Phú Thọ thúc đẩy việc hình thành cánh đồng mẫu lớn
VOV.VN - Nhiều vùng sản xuất nông nghiệp ở Phú Thọ đang được chuyển giao và áp dụng kỹ thuật hiện đại theo mô hình cánh đồng mẫu lớn.
Với sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới (The World Bank – WB) trong khuôn khổ Dự án cải thiện nông nghiệp có tưới (VIAIP/WB7), nhiều vùng sản xuất nông nghiệp ở Phú Thọ đang được chuyển giao và áp dụng nhiều kỹ thuật hiện đại vào sản xuất lúa, rau màu theo mô hình cánh đồng mẫu lớn; cải thiện hệ thống tưới, tiêu cùng với thúc đẩy phát triển và ứng dụng các thực hành nông nghiệp tốt thích ứng biến đổi khí hậu (climate smart agriculture - CSA).
Hạn chế rủi ro, hình thành cánh đồng mẫu lớn
Trong sản xuất nông nghiệp có tưới, lúa là cây trồng chính. Tuy thế, phần lớn đất lúa thuộc vùng chiêm trũng (8.612 ha) ở Phú Thọ, vào mùa mưa dễ bị ngập sâu, do nước sông Thao dâng cao và lượng mưa các nơi dồn về không thể tiêu thoát. Vì thế, đa số đất lúa chỉ cấy được 1 vụ.
Mô hình thâm canh lúa chất lượng cao tại xã Đào Xá, huyện Thanh Thủy. (Ảnh: Trung tâm khuyến nông) |
Không chỉ có vậy, sản xuất nông nghiệp ở Phú Thọ còn nhỏ lẻ, đất được chi thành từng ô nhỏ, trên đó mỗi hộ canh tác theo các kỹ thuật khác nhau, áp dụng các cơ cấu mùa vụ và giống khác nhau; cơ giới hóa chưa được áp dụng. Đối với lúa các kỹ thuật ICM, IPM và SRI chưa được áp dụng nhiều. Nông dân vẫn áp dụng các chế độ bón phân thiếu cân đối, đạm được sử dụng nhiều hơn mức cần thiết. Nông dân vẫn cấy dày; lượng giống sử dụng là 50 - 60 kg/ha cho lúa thuần và 20 - 25 kg/ha cho lúa lai.
Từ năm 2008, SRI được đưa vào thử nghiệm và đến nay đã áp dụng tại 13 huyện trên tổng số khoảng 10.000 ha, nhưng chỉ một phần của gói kỹ thuật này được áp dụng như một phần của ICM (cấy thưa, cấy ít dảnh, cấy mạ non). Nguyên nhân là do các điều kiện khí hậu, đất đai, tưới tiêu không phù hợp, nông dân quen cấy dày...
Sản xuất rau màu cũng chưa theo hướng bền vững, các kỹ thuật ICM chưa được áp dụng nhiều, hiệu quả và năng suất chưa cao. Tỉnh Phú Thọ còn có diện tích đất vàn cao, hay bị khô hạn (gần 1.000 ha, trong đó 142 ha thường gặp hạn hán thường xuyên), hiện trồng các cây trồng cạn với các hệ thống chính như độc canh cây ngô 2 vụ/năm (năng suất trung bình 3,77 triệu/ha/vụ) và lợi nhuận kinh tế còn thấp (lãi thuần 30 - 32 triệu đồng/ha/năm); đa dạng các cây rau và cây họ đậu trong năm. Năng suất cây trồng còn thấp và chưa ổn định nhất là vào mùa khô, vì thế nông dân thường bỏ đất trống vào mùa khô hạn, không canh tác.
Sau khi các hệ thống kênh mương được nâng cấp bởi hợp phần 2 của Dự án VIAIP/WB7, một phần lớn (diện tích lên đến vài nghìn ha) diện tích đất trũng sẽ được tưới tiêu chủ động, và có thể cấy được 2 vụ lúa và 1 vụ đông (gồm 3.900 ha thuộc huyện Tam Nông và gần 2.000 ha thuộc huyện Thanh Thủy). Mặt khác, một số lớn diện tích đất vàn cao cũng sẽ được chủ động tưới tiêu để sản xuất cây màu được hiệu quả. Như vậy, cần phải thiết kế và xây dựng được cơ cấu cây trồng và mùa vụ thích hợp và cũng cần ứng dụng các thực hành tốt bền vững.
Chính vì thế, tỉnh Phú Thọ hiện đang tập trung triển khai xây dựng 2 hệ thống cải thiện hệ thống tưới, tiêu cùng với thúc đẩy phát triển và ứng dụng các thực hành nông nghiệp tốt thích ứng biến đổi khí hậu (climate smart agriculture – CSA) sản xuất lúa theo hướng cánh đồng mẫu lớn, tăng vụ trên đất ruộng chiêm trũng (1 mô hình 100 ha ở Tam Nông, 1 mô hình 100 ha ở Thanh Thủy).
Đây là các khu vực giao thoa giữa Đồng bằng Bắc bộ và miền núi, sản xuất lúa và rau màu thành hàng hóa có nhiều tiềm năng phát triển. Đặc biệt, khi hệ thống tưới tiêu được hợp phần 2 cải thiện sẽ tạo điều kiện cho việc phát triển thâm canh 2 vụ lúa và 1 vụ đông trên đất chiêm trũng và chủ động tưới cho cây trồng trên đất vàn cao.
Phát triển cây rau màu hàng hóa
Kế hoạch tổng thế phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Phú Thọ đề ra mục tiêu phát triển sản xuất hàng hóa thông qua việc tổ chức nông dân, cải thiện và phát triển các hệ thống canh tác sử dụng linh hoạt và hiệu quả nguồn nước và đất canh tác, tăng cường cơ giới hóa, tăng cường ứng dụng các thực hành bền vững nhằm tăng hiệu quả kinh tế, giảm phát thải và các tác động xấu tới môi trường, tăng khả năng thích ứng.
Tỉnh Phú Thọ đang thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên 1.000 ha đất vàn cao hay bị khô hạn theo hướng tăng hiệu quả kinh tế, hiệu quả sử dụng nước (tưới tiết kiệm), giảm phát thải và thích nghi với biến đổi khí hậu (BĐKH).
Theo đó, Phú Thọ đang triển khai 1 hệ thống CSA (50 ha) sản xuất đa dạng các loại rau màu cho đất vàn cao huyện Thanh Thủy sử dụng hiệu quả trục kênh tưới tiêu Ngòi Táo được hợp phần 2 cải tạo. Đây là 1/53 vùng sản xuất rau an toàn tập trung của tỉnh và là vùng trọng điểm sản suất rau hàng hoá trong tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh.
Vùng này tiếp giáp 2 thị trường lớn là thành phố Hà Nội và thành phố Hoà Bình. Nông dân có kinh nghiệm sản suất rau, màu và bước đầu đã hình thành sản xuất rau, màu tập trung gắn tiêu thụ với 2 cây chủ lực là Mướp Nhật (lắc lày) và Cà chua. Đây cũng là khu vực hưởng lợi từ các công trình tưới và tiêu nước của Hợp phần 2.
Trong thời gian tới, tỉnh Phú Thọ đang tập trung nghiên cứu xác định cơ cấu cây trồng thích hợp cho 3 vụ chuyên màu phù hợp cho từng khu ruộng. Dự kiến, cơ cấu chính sẽ là cây họ đậu vụ xuân (lạc, đậu tương) + ngô, lạc hè thu + ngô đông, đậu tương hoặc rau vụ đông; Nghiên cứu xác định giống cây trồng và cơ cấu mùa vụ thích hợp cho mỗi điểm cụ thể (bao gồm cả việc phân tích mẫu đất, thử nghiệm so sánh, đánh giá một số giống cây trồng khác nhau).
Nghiên cứu xây dựng/hoàn thiện các kỹ thuật canh tác theo hướng bền vững cho các cây trồng trong điều kiện cụ thể của điểm lựa chọn (bao gồm cả việc phân tích mẫu đất, thử nghiệm so sánh, đánh giá một số kỹ thuật, qui trình kỹ thuật tưới nước và phân bón ... khác nhau); Tổ chức nông dân sản xuất theo nhóm hộ và hỗ trợ nhóm thực hiện các hoạt động sản xuất theo hướng cánh đồng mẫu lớn; Tổ chức tập huấn cho nông dân, các buổi tham quan đồng ruống để thảo luận hướng tới mở rộng ứng dụng các thực hành bền vững.../.
Dự án cải thiện nông nghiệp có tưới (VIAIP/WB7) đang hỗ trợ tỉnh Phú Thọ xây dựng hệ thống CSA theo hướng cánh đồng mẫu cho sản xuất lúa và đa dạng các cây trồng vụ đông trên diện tích đất một vụ chiêm trũng (hiện nay đang trồng duy nhất một vụ lúa), sử dụng hệ thống thoát nước/hệ thống tưới trạm bơm Dậu Dương.
Hỗ trợ xây dựng hệ thống CSA theo hướng cánh đồng mẫu cho sản xuất lúa và đa dạng các cây trồng vụ đông trên diện tích đất một vụ đồng chiêm trũng (hiện nay đang trồng duy nhất một vụ lúa), sử dụng hệ thống tưới tiêu/ thoát nước Đoan Hạ./.