Quản lý đầu tư công ở một số nơi còn chưa nghiêm

VOV.VN - Vẫn còn tình trạng điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư. Hiệu quả đầu tư công chưa cao.

Tiếp tục kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII, sáng 16/11, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Chính phủ báo cáo trước Quốc hội một số nội dung chủ yếu về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến năm 2015.

Theo đó, từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến năm 2015, Chính phủ đã gửi đến các vị Đại biểu Quốc hội 17 Báo cáo kết quả thực hiện 7 Nghị quyết về giám sát chuyên đề và 7 Nghị quyết về chất vấn.

Cụ thể, trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, các nội dung giám sát và chất vấn tập trung vào quản lý và sử dụng vốn đầu tư công, ODA, vay ưu đãi, vốn chương trình mục tiêu quốc gia, thu hút vốn đầu tư dưới hình thức đối tác công tư, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và tái cơ cấu kinh tế.

Tuy nhiên, việc chấp hành các quy định về quản lý đầu tư công ở một số nơi còn chưa nghiêm. Vẫn còn tình trạng điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư. Tình trạng chậm tiến độ, nợ đọng xây dựng cơ bản ở một số nơi khắc phục chậm. Hiệu quả đầu tư công chưa cao.

Trong lĩnh vực Tài chính, các nội dung giám sát và chất vấn tập trung vào việc quản lý giá, thực hiện lộ trình giá thị trường, tái cấu trúc và phát triển thị trường chứng khoán, bảo hiểm, chống thất thu, bảo đảm cân đối NSNN và quản lý nợ công.

Tích cực triển khai Luật giá, thực hiện cơ chế giá thị trường; bình ổn giá đối với hàng hóa và dịch vụ thiết yếu; thực hiện lộ trình giá thị trường đối với điện, xăng dầu, than, dịch vụ y tế, giáo dục... gắn với hỗ trợ đối tượng chính sách, hộ nghèo. Thực hiện các giải pháp bảo đảm thu đúng, đủ, kịp thời vào NSNN; tập trung chống thất thu, nợ đọng thuế, chuyển giá; tăng cường thanh tra, kiểm tra.

 

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc báo cáo trước Quốc hội một số nội dung chủ yếu về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội.
Tuy nhiên, cân đối NSNN còn nhiều khó khăn, cơ cấu chưa hợp lý, chi thường xuyên lớn, bội chi còn cao. Quản lý và sử dụng NSNN ở một số bộ ngành, địa phương còn chưa chặt chẽ. Còn tình trạng thất thu, nợ đọng thuế, chuyển giá và lãng phí trong chi NSNN. Nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn. Việc sử dụng các khoản vay do Chính phủ bảo lãnh và vay của chính quyền địa phương ở một số dự án hiệu quả còn thấp. Việc thực hiện lộ trình giá thị trường các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu nhìn chung còn chậm.

Đối với lĩnh vực Ngân hàng, nội dung chất vấn tập trung vào điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn, quản lý, kinh doanh vàng, ngoại tệ, cơ cấu lại các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu. Điều chỉnh giảm lãi suất phù hợp với diễn biến vĩ mô và lạm phát; mặt bằng lãi suất hiện nay bằng khoảng 40% so với năm 2011. Thị trường tiền tệ dần ổn định, thanh khoản của nền kinh tế và toàn hệ thống được cải thiện.

Hoàn thiện pháp luật về kinh doanh vàng. tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các vi phạm. Tập trung triển khai thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD). Đẩy mạnh sáp nhập, hợp nhất, mua lại trên nguyên tắc tự nguyện; giảm 17 tổ chức và 2 chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang trong quá trình thanh lý.

Thực hiện quyết liệt Đề án xử lý nợ xấu của các TCTD; tăng cường thu hồi, cơ cấu lại, phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro của TCTD; phát huy vai trò của VAMC; nợ xấu đã được kiểm soát, đến cuối tháng 9/2015 còn 2,93%.

Tuy nhiên, việc cơ cấu lại một số ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém và xử lý nợ xấu còn khó khăn. Còn một số vụ việc vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong hoạt động tín dụng, ngân hàng. Việc tiếp cận vốn tín dụng, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa còn khó khăn.

Trong lĩnh vực Công Thương, các nội dung chất vấn tập trung vào quy hoạch điện, thủy điện; lộ trình thực hiện thị trường cạnh tranh, chống độc quyền đối với điện, than, xăng dầu; công nghiệp hỗ trợ; quản lý và phát triển thị trường.

Đã phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực. Rà soát quy hoạch các dự án thủy điện, loại bỏ một số dự án hiệu quả thấp, tác động tiêu cực đến môi trường. Triển khai Chương trình cấp điện nông thôn miền núi và hải đảo, có trọng tâm, trọng điểm.

Thực hiện giá thị trường theo lộ trình đối với xăng dầu, than, điện gắn với hỗ trợ các đối tượng chính sách, hộ nghèo. Thực hiện thị trường phát điện và bán điện cạnh tranh; xóa độc quyền trong kinh doanh xăng dầu; xóa bao cấp giá bán than cho các hộ tiêu thụ trong nước từ quý IV/2012 và cho sản xuất điện từ tháng 4/2014.

Chủ động, tích cực đàm phán, ký kết các Hiệp định thương mại tự do. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về tiêu thụ, thúc đẩy mở cửa thị trường xuất khẩu. Tích cực thực hiện Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Triển khai đồng bộ các giải pháp chống buôn lậu, gian lận thương mại; tăng cường kiểm tra, kiểm soát, nhất là tại các địa bàn trọng điểm, khu vực biên giới; phát hiện và xử lý nghiêm vi phạm.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc giải quyết đất ở và đất sản xuất, bảo đảm sinh kế cho người dân tái định cư các dự án thủy điện còn khó khăn; một số dự án nguồn điện chậm tiến độ; chất lượng hệ thống lưới truyền tải điện còn hạn chế. Cơ chế chính sách về phát triển công nghiệp hỗ trợ chậm được ban hành và thiếu đồng bộ. Đổi mới công nghệ, phát triển các ngành có công nghệ, giá trị gia tăng cao còn chậm. Tiêu thụ một số mặt hàng còn khó khăn, nhập siêu trở lại. Tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại còn diễn biến phức tạp.

Ở lĩnh vực NN&PTNT, các nội dung giám sát chuyên đề và chất vấn tập trung vào tái cơ cấu; công tác quy hoạch; quản lý rừng; xây dựng nông thôn mới; cơ chế, chính sách hỗ trợ và đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn; kiểm soát vật tư đầu vào.

Đã sửa đổi, bổ sung các tiêu chí; ban hành cơ chế chính sách, thực hiện nhiều giải pháp để huy động mọi nguồn lực xã hội cho xây dựng nông thôn mới. Tính đến tháng 9/2015, cả nước đã có 1.132 xã (12,7 %) và 9 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Dự kiến hết năm 2015 sẽ có khoảng 1.500 xã đạt chuẩn nông thôn mới (16,8%), bình quân đạt 11,9 tiêu chí/xã (tăng 6,94 tiêu chí so với năm 2011).

Tuy nhiên, việc thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới chưa đạt yêu cầu; sản xuất nông nghiệp nhìn chung hiệu quả chưa cao; chưa xây dựng được nhiều thương hiệu mạnh; tiêu thụ nông sản và đời sống một bộ phận người dân nông thôn còn gặp nhiều khó khăn. Quản lý quy hoạch phát triển nông nghiệp, vùng nguyên liệu còn nhiều vướng mắc.

Việc đổi mới, phát triển các mô hình tổ chức, liên kết sản xuất và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển dịch cơ cấu lao động còn chậm; năng suất lao động nông nghiệp còn thấp. Quản lý nhà nước về vật tư nông nghiệp, phân bón, thuốc trừ sâu và bảo đảm vệ sinh an toàn trong sản xuất, chế biến nông sản còn bất cập. Một số tiêu chí nông thôn mới còn chưa phù hợp; vốn đầu tư từ nguồn NSNN chưa đáp ứng được yêu cầu. Thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Kết quả trưng cầu ý dân phải cao hơn nghị quyết của Quốc hội?
Kết quả trưng cầu ý dân phải cao hơn nghị quyết của Quốc hội?

VOV.VN - Đại biểu Bùi Mạnh Hùng nhấn mạnh, Nghị quyết xác định kết quả trưng cầu ý dân phải có giá trị đặc biệt, cao hơn các Nghị quyết khác của Quốc hội.

Kết quả trưng cầu ý dân phải cao hơn nghị quyết của Quốc hội?

Kết quả trưng cầu ý dân phải cao hơn nghị quyết của Quốc hội?

VOV.VN - Đại biểu Bùi Mạnh Hùng nhấn mạnh, Nghị quyết xác định kết quả trưng cầu ý dân phải có giá trị đặc biệt, cao hơn các Nghị quyết khác của Quốc hội.

Đề nghị giữ Nghị quyết của Quốc hội có giá trị như luật pháp
Đề nghị giữ Nghị quyết của Quốc hội có giá trị như luật pháp

VOV.VN - Có ý kiến cho rằng nếu bỏ Nghị quyết thì nó không còn giá trị quy phạm pháp luật để phủ quyết các văn bản quy phạm pháp luật.  

Đề nghị giữ Nghị quyết của Quốc hội có giá trị như luật pháp

Đề nghị giữ Nghị quyết của Quốc hội có giá trị như luật pháp

VOV.VN - Có ý kiến cho rằng nếu bỏ Nghị quyết thì nó không còn giá trị quy phạm pháp luật để phủ quyết các văn bản quy phạm pháp luật.