Phương án sản xuất và tiêu thụ nông sản tại các địa phương cần thống nhất
VOV.VN - Các địa phương cần thống nhất các phương án hướng dẫn sản xuất, thu hoạch và tiêu thụ nông sản, chăn nuôi, thủy sản và chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất trong và sau giai đoạn giãn cách.
“Ưu tiên tiêm phòng vaccine Covid-19, giảm chi phí xét nghiệm cho lao động làm việc “3 tại chỗ”; khuyến khích nông dân trở lại sản xuất và hỗ trợ lao động trở lại làm việc tại các vùng sản xuất, nhà máy, cơ sở chế biến; tăng cường kết nối thị trường để tránh đứt gãy thêm chuỗi sản xuất” - Đây là những nội dung được các đại biểu nêu lên tại hội nghị trực tuyến diễn ra sáng nay (17/9) về bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, phục hồi chế biến, xuất khẩu nông sản, thủy sản sau giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ tại các tỉnh, thành phố khu vực Nam bộ.
Nhận định chung tại hội nghị cho thấy, trong thời gian giãn cách xã hội tại 19 tỉnh khu vực phía Nam trong 2 tháng qua, các hoạt động sản xuất, chế biến và xuất khẩu thuỷ sản bị tác động nặng nề kéo theo kết quả xuất khẩu giảm mạnh.
Quá trình phục hồi sản xuất của doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng rất lớn bởi các nguyên nhân như: Chuỗi cung ứng nguyên vật liệu bị đứt gãy, doanh nghiệp bị mất khách hàng do thời gian thực hiện giãn cách quá lâu, không đảm bảo tiến độ giao hàng; đặc biệt là khó quy tụ lại lực lượng lao động như ban đầu do công nhân chưa được tiêm vác xin nên chưa thể đến cơ sở sản xuất, đã về quê, cách ly, hay đang điều trị Covid-19…
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, hiện chỉ có 30% - 40% các doanh nghiệp có đủ năng lực để phục hồi sản xuất ngay sau khi kết thúc giãn cách xã hội, số doanh nghiệp còn lại rất khó hoặc cần thời gian dài để khôi phục lại sản xuất. Chi phí chung cho sản xuất tăng rất cao đang là áp lực lớn cho doanh nghiệp khôi phục sản xuất.
“Sau 2 tháng thực hiện giãn cách, các doanh nghiệp cho biết chi phí xét nghiệm là rất lớn. Hiện cũng chưa có hướng dẫn rõ ràng, cụ thể từ Bộ Y tế đối với các nhà máy sản xuất xét nghiệm theo quy tắc, nguyên tắc nào. Thời điểm hiện nay, khi các địa phương vẫn ưu tiên về chống dịch nhiều hơn, việc mở cửa để sản xuất có thể từng phần hoặc mở thêm cho sản xuất “3 tại chỗ”, những phương án này đều phải trình duyệt cấp địa phương. Chúng tôi mong rằng, Bộ NN&PTNT cần có ý kiến đối với các địa phương để việc này thực hiện nhanh hơn khi đó phục hồi sản xuất mới có thể thực hiện được”, ông Nam nêu ý kiến.
Ngoài tạo thuận lợi trong việc cấp phép đi đường cho các phương tiện giao thông vận tải, giải tỏa ùn ứ sản phẩm hàng hóa từ các vùng sản xuất đến nơi tiên thụ, đến các kho xưởng, nhà máy chế biến; giao hàng đến các bến bãi, cảng biển để xuất khẩu, các đại biểu cho rằng, vừa chống dịch vừa phục hồi sản xuất, Chính phủ cần có văn bản chỉ đạo các tỉnh, thành phố chủ động phối hợp với Bộ NN&PTNT xây dựng phương án khôi phục sản xuất nông nghiệp theo các kịch bản và phù hợp tình hình dịch Covid 19 tại các địa phương.
Ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch Hiệp hội rau quả Việt Nam đề nghị, cần nhanh chóng đưa ra các chính sách để thu hút lao động cho các vùng sản xuất nguyên liệu, cụm công nghiệp, khu chế xuất để kéo lao động trở lại khôi phục sản xuất kinh doanh trong tình hình mới. “Đây là yếu tố quan trọng hàng đầu trong việc đảm bảo cho chuỗi cung ứng không bị đứt gãy. Nhiều doanh nghiệp hiện nay đang gặp khó khi có thời gian đóng cửa, người lao động đã bỏ đi, nay việc kêu gọi họ trở lại làm việc là hết sức khó khăn và rất tốn kém”, ông Bình chỉ rõ.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, để khôi phục sản xuất hậu Covid-19, các địa phương cần thống nhất các phương án hướng dẫn sản xuất, thu hoạch và tiêu thụ nông sản, chăn nuôi, thủy sản. Đồng thời chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất trong và sau giai đoạn giãn cách nhằm đảm bảo sản xuất, cung ứng nông sản ổn định, lâu dài./.