Phát triển tín dụng tiêu dùng: Giải pháp đẩy lùi tín dụng đen
VOV.VN - Nhu cầu vay vốn của người dân rất lớn nhưng lại gặp khó trong việc tiếp cận tín dụng các kênh chính thống, điều này đã “tiếp tay” cho tín dụng đen.
Nội dung này được đưa ra tại Tọa đàm “Phát triển tín dụng tiêu dùng - giải pháp đẩy lùi tín dụng đen”, do Báo Đầu Tư tổ chức ngày 15/3, tại Hà Nội.
Tọa đàm "Phát triển tín dụng tiêu dùng-giải pháp đẩy lùi tín dụng đen". |
Số liệu của Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho thấy, quy mô thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam liên tục có sự tăng trưởng mạnh, dự báo sẽ tiến tới mốc 1 triệu tỷ đồng vào năm 2019, với mức tăng trưởng bình quân 29%/năm. Chi tiêu tiêu dùng của cá nhân ở Việt Nam so với GDP khá cao, trung bình giai đoạn 2010-2017 là 67%.
Chủ thể trên thị trường tín dụng tiêu dùng là các Ngân hàng thương mại (NHTM) và công ty tài chính. Trong đó NHTM chiếm thị phần chủ yếu hơn 90%, còn lại là công ty tài chính.
TS. Cấn Văn Lực dẫn số liệu của Stoxplus, theo đó, 47% người Việt Nam có tham gia vay tiền nhưng chỉ có 18,5% là vay từ những tổ chức tín dụng, ngoài ra là vay từ người thân, bạn bè hoặc tín dụng đen.
Theo ông Lực, một trong những lý do mà nhiều người Việt trẻ ngại vay từ ngân hàng là vì điều kiện vay chặt chẽ, yêu cầu nhiều giấy từ chứng minh, thủ tục thẩm định lâu, cần tài sản thế chấp. Chính sự dễ dàng trong tiếp cận vốn từ các công ty tài chính đã “vô tình” tiếp tay cho tín dụng đen phát triển.
Do đó, ông Lực cho rằng, việc phát triển TDTD là giải pháp tốt nhất để đẩy lùi nạn tín dụng đen hiện nay. Bởi thực tế, hệ lụy của tín dụng đen đối với xã hội là rất lớn, nhiều gia đình rơi vào cùng quẫn bởi vướng bẫy của tín dụng đen và không được pháp luật hỗ trợ. Do đó, phát triển TDTD sẽ cung cấp cho người dân nhiều sự lựa chọn tốt hơn, an toàn hơn, qua đó giảm bớt nhu cầu tiếp cận tín dụng đen và các hệ lụy mà loại hình này mang lại.
Tuy nhiên, hiện, TDTD tại Việt Nam vẫn chưa phát triển mạnh. Ông Nguyễn Tú Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ ra những hạn chế của thị trường đầy tiềm năng này. Đó là quy mô của TDTD tại Việt Nam còn nhỏ; kiến thức về tài chính-tín dụng của người dân và doanh nghiệp nhỏ Việt Nam còn hạn chế.
Nhiều người chưa hiểu rõ về dịch vụ tài chính-ngân hàng, đôi khi không được tư vấn một cách rõ ràng, đẩy đủ về hợp đồng tín dụng, nên sau khi ký hợp đồng có cảm giác bị lừa gạt. Điều này cũng có ảnh hưởng nhất định đến tính thiếu tuân thủ các điều kiện tín dụng, dẫn đến chịu lãi phạt cao và các tổ chức tín dụng phải dùng nhiều biện pháp để đòi nợ.
Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Thành Phúc, Phó Tổng Giám đốc Công ty FE Credit chia sẻ, nhu cầu vay rất lớn trong khi người dân bị giới hạn trong việc tiếp cận tín dụng tiêu dùng thông qua các kênh chính thống đã vô tình tạo nên thị trường màu mỡ cho tín dụng đen khai thác.
Do đó, tổ chức tín dụng cần có những chính sách riêng, phù hợp với hoạt động của mình để có thể cạnh tranh với “tín dụng phi chính thức”.
Về các giải pháp để thúc đẩy TDTD, ông Phúc đề xuất, các cơ quan quản lý - Ngân hàng Nhà Nước xem xét hoàn thiện hệ thống pháp lý, quy định phù hợp với hoạt động TDTD của các tổ chức tín dụng.
Về chứng từ chứng minh mục đích sử dụng vốn vay, cần xem xét loại bỏ loại chứng từ này để giảm bớt gánh nặng chi phí hành chính không cần thiết. Tập trung nguồn lực để phát triển các sản phẩm có giá phù hợp và phục vụ tốt hơn cho khách hàng.
Trên thực tế, việc yêu cầu người đi vay cung cấp các chứng từ này rất khó vì các khoản vay tiêu dùng thường có giá trị nhỏ; Nhiều mục chi tiêu khác nhau; Các nơi cung cấp hàng hóa bán lẻ phục vụ nhu cầu tiêu dùng không có hóa đơn chứng từ; Người tiêu dùng chưa có thói quen yêu cầu nhà cung cấp xuất hóa đơn, bản thân khách hàng cũng không thường xuyên lưu giữ các chứng từ chi tiêu.
Về chứng từ chứng minh thu nhập, cần nghiên cứ để thay thế bằng các chứng từ khác đơn giản và hiệu quả hơn. Do phân khúc khách hàng “dưới chuẩn” của ngân hàng thường đa phần là lao động tự do, lương được thanh toán bằng tiền mặt.
Về việc thu hồi nợ, luật pháp bảo vệ người bị hại không chỉ là người đi vay mà còn là người cho vay. Cần có những quy định xử lý nợ riêng, thủ tục tố tụng rút gọn để xử lý hiệu quả những khoản nợ xấu, khó đòi.
Về hệ thống mạng lưới, cơ quan quản lý cần xem xét gỡ bỏ các rào cản, nới lỏng các quy định để các tổ chức tín dụng mở rộng mạng lưới các điểm giới thiệu dịch vụ nhằm hỗ trợ người dân ở vùng sâu vùng xa, nông thôn có thể tiếp cận với các kênh tín dụng chính thống dễ dàng hơn./.
Không để cho “tín dụng đen” còn đất sống