Phó Thủ tướng: Chênh lệch giá vàng sẽ thu hẹp dần
(VOV) -Thời gian qua, đã ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng “vàng hóa” trong nền kinh tế; khắc phục tình trạng đầu cơ, nhập lậu vàng…
Báo cáo trước Quốc hội chiều nay (12/6), về chất vấn và trả lời chất vấn, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết: Chính phủ đã chỉ đạo NHNN triển khai quyết liệt các biện pháp sắp xếp tổ chức lại thị trường vàng, hoàn thiện thể chế và vận hành cơ chế can thiệp bình ổn thị trường vàng.
Từ ngày 25/11/2012, các tổ chức tín dụng không được huy động vốn bằng vàng dưới mọi hình thức. Đến nay, số dư huy động, cho vay bằng vàng của các tổ chức tín dụng đã giảm đáng kể so với cuối năm 2012. Đến cuối tháng 5 năm 2013, số dư huy động vàng của các tổ chức tín dụng đã giảm khoảng 75%, số dư cho vay vàng đã giảm khoảng 40% so với cuối năm 2012.
Sau gần một năm thực hiện, khuôn khổ pháp lý mới về quản lý thị trường vàng nói chung và Nghị định 24 nói riêng đã phát huy hiệu quả rõ rệt, cơ bản đạt được các mục tiêu đề ra. Sắp xếp lại, xác lập trật tự, kỷ cương trên thị trường vàng, ngăn chặn ảnh hưởng của biến động giá vàng đến tỷ giá, lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng “vàng hóa” trong nền kinh tế; khắc phục tình trạng đầu cơ, nhập lậu vàng; tiến tới từng bước huy động được nguồn lực vàng trong dân phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội.
Theo Phó Thủ tướng, hiện nay, mặc dù chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới còn cao nhưng thị trường vàng đã ổn định hơn. Về trung và dài hạn, trong điều kiện khuôn khổ pháp lý mới và với sự can thiệp của NHNN, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới sẽ được thu hẹp dần.
Về tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử lý tiêu cực trong hoạt động ngân hàng, thị trường tiền tệ, thị trường vàng, Phó Thủ tướng cho biết: ngành Ngân hàng đã đổi mới, nâng cao năng lực và phương pháp thanh tra, giám sát ngân hàng, tập trung làm rõ những vấn đề nổi cộm, rủi ro, yếu kém.
Tăng cường thanh tra và xử lý vi phạm của các tổ chức tín dụng, kết hợp thanh tra rủi ro với thanh tra chấp hành quy định của pháp luật; giám sát hoạt động của từng tổ chức tín dụng và toàn bộ hệ thống; mở rộng phạm vi đối tượng áp dụng giám sát rủi ro, đánh giá chất lượng hoạt động theo hệ thống chỉ tiêu giám sát tài chính quốc tế (CAMELS). Yêu cầu các tổ chức tín dụng tự xây dựng và triển khai thực hiện phương án tái cơ cấu, củng cố, chấn chỉnh theo quy định của Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt./.