Phục hồi phát triển kinh tế - xã hội: Nhìn từ bài toán điều hành giá xăng dầu
VOV.VN - Một trong những vấn đề được cộng đồng doanh nghiệp đặc biệt quan tâm thời gian gần đây, là việc cơ quan quản lý Nhà nước điều hành kiềm chế giá xăng dầu trong bối cảnh thế giới biến động rất mạnh.
Theo các chuyên gia, qua câu chuyện ổn định giá xăng dầu, cần nhìn rộng ra một góc độ lớn hơn, đó là cần có những quyết sách nhanh, táo bạo, thích ứng linh hoạt để hỗ trợ chương trình phục hồi kinh tế - xã hội hiện nay.
Bộ Tài chính đang thực hiện 2 chức năng lớn, là thu chi ngân sách và quản lý về giá, nên phải cân nhắc việc không để lạm phát quá cao, giữ ở mức mục tiêu cả năm dưới 4%. Đây là một bài toán khó cho Bộ Tài chính, đặc biệt là đối với điều hành giá xăng dầu thời gian qua. Xăng dầu là mặt hàng quan trọng, thiết yếu đối với sản xuất, tiêu dùng và an ninh năng lượng quốc gia.
Do đó, việc điều chỉnh giá xăng dầu tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội. Việc điều hành giá xăng dầu trong nước đã được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 95 năm 2021 của Chính phủ. Theo đó, giá xăng dầu trong nước thực hiện theo cơ chế thị trường, phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới.
Bên cạnh đó, Quỹ Bình ổn giá đã được chi sử dụng liên tục để bình ổn giá, giúp giá xăng dầu trong nước thời gian qua đã có mức tăng thấp hơn mức tăng của giá xăng dầu thế giới.
Trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới liên tục tăng cao và tác động trực tiếp đến giá xăng dầu trong nước, thì việc tiếp tục có các giải pháp mạnh mẽ để hạn chế những biến động tăng đột biến đối với giá xăng dầu trong nước là cần thiết, qua đó góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Ông Đặng Công Khôi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho biết: “Vừa qua, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ để trình Thường vụ Quốc hội, điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, với mức điều chỉnh 50% mức thuế, thì trong kỳ điều hành 1/4 vừa rồi đã tác động ngay đến giá cơ sở tương ứng. Nếu không kịp thời có chính sách thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu như vậy thì kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 1/4 vừa rồi sẽ có mức tăng rất cao. Nhưng do kịp thời điều chỉnh chính sách thuế nên giá xăng dầu đã có hạ nhiệt trong nước tương ứng”.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế vẫn chưa hài lòng với kết quả điều hành giá xăng dầu thời gian gần đây. Đặc biệt đặt trong bối cảnh Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội hiện nay, thì xăng dầu với vai trò là mạch máu cho giao thông – vận tải, vốn là lĩnh vực chịu tác động nặng nề nhất từ dịch bệnh, nhưng nay vừa bắt đầu phục hồi thì gặp ảnh hưởng lớn bởi giá xăng dầu.
Trong 2-3 tháng qua, giá xăng dầu tăng mạnh đã ảnh hưởng tới giao thông vận tải, nhiều doanh nghiệp phải sản xuất cầm chừng, hoặc dừng sản xuất. Đây là nguy cơ lớn cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, bởi giao thông ách tắc thì khó có cách đẩy nhanh phục hồi kinh tế. Do đó, phải đặt tầm quan trọng đủ lớn trong việc giải quyết việc giá xăng dầu nhanh, để ổn định sản xuất trong nước.
Từ câu chuyện điều hành giá xăng dầu, GS-TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nêu quan điểm: “Tôi nghĩ rằng hồi đầu tháng 3/2022, Chính phủ phải đưa ra quyết định giá xăng dầu cho đến 30/6 giữ ở mức 22.000 - 23.000 đồng một lít, để các doanh nghiệp vận tải yên tâm sản xuất, sau đó lấy (lại nguồn thu) từ PetroVietnam, từ các nguồn thu, từ các lợi ích khác để bù đắp, như là giảm bớt hỗ trợ cho các doanh nghiệp.
Nếu có quyết định táo bạo như vậy và không chậm trễ quá, ví dụ như 1/4 mới bắt đầu giảm 50% thuế bảo vệ môi trường (trong giá xăng dầu). Vì vậy, tôi gợi ý như vậy, vì thế giới hiện nay không ai lường trước được, biến động sẽ vô cùng nhanh nên chúng ta cần những giải pháp kịp thời để tạo điều kiện cho nền kinh tế phát triển”.
GS-TSKH. Nguyễn Mại phân tích, 3 tháng đầu năm nay, Petrovietnam tăng khoảng 45% doanh thu, tăng nộp thuế rất cao trong quý đầu năm. Tuy nhiên, nếu chúng ta giải quyết được bài toán tăng giá xăng dầu, dù giảm thuế nộp từ PetroVietnam, nhưng giúp doanh nghiệp vận tải phát triển, hàng hóa lưu thông, sẽ tăng thu thuế chung từ nền kinh tế.
Theo đó, vừa giảm được trợ cấp Nhà nước từ gói hỗ trợ, vừa có nguồn thu cho ngân sách Nhà nước. Tất nhiên, đây là bài toán rất khó và rất lớn. Muốn kiểm soát giá xăng dầu phải có giải pháp tổng thể, không phải chỉ giảm thuế. Và nhìn rộng ra, trong yêu cầu của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội hiện nay, cần phản ứng chính sách kịp thời của cơ quan tham mưu chính sách, quyết sách táo bạo của Chính phủ./.