Phát triển vùng nguyên liệu: cần hài hòa lợi ích kinh tế

Để thu hút nông dân phát triển vùng nguyên liệu thì các chính sách đầu tư của các nhà máy phải hợp lý, đảm bảo hài hòa lợi ích kinh tế giữa nhà máy và nông dân.

Mới đây, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định đã có buổi làm việc với Công ty CP Đường Bình Định (BISUCO) và Công ty CP Chế biến tinh bột mì (sắn) xuất khẩu về tình hình phát triển vùng nguyên liệu trên địa bàn tỉnh. Tại các buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh yêu cầu các công ty cần có chính sách đầu tư phát triển vùng nguyên liệu một cách hợp lý nhằm thu hút nông dân tham gia sản xuất có hiệu quả…

Vùng nguyên liệu chưa bền vững

Theo ông Hồ Ngọc Hùng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, trên địa bàn tỉnh hiện đang có 2 nhà máy chế biến mía, mì đang hoạt động. Tuy nhiên, trong thời gian qua, vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất của các nhà máy này đang trong tình trạng bấp bênh. Trong đó, điều đáng lo ngại là vùng nguyên liệu mía của BISUCO có nguy cơ ngày càng thu hẹp, nên tình trạng nhà máy thiếu nguyên liệu sản xuất thường xuyên xảy ra.

Nguyên nhân là do hiệu quả từ cây mía mang lại quá thấp, nông dân phá bỏ mía chuyển sang các loại cây trồng khác. Hiện ngành Nông nghiệp tỉnh đang phối hợp với BISUCO bàn các biện pháp để vực dậy vùng nguyên liệu, phục vụ nhà máy hoạt động ổn định, hiệu quả.

Ông Phan Lâm Tường, Phó Tổng Giám đốc BISUCO, cho biết, hiện nay, diện tích vùng nguyên liệu mía của nhà máy trên địa bàn 2 tỉnh Bình Định và Gia Lai chỉ còn khoảng trên 5.300 ha, trong đó, hơn nửa diện tích nằm trên địa bàn phía Đông tỉnh Gia Lai. Trong niên vụ sản xuất 2009-2010, kế hoạch của BISUCO là sẽ phát triển vùng nguyên liệu lên 7.400 ha nhằm đáp ứng đủ nguyên liệu phục vụ công suất ép 3.500 tấn mía cây/ngày của nhà máy. Thế nhưng, khó khăn đặt ra hiện nay là cây mía đang chịu sự cạnh tranh gay gắt của các loại cây trồng cạn khác. Nhiều địa phương trước đây có diện tích mía khá lớn như Tây Sơn, An Nhơn, Vân Canh, Vĩnh Thạnh, nay đang có nguy cơ bị thu hẹp dần.

Đối với cây mì (sắn), thời điểm hiện nay, đầu ra của sản phẩm tinh bột mì rất thuận lợi, giá cao, nhưng nhà máy cũng đang trong tình trạng thường xuyên thiếu nguyên liệu. Ông Đặng Văn Lý, Phó Giám đốc Công ty CP Chế biến tinh bột mì xuất khẩu, cho biết: Giá mì nguyên liệu đang được nhà máy thu mua ở mức 1.400 - 1.500 đồng/kg; giá sản phẩm tinh bột mì xuất khẩu ở mức 420 USD/tấn, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2009. Tuy nhiên, vùng nguyên liệu mì trên địa bàn tỉnh hiện nay vẫn chưa ổn định. Tại các vùng nguyên liệu của nhà máy, việc đầu tư thâm canh cây mì vẫn chưa được nông dân chú trọng nên năng suất mang lại chưa cao.

Để nhà máy có thể hoạt động hết công suất, đơn vị phải tổ chức thu mua nguyên liệu tại các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Phú Yên… Trong năm 2010, nhà máy có dự án nâng công suất lên gấp đôi nên vấn đề thiếu nguyên liệu càng trở nên bức thiết, rất cần có sự quan tâm quy hoạch vùng nguyên liệu ổn định.

Tập trung phát triển vùng nguyên liệu

Mới đây, tại buổi làm việc với lãnh đạo BISUCO và Công ty CP chế biến tinh bột mì xuất khẩu, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Định Lê Hữu Lộc cho rằng, trong tình trạng các nhà máy chế biến thiếu nguyên liệu sản xuất, việc tăng cường các chính sách đầu tư, phát triển vùng nguyên liệu là rất cần thiết.

Tuy nhiên, để thu hút nông dân phát triển vùng nguyên liệu thì các chính sách đầu tư của các nhà máy phải hợp lý, đảm bảo hài hòa lợi ích kinh tế giữa nhà máy với nông dân.

Để làm được việc đó, lãnh đạo UBND tỉnh yêu cầu các công ty tạo điều kiện để nông dân tham gia góp cổ phần vào nhà máy bằng chính mảnh đất của mình; đồng thời các công ty có chính sách thuê đất của các tổ chức, cá nhân để chủ động phát triển vùng nguyên liệu ổn định. Bên cạnh đó, các công ty cần tăng cường đầu tư du nhập, khảo nghiệm các giống mía, mì mới, nhân rộng vào sản xuất; áp dụng các tiến bộ KHKT vào thâm canh, nâng cao năng suất, rải vụ… UBND tỉnh sẽ tạo mọi điều kiện để giúp DN phát triển vùng nguyên liệu ổn định, đáp ứng đủ nguyên liệu cho các nhà máy hoạt động.

Ông Phạm Ngọc Liễn, Tổng Giám đốc BISUCO, cho biết, trong niên vụ 2009-2010, BISUCO sẽ tập trung mọi nỗ lực để khôi phục, phát triển vùng nguyên liệu mía ổn định. BISUCO đã quyết định nâng vốn đầu tư phát triển vùng nguyên liệu từ 30 tỉ đồng lên 86 tỉ đồng, nhằm mở rộng diện tích trồng mía từ 5.300 ha lên 7.400 ha trên địa bàn 2 tỉnh Bình Định và Gia Lai.

Mía nguyên liệu chuẩn bị đưa vào ép của BISUCO.

Đối với người trồng mía trên địa bàn tỉnh Bình Định, BISUCO tăng định mức đầu tư cho nông dân trồng mía mới và chăm sóc mía gốc. Đối với diện tích mía trồng mới, Công ty đã nâng mức hỗ trợ cho nông dân mượn vốn không tính lãi từ 9 triệu đồng lên 15 triệu đồng/ha/vụ, trong đó hỗ trợ không hoàn lại 2 triệu đồng. Đối với việc chăm sóc mía gốc, Công ty cũng tăng mức đầu tư gấp đôi, từ 5 triệu lên 10 triệu đồng/ha/vụ không tính lãi, hỗ trợ không hoàn lại 1 triệu đồng.

Bên cạnh việc điều chỉnh các chính sách đầu tư, BISUCO cũng tăng cường nhập các giống mía mới của Thái Lan, Trung Quốc, Mexico để thay cho các giống mía cũ đã thoái hóa, năng suất thấp. Hiện nay, các giống mía mới đã được trồng khảo nghiệm tại các vùng nguyên liệu mía trong tỉnh, gồm các giống R579, R570, K88-65, K88-92… có tiềm năng năng suất rất cao, có thể đạt 120-150 tấn/ha. BISUCO cũng đã đầu tư kinh phí để mua thêm phương tiện cơ giới giúp nông dân làm đất thuận lợi thay cho cách làm thủ công lâu nay; cải tiến kỹ thuật trồng mía, thâm canh để tăng thêm thu nhập cho nông dân…

Ông Tô Quang Vinh, Giám đốc Công ty CP Chế biến tinh bột mì xuất khẩu Bình Định, cho biết, để đảm bảo vùng nguyên liệu cho nhà máy hoạt động ổn định, Công ty đang phối hợp với ngành Nông nghiệp tỉnh tiến hành khảo sát, điều tra lại diện tích đất đã quy hoạch ở các huyện Phù Cát, Phù Mỹ, Tây Sơn và bổ sung thêm diện tích ở các huyện phía Bắc tỉnh để mở rộng vùng nguyên liệu từ 4.400 ha lên khoảng 8.000 ha, đáp ứng công suất hoạt động của nhà máy. Công ty cũng sẽ hoạch định chính sách cho vùng nguyên liệu một cách phù hợp, tổ chức thâm canh, tăng năng suất cây mì và hướng dẫn nông dân trồng mì rải vụ nhằm chủ động nguyên liệu cho nhà máy./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên