Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: “Không kỳ thị kinh tế tư nhân“
VOV.VN - Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đánh giá, Việt Nam đã có nhiều doanh nghiệp tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có thương hiệu, uy tín trên thị trường...
Theo sự phân công của Thủ tướng, hôm nay (6/6), Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh trực tiếp trả lời chất vấn trước Quốc hội về những vấn đề thuộc thẩm quyền điều hành của Chính phủ.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh báo cáo trước Quốc hội, làm rõ thêm một số vấn đề về kinh tế xã hội. |
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, hiện cả nước có trên 730.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trên 100.000 doanh nghiệp thành lập mới mỗi năm; trong đó hơn 96% là doanh nghiệp nhỏ và vừa; hàng triệu hộ kinh doanh cá thể.
Việt Nam cũng đã có nhiều tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có thương hiệu, uy tín trên thị trường trong nước, quốc tế, tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.
Tuy nhiên, năng lực, hiệu quả của khu vực doanh nghiệp tư nhân nhìn chung còn yếu, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trình độ quản trị, năng suất lao động, ứng dụng khoa học công nghệ, khả năng liên kết và tham gia chuỗi giá trị còn hạn chế. Tỷ lệ doanh nghiệp so với dân số bình quân còn thấp. Việt Nam đạt khoảng 140 người dân/doanh nghiệp, trong khi bình quân các nước ASEAN là 80-100, các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản, EU là 10-12 người dân/doanh nghiệp.
Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo sân chơi bình đẳng cho mọi thành phần kinh tế. (Ảnh minh hoạ) |
Nhắc lại thông điệp "đừng kỳ thị kinh tế tư nhân" mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu tại hội nghị Trung ương 7 vừa qua, Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ đang nỗ lực hoàn thiện cơ chế, chính sách, khẩn trương sửa đổi Luật đầu tư và Luật doanh nghiệp theo hướng tạo môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, bình đẳng theo cơ chế thị trường, tăng khả năng tiếp cận cơ sở hạ tầng, vốn, đất đai, tài nguyên và nguồn nhân lực...
Tinh thần điều hành của Chính phủ là quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh; kiên quyết loại trừ tiêu cực, tham nhũng vặt, gây cản trở, khó khăn cho doanh nghiệp, người dân. Thực hiện nghiêm quy định về kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự.../.