Quản lý giá thành của DN chăn nuôi lợn, tránh "thổi" lợi nhuận trung gian
VOV.VN - Bộ NN&PTNT nhận định, phải đến quý 3 đầu quý 4 cung cầu thịt lợn sẽ được cân đối.
Liên tục tăng mạnh trở lại trong gần 1 tuần qua, giá lợn hơi trên thị trường ở cả 3 miền Bắc - Trung - Nam đã thiết lập mốc mới với giá 92.000 đồng/kg. Trong đó dẫn đầu là giá lợn hơi ở miền Bắc với mức tăng từ 5.000-10.000 đồng/kg.
Nguyên nhân chính của tình trạng này là do cung không đáp ứng đủ cầu trong khi số lượng lợn bán ra của những doanh nghiệp chiếm thị phần lớn trên thị trường còn bán nhỏ giọt càng khiến nguồn cung khan hiếm, ngoài ra những chi phí về khâu trung gian phức tạp tiếp tục khiến giá lợn tăng mạnh trở lại.
Thịt lợn tăng giá liên tục trong tuần qua. |
Ngày nào cũng đến lò mổ từ rạng sáng để mua lợn về bán nhưng số lượng không nhiều bởi nguồn cung từ các trang trại và doanh nghiệp chỉ bán ra nhỏ giọt. Chị Nguyễn Thị Vân, thương lái ở huyện Thanh Trì cho rằng, nguồn lợn giá rẻ không nhiều nên không đáp ứng được cầu giá tăng trở lại là chuyện đương nhiên.
Tương tự, giá thịt lợn vẫn neo ở mức cao trong những ngày này tại các chợ dân sinh. Theo bà Bùi Như Phương, tiểu thương chợ đầu mối Đền Lừ, quận Hoàng Mai, nhiều tiểu thương vẫn phải mua lợn giá cao bởi hầu hết các lò mổ không thể tiếp cận được nguồn lợn hơi giá rẻ, “các tiểu thương và thương lái rất khó mua và lượng cung cấp ra thị trường có thể nói là nhỏ giọt”:
Theo ông Lê Văn Dương, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bắc Giang, ngay sau khi công bố hết dịch tả lợn Châu Phi tỉnh đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn thống kê các trang trại, gia trại, đặc biệt lưu ý đến những trang trại chăn nuôi lợn vừa qua không bị dịch, những trang trại, gia trại đã qua thời gian hết dịch để khuyến khích tăng đàn tối đa đảm bảo nguồn cung lớn nhất cho thị trường.
Đến nay, tổng đàn lợn của Bắc Giang đã đạt gần 910.000 con, trong đó đàn lợn nái của tỉnh đã lên tới hơn 70.000 con. Để tăng nguồn cung thịt lợn, ngoài khó khăn do trên địa bàn nhiều hộ mặc dù mong muốn tái đàn nhưng vì chăn nuôi nhỏ lẻ không thể tái đàn ở khu đông dân cư, tỉnh Bắc Giang đã yêu cầu 2 cơ sở nuôi lợn giống gốc chủ động cung cấp nguồn cung lợn nái, đặc biệt là lợn hậu bị cho các trang trại, gia trại chăn nuôi trên địa bàn để tăng đàn, tái đàn lợn nái trở lại tiến tới chủ động nguồn cung cấp con giống.
“Người chăn nuôi ở địa phương mong muốn tái đàn trở lại. Tuy nhiên nguồn cung con giống còn thiếu. Các trang trại, gia trại chăn nuôi lớn thì mới bắt đầu tái đàn lợn mới trở lại nên nguồn cung con giống chưa đủ. Trong khi các trang trại chăn nuôi lớn, đặc biệt là chăn nuôi gia công cho các công ty chăn nuôi lớn thì chỉ cung cấp nguồn con giống cho trang trại nuôi gia công của mình, không xuất bán con giống cho các cơ sở chăn nuôi và trang trại nhỏ lẻ ngoài hệ thống”, ông Dương nói.
Phải đến quý 3 đầu quý 4 cung cầu thịt lợn sẽ được cân đối. |
Cân đối cung cầu về thịt lợn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã đưa ra nhiều nhóm giải pháp, ngoài kêu gọi các doanh nghiệp lớn về chăn nuôi giảm giá lợn hơi về mức 70.000 đồng/kg, mới đây Bộ đã có văn bản đề nghị các địa phương tổ chức rà soát, kiểm soát giá bán lợn thịt và thịt lợn, đề nghị các trang trại, gia trại và hộ chăn nuôi lợn tại các địa phương cùng với 15 doanh nghiệp chăn nuôi lớn đồng loạt giảm giá xuống mức 70.000 đồng/kg lợn hơi; tiến tới giảm xuống 65.000 đến 60.000 đồng và thấp hơn nữa.
Bộ cũng đã có chủ trương nhập khẩu lợn giống gốc và lợn giống nuôi thương phẩm tạo điều kiện thúc đẩy tái đàn thời gian tới. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, đầu năm nay đã nhập hơn 2.000 con lợn giống gốc, nhiều doanh nghiệp đến nay đã hoàn thiện xong thủ tục và chuẩn bị nhập tiếp 2.000 con nữa. Như vậy sẽ có 4.000 lợn giống gốc cộng với 109.000 con đang có sẵn sẽ có thêm được nguồn cung cấp con giống cho sản xuất trong thời gian tới.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị các tỉnh, thành phố yêu cầu các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các trang trại, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ tập trung đẩy mạnh tái đàn, đảm bảo an toàn sinh học và cùng với 15 doanh nghiệp lớn giảm giá thịt lợn hơi xuống 70.000 đồng/kg. Song song đó hoàn tất các thủ tục để giải ngân nhanh kinh phí hỗ trợ dịch tả lợn Châu Phi cho người sản xuất có nguồn vốn để tái đàn, ưu tiên về tín dụng và lãi suất cho người chăn nuôi. Bộ NN&PTNT sẽ thúc đẩy việc nhập giống lợn giống gốc để đẩy mạnh tái đàn thời gian tới.
Theo tính toán mỗi quý nhu cầu về thịt lợn của cả nước cần 920.000 tấn nhưng hiện nay mới đáp ứng được khoảng 830.000 tấn. Đến nay, những khó khăn do dịch tả lợn Châu Phi còn chưa được khắc phục lại thêm dịch bệnh Covid-19 đã và đang tác động không nhỏ đến ngành nông nghiệp trong đó có lĩnh vực chăn nuôi.
Bộ NN&PTNT nhận định, phải đến quý 3 đầu quý 4 cung cầu thịt lợn sẽ được cân đối. Trong bối cảnh tác động kép của dịch bệnh Covid-19 và hậu quả của dịch tả lợn Châu Phi lên nền kinh tế, việc các doanh nghiệp chăn nuôi lớn tiếp tục giữ giá lợn hơi ở mức cao được coi là thách thức không nhỏ.
Nhiều ý kiến đề nghị, cần đưa mặt hàng thịt lợn vào diện mặt hàng bình ổn giá, từ đó mới có cơ sở để ngành chức năng quản lý giá thành của doanh nghiệp chăn nuôi, tránh tình trạng thổi phồng lợi nhuận các khâu trung gian, lũng đoạn thị trường./.