giới bất định” do Viện nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức sáng nay, các chuyên gia đã đưa ra nhận định vấn đề của vàng hiện nay là làm sao thu hẹp khoảng cách giữa giá vàng trong nước và quốc tế.
Trong 4 tháng đầu năm, giá vàng trong nước đã tăng hơn 30%, đáng chú ý, giá vàng trồi sụt thất thường, tăng giảm nhiều lần trong ngày. Chính phủ đã liên tục chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực hiện các giải pháp điều tiết thị trường vàng.
Để tăng cung ra thị trường, NHNN đã thực hiện 7 phiên đấu thầu vàng miếng SJC, nhưng sau các phiên đấu thầu vàng, mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới cùng “cơn sốt” vàng chưa có dấu hiệu dừng lại.
PGS.TS Hoàng Văn Cường, Uỷ viên Ủy ban tài chính- Ngân sách Quốc hội nhận định: “Chúng ta đấu thầu vàng nhằm mục tiêu tăng cung, cung tăng để mà giảm giá, tuy nhiên chúng ta thấy mấy phiên vừa qua mấy nghìn lượng vàng không phải là số lượng nhiều so với tổng cầu của thị trường, hơn nữa mỗi phiên đấu giá đều đặt ra mức giá tham chiếu và mức giá trúng đấu giá, mức giá trúng đấu gía thường cao hơn mức giá thị trường đã xác lập trước đó, vô hình chung qua đấu giá làm giá vàng lên, như vậy việc đấu thầu vàng chưa đạt mục tiêu giảm giá vàng”.
Các chuyên gia nhận định, cốt lõi của vấn đề giá vàng tăng nóng trong thời gian gần đây do nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, các kênh đầu tư khác vẫn còn nhiều rủi ro, vì vậy, vàng đang là hầm trú ẩn an toàn với nhiều người dân.
Để quản lý thị trường vàng trong thời gian tới, Chính phủ có thể xem xét cho một vài công ty nhập khẩu vàng nguyên liệu, Nhà nước quản lý thị trường vàng bằng thuế, kinh doanh vàng có hoá đơn điện tử, tăng cung vàng đủ lớn với giá đầu vào hợp lý để thu hẹp khoảng cách giữa giá vàng trong nước và thế giới.