Quảng Nam chú trọng phát triển cây ăn quả ở miền núi, trung du
VOV.VN - Tại các huyện trung du, miền núi tỉnh Quảng Nam, việc phát triển những mô hình trồng cây ăn quả đang là hướng đi mang lại hiệu quả cho người dân. Những đồi ngô, đồi sắn, cao su đã được thay bằng những vườn cây ăn quả tươi tốt, trĩu quả, giúp người dân có cuộc sống khấm khá, ổn định hơn.
Trước đây, gia đình ông Pơloong Tum là hộ nghèo ở thôn Labơ, xã Chà Vàl, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam. Vùng đất quê ông vốn chỉ trồng cây ngô, sắn hay cây keo. Ông cùng vợ tần tảo sớm hôm, đổ biết bao mồ hôi, công sức chăm sóc nhưng cái nghèo mãi đeo bám.
Năm 2017, sau khi tìm hiểu, gia đình ông Pơloong Tum trồng gần 50 cây giống cam Vinh. Sau 3 năm trồng, chăm sóc, vườn cam của gia đình ông Tum đã cho những quả ngọt đầu tiên. Quả cam ngọt và mọng nước, chất lượng không thua kém cam bản địa. Cam Vinh được tiêu thụ ngay tại chỗ với giá 25.000 đồng/kg. Mỗi mùa ông Pơloong Tum thu được hơn 1 tạ quả, trừ chi phí thu gần 30 triệu đồng. Từ số tiền bán cam, ông đầu tư nuôi thêm nhiều lợn, gà. Đến nay, không chỉ thoát nghèo, gia đình ông Pơloong Tum đã là hộ khá giả trong xã với tổng thu nhập từ kinh tế vườn - rừng khoảng 200 triệu đồng/năm.
“Tôi thấy giống cam Vinh khá phù hợp với vùng đất ở đây. Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cam Vinh đơn giản, ít tốn sức hơn so với nhiều cây trồng khác. Vụ cam đầu tiên thấy nhiều người đặt mua, nhất là các thầy cô giáo ở các trường trong vùng. Gia đình cũng tính nhân giống để mở rộng diện tích, phát triển kinh tế từ trồng cam”, ông Pơloong Tum chia sẻ.
Từ năm 2018, Hội đồng Nhân dân huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam đã ban hành Đề án phát triển cây ăn quả tại địa phương. Địa phương đã lựa chọn được 2 loại cây phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu là cây cam Vinh và bưởi da xanh. Đây các là loại cây không dùng phân hóa học, chỉ bón bằng phân chuồng, có sức chống chịu cao với thời tiết khí hậu khắc nghiệt ở miền Trung. Mô hình trồng cam và bưởi đã thực hiện ở hầu hết các xã với diện tích hơn 100 héc ta. UBND huyện Nam Giang chỉ đạo Trung tâm Kỹ thuật nông lâm nghiệp trước khi thực hiện dự án trồng cây ăn quả phải thu hút các doanh nghiệp đảm bảo bao tiêu sản phẩm giúp người dân.
Ông Hồ Việt Căn, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam cho biết, những loại cây ăn quả này hiện đang dần trở thành những loại cây trồng chủ lực cho người dân miền núi: “Hiện nay, có một số mô hình đã và đang thành công. Tới đây, chủ trương của huyện là trong tất cả các chương trình, đề án sẽ bổ sung một phần để nhân rộng mô hình trồng cây ăn quả này lên, để tạo thành một vùng nguyên liệu từ cây ăn quả để có đầu ra sản phẩm cho bà con”.
Tỉnh Quảng Nam có khoảng 8.000 hecta vườn trồng cây ăn quả, đạt tổng giá trị sản xuất các loại cây ăn quả trên 400 triệu đồng/năm. UBND tỉnh Quảng Nam định hướng phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, trong đó, trồng cây ăn quả thành vùng nguyên liệu tập trung tại các huyện miền núi và trung du phục vụ cho các doanh nghiệp, nhà máy chế biến trong tỉnh. Đồng thời, chuyển đổi một diện tích trồng keo, cao su tác động xấu tới môi trường và không hiệu quả sang trồng cây ăn quả. Ông Phan Viết Tích, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Nam cho biết, nhân rộng phát triển mô hình cây ăn quả sẽ tạo sinh kế, giải quyết việc làm cho người dân miền núi, xây dựng thành công chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới, chương trình giảm nghèo.
“Hội đồng nhân dân tỉnh cũng đã ban hành Nghị quyết về cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, trong đó tập trung phát triển một số cây ăn quả như: măng cụt, sầu riêng, bưởi, cam. Đồng thời, phát triển một số vùng nguyên liệu như xoài keo hay dứa để cung cấp nguyên liệu chế biến xuất khẩu. Tất cả những loại cây ăn quả này đều tận dụng nguồn đất đai ở vùng trung du và một số vùng miền núi thấp”, ông Phan Viết Tích cho biết thêm./.