Quá khô hạn, hơn 7.000 ha mía thành cỏ nuôi bò
VOV.VN - Do khô hạn kéo dài, ít nhất 7.000 ha mía ở tỉnh Gia Lai chỉ có thể cắt làm thức ăn cho bò.
Đang là cao điểm vụ ép 2019-2020, giá đường tăng gần 20% so cùng kỳ năm ngoái, nhưng cả nông dân trồng mía và doanh nghiệp mía đường ở tỉnh Gia Lai vẫn tiếp tục thiệt hại nặng. Do khô hạn kéo dài, ít nhất 7.000 ha mía ở khu vực này chỉ có thể cắt làm thức ăn cho bò.
Theo thông tin từ Nhà máy đường An Khê, (Công ty Cổ phần mía đường Quảng Ngãi), đây đã là năm thứ 3 liên tiếp vùng nguyên liệu mía lớn nhất Gia Lai bị thiệt hại nghiêm trọng vì nắng hạn.
Mưa muộn từ tháng 7 và kết thúc sớm vào đầu tháng 12/2019, khiến 15.000 ha mía bị giảm năng suất, 7.000 ha chỉ như các bụi cỏ, nông dân không thu hoạch hoặc cắt để nuôi bò.
Do khô hạn kéo dài, ít nhất 7.000 ha mía ở tỉnh Gia Lai này chỉ có thể cắt làm thức ăn cho bò. |
Với tình trạng này, nhà máy ước tính, sản lượng mía nguyên liệu năm nay giảm hơn 50% so với năm ngoái, còn hơn 700.000 tấn mía cây. Điều an ủi duy nhất là giá đường đã tăng gần 20%, từ 11.000 đồng/kg trong năm ngoái, lên 13.000 đồng/kg trong tháng 2 này.
Theo ông Nguyễn Hoàng Phước, Phó Giám đốc Nhà máy đường An Khê, để giảm bớt khó khăn cho nông dân, nhà máy sẽ nâng giá thu mua mía lên 850.000 đồng/1 tấn từ đầu tháng 3 tới, hỗ trợ 1 triệu đồng/1 ha để nông dân tưới mía trong vụ tiếp theo.
Tuy nhiên, ông Phước cho rằng, tổ chức lại sản xuất và đẩy mạnh cơ giới hóa, mới là giải pháp hiệu quả.
Theo ông Phước: "Với tình hình hiện nay, phải quy hoạch lại và áp dụng cơ giới hóa một cách đồng bộ, chuyển giống mía cũ sang giống mía mới, rồi đảm bảo được khâu chăm sóc; làm sao để năng suất đạt từ 70 tấn/1ha trở lên. Lợi nhuận của dân phải đạt 20 - 30 triệu/1ha trở lên. Như vậy mới đảm bảo người nông dân quan tâm đầu tư, yên tâm gắn kết với nhà máy. Như vậy thì nhà máy mới có thể phát triển lâu dài".
Từ niên vụ 2017-2018, Nhà máy đường An Khê đã từng xây dựng được vùng nguyên liệu mía hơn 30.000 ha tại tỉnh Gia Lai, chiếm gần 3/4 tổng diện tích mía nguyên liệu toàn tỉnh.
Nhưng do ảnh hưởng kép của nắng hạn làm giảm năng suất, giá đường và giá mía nguyên liệu xuống thấp, vùng nguyên liệu đã giảm chỉ còn 22.000 ha trong vụ này, trong đó chỉ 15.000 ha cho thu hoạch. Nỗ lực xây dựng cánh đồng mía lớn, áp dụng cơ giới hóa, vẫn chỉ dừng lại ở 3.000 ha./.
Mía đường vẫn chưa tìm được lối thoát trước Hội nhập ATIGA