PTT Vương Đình Huệ: Xác suất làm đặc khu kinh tế thành công rất cao
VOV.VN - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, đây là lần đầu tiên Việt Nam thử nghiệm mô hình đặc khu nhưng xác suất thành công rất cao.
Theo Chương trình kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV, chiều nay (22/11), các đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt. Sau đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng sẽ giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội nêu về dự án Luật này.
Việt Nam xây dựng 3 đặc khu kinh tế là Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang) - (Ảnh minh họa: KT)
Trước đó, ngày 10/11, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, đã trình bày Tờ trình dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật. Cùng ngày, các đại biểu Quốc hội cũng đã thảo luận ở tổ về dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt. Dự kiến, luật sẽ được Quốc hội khóa XIV biểu quyết thông qua vào kỳ họp tiếp theo.
"Đường đến đặc khu kinh tế không thể kéo dài hơn nữa"
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, nền kinh tế Việt Nam đã bỏ qua nhiều cơ hội xây dựng mô hình đặc khu, con đường đến đặc khu kinh tế không thể kéo dài hơn được nữa.
Ông Dũng cho hay, hiện đang có làn sóng đầu tư vào Việt Nam rất lớn, và đây là cơ hội để đón nhận làn sóng đó. Theo ông, khi thành lập các đặc khu, điều quan trọng nhất là tạo ra một không gian đầu tư, một thể chế cạnh tranh.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng |
Để tạo quyền tự chủ cho các đặc khu kinh tế, Bộ trưởng Dũng cho biết có 2 phương án. Thứ nhất là không tổ chức UBND và HĐND, làm sao dành quyền tự chủ, chịu trách nhiệm, thẩm quyền trong điều hành hàng ngày của trưởng đơn vị.
Thứ hai, Ban soạn thảo cũng đã tính đến phải có giám sát từ UBND cấp tỉnh, HĐND tỉnh, giám sát từ các Bộ ngành T.Ư, của Chính phủ theo ngành dọc và theo chiều ngang để có cơ chế giám sát lại các cơ quan của đặc khu và trưởng đặc khu, Bộ trưởng Dũng cho hay.
Lý giải tại sao cần phải xây dựng các khu kinh tế hành chính đặc biệt, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, các đặc khu sẽ tạo ra sân chơi mới, một thể lệ mới nhằm đón nhận, thu hút làn sóng đầu tư đang dịch chuyển mạnh mẽ trên thế giới hiện nay.
“Tư lệnh” ngành kế hoạch và đầu tư cũng nêu rõ: Cần rút ra những bài học kinh nghiệm về những thất bại của các đặc khu hiện nay trên thế giới và tranh thủ những mô hình, xu hướng và cách làm tốt nhất và dựa vào thực tế của Việt Nam trong việc phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp hay khu công nghệ cao.
"Cơn sốt" chưa bao giờ hạ nhiệt
Thống kê cho thấy cứ 4 quốc gia thì có 3 nước có ít nhất một đặc khu, thậm chí, có những nơi có tới 200 đặc khu như Ấn Độ. Phát triển đặc khu đã là “cơn sốt” chưa bao giờ hạ nhiệt suốt mấy thập kỷ qua.
Trong bài báo viết về đặc khu kinh tế trên Economist, chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới Thomas Farole cho biết, các quốc gia không có đặc khu kinh tế cách đây 10 năm đều đã mở một vài khu hoặc đang lên kế hoạch xây dựng. Với tiêu đề bài báo là “Đặc khu kinh tế - Ưu tiên chính trị, canh bạc kinh tế”, tờ Economist nhận định, những khu vực mậu dịch tự do trở nên phổ biến hơn bao giờ hết đối với cả giới chính trị gia và các nhà kinh tế.
Công thức chung của các đặc khu là sự kết hợp của nhiều ưu đãi thuế và ít rào cản và quy định cho nhà đầu tư, người xuất khẩu, ít nhất so với những khu vực khác tại quốc gia đó. Các bài toán lợi ích đã được các nước “đưa lên bàn cân”, theo đó, họ chấp nhận hy sinh một nguồn thu thuế đáng kể, cộng thêm khoản vốn khổng lồ rót vào hạ tầng cơ sở. Đổi lại, các chính quyền kỳ vọng về những khoản đầu tư ấn tượng từ các “ông lớn” toàn cầu, tạo công ăn việc làm, tăng giao thương và là động lực để cả vùng “cất cánh”.
Từ một làng chài nghèo, sự phồn thịnh xa hoa ngày nay của đăc khu kinh tế Thâm Quyến của Trung Quốc, với các tòa nhà chọc trời và cửa hàng xa xỉ, được coi là điều thần kỳ, một giấc mơ mà nhiều quốc gia mong muốn có được cho vùng đất của mình. Thành phố “mỗi ngày xây một cao ốc, 3 ngày làm một đại lộ” trong thập niên 90 ấy giờ đây là bến cảng bận rộn thứ 3 thế giới và sở hữu sàn chứng khoán lớn thứ 22 toàn cầu.
Thế nhưng cũng có không ít quốc gia nhận “trái đắng” khi thất bại thảm hại trong việc xây dựng mô hình đặc khu. Chẳng hạn như Ấn Độ không thành công do quá nhiều đặc khu và nguồn lực hạn chế, phân tán. Còn 1 số nước Châu Phi cũng thất bại do không có luật và cơ chế chính sách rõ ràng.
Cơ chế "đẻ" ra tiền
Trao đổi bên lề Quốc hội mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tỏ ra khá lạc quan về triển vọng thành công của các đặc khu ở Việt Nam.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ |
Phó Thủ tướng cho rằng, vấn đề lớn nhất với phát triển đặc khu chính là tạo đột phá về thể chế. “Tiền cũng cần nhưng quan trọng hơn là cơ chế, bởi cơ chế sẽ sinh ra tiền”, ông Huệ nói.
Ông Vương Đình Huệ cho biết, Việt Nam giờ mới làm đầu tiên nhưng trên thế giới đã có rất nhiều kinh nghiệm. Tuy là thử nghiệm nhưng xác suất thành công rất cao. Một số địa phương, đặc biệt là Quảng Ninh, đã đi nghiên cứu khu vực và quốc tế cách đây hơn 5 năm, hiện vẫn nghiên cứu và cập nhật liên tục và cho thấy nhiều nước đã thành công.
Phó Thủ tướng cho biết, Nhật Bản đã mở rộng khái niệm đặc khu kinh tế theo từng tỉnh, chứ không phải chỉ là địa bàn cụ thể trong tỉnh nữa. Hoặc ở Thượng Hải, một khu kinh tế tự do là cả một thành phố.
Dù không quá lo ngại, nhưng ông Vương Đình Huệ cũng lưu ý cần hết sức thận trọng trong việc triển khai xây dựng mô hình đặc khu ở Việt Nam.
Trong phiên thảo luận tại tổ trong khuôn khổ kỳ họp lần này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng mong muốn Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt được thông qua vào kỳ họp thứ 5 cùng với sự ra đời của 3 đặc khu kinh tế là Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang).
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân |
Bà Ngân cũng bày tỏ quan điểm tán thành phương án 1 nêu trong dự án Luật mà Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình Quốc hội.
Về mô hình chính quyền địa phương, cơ quan soạn thảo dự án Luật là Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra 2 phương án:
Phương án 1: Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, cách chức Trưởng đặc khu. Bên cạnh Trưởng đặc khu có Hội đồng đặc khu, thực hiện chức năng giám sát. Nhân dân, HĐND tỉnh và Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng tham gia giám sát Trưởng đặc khu.
Phương án 2: Quốc hội quyết định thành lập đặc khu. Tổ chức chính quyền địa phương một cấp tại đặc khu gồm HĐND và UBND.
Theo ban soạn thảo, phương án 1 đột phá, song lại có thể dẫn đến lạm quyền nếu không giám sát, kiểm tra chặt chẽ. Trong khi đó, phương án 2 chưa tạo được bước đột phá, chưa tương thích với tính chất đặc biệt của đặc khu./.
Đặc khu kinh tế - “Phòng thí nghiệm” về thể chế?