Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Sớm hoàn thiện Quy hoạch Quốc gia tổng thể

VOV.VN - Quy hoạch tổng thể quốc gia là một quy hoạch mới, mang tầm vóc của chiến lược phát triển của đất nước.

Sáng nay (19/5), tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì phiên họp Hội đồng thẩm định Nhiệm vụ lập quy hoạch Quốc gia tổng thể thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Cùng dự hội nghị có lãnh đạo một số ngành Trung ương.

Thảo luận tại hội nghị, các thành viên Hội đồng nhận định, quy hoạch tổng thể quốc gia là một quy hoạch mới, mang tầm vóc của chiến lược phát triển của đất nước.

Theo quy định của pháp luật về quy hoạch, nhiệm vụ lập quy hoạch tổng thể quốc gia cần phải xác định được các yêu cầu về nội dung nghiên cứu để khai thác, sử dụng tối đa kết cấu hạ tầng hiện có; phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương; hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, gắn với đảm bảo quốc phòng an ninh.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì phiên họp Hội đồng thẩm định Nhiệm vụ lập quy hoạch Quốc gia tổng thể thời kỳ 2021-2030.

Tuy nhiên, đây là loại quy hoạch mới, lần đầu tiên được nghiên cứu lập ở Việt Nam nên kiến thức và kinh nghiệm về nội dung, hình thức, phương pháp, trình tự lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch là hoàn toàn chưa có. Vì vậy, cần có đánh giá, nhận diện bối cảnh thời đại mới tác động tới quy hoạch tổng thể trong tương lai.

Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, PGS.TS. Trần Đình Thiên cho rằng: Về cơ cấu ngành, cần đề cập định hướng thay đổi đẳng cấp về công nghệ, trình độ của nền kinh tế và các ngành, gắn mới đổi mới mô hình tăng trưởng, nhấn mạnh hiện đại hóa vào các ngành công nghệ cao:

“Định hướng quy hoạch hạ tầng tới đây cần phải làm rõ tầm nhìn hiện đại như thế nào? hay chúng ta vẫn cứ cao tốc đường bộ là chính? Cần hướng tới một hệ thống đáp ứng yêu cầu nền kinh tế hiện đại, hạ tầng trong đó có hạ tầng giao thông và hạ tầng đô thị cho nên khuynh hướng hiện đại hóa phải được đặt lên. Bên cạnh đó, định hướng phải triển kinh tế vùng kinh tế biển, đô thị, xây dựng nông thôn mới. Nếu cứ gộp thành 1 mục sẽ là nội dung quá lớn, nên tách ra thành 3 mục riêng để có những gợi ý đặt hàng nhiệm vụ chi tiết”, PGS.TS. Trần Đình Thiên nêu rõ.

Đánh giá cao các Thành viên Hội đồng, chuyên gia đã tích cực nghiên cứu, tham gia ý kiến thực tiễn và khoa học, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: Việc xây dựng, trình Quốc hội thông qua Quy hoạch tổng thể quốc gia là bước đột phá, thể hiện tầm nhìn chiến lược trong phân bố không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, sử dụng hiệu quả các nguồn lực của đất nước để thực hiện thành công chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021-2030.

Phó Thủ tướng đề nghị, cơ quan thường trực và cơ quan lập Nhiệm vụ quy hoạch cần nghiêm túc tiếp thu, hoàn chỉnh trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần nhanh chóng hoàn thiện báo cáo rà soát, đánh giá thực hiện quy hoạch thời kỳ trước và tiêu chí đánh giá, làm rõ về yêu cầu nghiên cứu đối với nội dung quy hoạch tổng thể quốc gia theo Luật Quy hoạch.

“Muốn định hướng chuẩn cần có định hướng khoa học thực tiễn, trên cơ sở đánh giá được xu hướng phát triển thời đại tình hình của đất nước, những thuận lợi những khó khăn, tiềm lực, nguồn lực tài nguyên và nhân lực. Chúng ta sẽ có một biểu quyết để thông qua những nhiệm vụ nhưng không phải là cứng nhắc, là bất biến. Sau đây nếu thấy có các nhiệm vụ phù hợp sẽ tiếp tục bổ sung, như vậy chắc chắn sẽ có quy hoạch tổng thể quốc gia đạt chất lượng”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên