Phí bảo hiểm xe cơ giới tăng phi mã
Tăng phí bảo hiểm xe cơ giới là một trong những điểm mới tại Thông tư 22/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính có hiệu lực từ đầu tháng 4/2016.
Thông tư này quy định quy tắc, điều khoản, biểu phí và mức trách nhiệm bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, thay thế Thông tư 126/2008/TT-BTC và Thông tư 151/2012/TT-BTC và Thông tư 43/2014/TT-BTC.
Một trong những điểm mới thu hút sự quan tâm của không chỉ các thành viên tham dự Hội nghị tập huấn Thông tư 22 do Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) vừa tổ chức, mà còn của tất cả các thành viên thị trường, đó là quy định mức tăng phí bảo hiểm trách nhiệm bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới từ 10% đến 20% đối với một số dòng xe (13 dòng) có tỷ lệ tai nạn, rủi ro cao.
Cụ thể, bao gồm xe dưới 6 chỗ ngồi, xe 16 chỗ ngồi, 24 chỗ ngồi và trên 25 chỗ ngồi; xe tải từ 8 đến 15 tấn, trên 15 tấn và một số loại xe khác (taxi, xe chuyên dùng, đầu kéo rơ-moóc, xe máy chuyên dùng).
Mức tăng phí từ 1/4 chỉ áp dụng với 13 dòng xe |
Mức tăng phí này, theo đại diện cơ quan quản lý là nhằm đảm bảo an toàn tài chính của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ - đơn vị trực tiếp cung cấp các sản phẩm bảo hiểm và cũng phù hợp, do mức trách nhiệm bảo hiểm đã được tăng lên.
Đại diện Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm cũng cho biết, dù có tăng nhưng mức tăng này không đáng kể, nhìn chung vẫn giữ nguyên và chỉ tăng từ 10 - 20% đối với 13 dòng xe có tỷ lệ tai nạn, rủi ro cao.
Như vậy, mức tăng này đã không được điều chỉnh hoàn toàn theo đề xuất trước đây của các doanh nghiệp bảo hiểm cũng như Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (AVI). Trước đó, AVI từng đề xuất tăng thêm 50% mức phí bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe đối với xe đầu kéo, xe giường nằm, xe cứu thương cũng như kiến nghị mức phí áp dụng với dòng xe có trọng tải trên 15 tấn phải tăng thêm 70%.
Và đề xuất tăng tới 70% này từng được các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ cho là hợp lý trong bối cảnh rủi ro cho các dòng xe này đối với bên thứ ba ngày càng lớn, trong đó xe đầu kéo, xe giường nằm, xe cứu thương có mức độ nguy hiểm cao hơn, do đây là loại xe này có quán tính lớn, có mức độ nguy hiểm cao hơn với người và các phương tiện giao thông khác trên đường.
Việc không tăng phí tới 70% như đề xuất cũ được lý giải chủ yếu là do vấp phải sự phản đối của các doanh nghiệp vận tải trong bối cảnh các loại chi phí liên quan khác tăng, trong khi phí bảo hiểm vật chất xe cũng vừa tăng trong năm qua (kể từ 1/5/2015).
Một điểm mới khác tại Thông tư 22 là điều chỉnh tăng mức trách nhiệm bảo hiểm đối với loại sản phẩm bảo hiểm bắt buộc này lên, cụ thể tăng 25% và 43% so với mức trách nhiệm bảo hiểm cũ. Cụ thể, tăng mức trách nhiệm bồi thường từ 70 triệu đồng/người/vụ lên 100 triệu đồng đối với thiệt hại về người; từ 70 triệu đồng lên 100 triệu đồng đối với thiệt hại về tài sản xe ô tô, xe máy….
Theo các doanh nghiệp bảo hiểm, mức tăng này đảm bảo quyền lợi của khách hàng trong bối cảnh tăng chi phí khám chữa bệnh và chi phí sửa chữa tài sản, phương tiện. Và mức tăng trên cũng hoàn toàn đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp cũng như đề xuất trước đó từ AVI.
Có những ý kiến đề xuất tăng mức trách nhiệm này lên cao gấp nhiều lần hơn nữa, nhưng quan điểm chung từ doanh nghiệp bảo hiểm vẫn cho rằng, đây là mức chấp nhận được, giúp hài hòa tương đối giữa quyền lợi cho chủ xe và khả năng thanh toán bồi thường của doanh nghiệp bảo hiểm, thuận tiện cho doanh nghiệp bảo hiểm trong quản trị rủi ro. Nếu tăng cao quá sẽ dẫn đến việc tăng phí bảo hiểm tương ứng, gây khó cho chủ xe.
Bên cạnh việc đảm bảo an toàn tài chính cho doanh nghiệp bảo hiểm và quyền lợi của chủ xe, Thông tư 22 cũng được thay đổi theo hướng minh bạch hóa, đơn giản thủ tục hành chính. Theo đó, thông tư này đã thay thế toàn bộ bảng tỷ lệ trả tiền bồi thường bảo hiểm theo quy định mới của của liên Bộ Y tế và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích, bệnh, tật và bệnh nghề nghiệp.
Theo Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm, bảng tỷ lệ mới được quy định chi tiết hơn (tăng từ 221 lên 827 trường hợp thương tật) với cách phân loại đầy đủ, khoa học hơn và thống nhất một mức dao động là 5% giữa tỷ lệ tối thiểu và tối đa của các loại thương tật.
Ngoài ra, Thông tư 22 quy định thống nhất về thời hạn đóng phí bảo hiểm cho tất cả các đối tượng chủ xe, trên cơ sở thỏa thuận với doanh nghiệp bảo hiểm, chủ xe được gia hạn thu phí (nhưng tối đa không quá 30 ngày); Chưa kể, Thông tư 22 còn bổ sung quy định về hồ sơ bồi thường rút gọn đối với các trường hợp tai nạn xe mà thiệt hại về tài sản ước tính dưới 10 triệu đồng. Đồng thời, phân công trách nhiệm cụ thể giữa doanh nghiệp bảo hiểm và chủ xe trong thu thập hồ sơ bồi thường có liên quan./.