Quảng Nam xây dựng khu công nghiệp phụ trợ và công nghiệp cơ khí hàng đầu Việt Nam

VOV.VN - Tỉnh Quảng Nam đang khẩn trương xây dựng Đề án thí điểm cơ chế khuyến khích hợp tác liên kết sản xuất theo cụm ngành công nghiệp phụ trợ và công nghiệp cơ khí tại Khu Kinh tế mở Chu Lai để báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong Quý 3 năm nay.

Tỉnh Quảng Nam là địa phương tiên phong tạo dựng mô hình liên kết sản xuất, trong đó tập đoàn lớn với vai trò hạt nhân, liên kết với các doanh nghiệp nhỏ để tạo nên chuỗi sản xuất có giá trị gia tăng cao, đóng góp cho sự phát triển của địa phương và tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu.

Gần 20 năm đầu tư và phát triển, Khu Công nghiệp Thaco Chu Lai tỉnh Quảng Nam có tổng diện tích hơn 1.280 ha, tổng vốn đầu tư 3,5 tỷ USD với 35 công ty và hơn 60.000 lao động. Thaco Chu Lai được xem là Trung tâm Công nghiệp ô tô và Logistics có quy mô lớn nhất cả nước và thuộc top đầu trong khu vực ASEAN. Năm 2021, tổng doanh thu hợp nhất của Thaco đạt hơn 60.700 tỷ đồng, trong đó xuất khẩu đạt 215 triệu USD, nộp ngân sách hơn 20.500 tỷ đồng.

Từ chỗ chỉ tập trung vào cơ khí ô tô, Thaco đã phát triển cơ khí và công nghiệp hỗ trợ thành ngành sản xuất kinh doanh chính; thành lập Tổng Công ty Cơ khí & công nghiệp hỗ trợ, đầu tư Trung tâm Cơ khí đa dụng miền Trung, cơ sở cơ khí lớn nhất Việt Nam hiện nay.

Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Thaco cho biết, Thaco đang cùng với tỉnh Quảng Nam hiện thực hoá chiến lược phát triển công nghiệp hỗ trợ, lấy Khu Công nghiệp Thaco Chu Lai làm hạt nhân. Thaco sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp khác tham gia vào chuỗi sản xuất của Tập đoàn, từng bước xây dựng hệ sinh thái phát triển ngành cơ khí và công nghiệp phụ trợ thông qua hợp tác, chuyển giao công nghệ, máy móc, các công đoạn và quy trình sản xuất cho các doanh nghiệp tại Quảng Nam và các tỉnh khác.

“Khi chuyển đổi và nâng cấp sản xuất cơ khí công nghiệp hỗ trợ của Thaco thì phải tổ chức lại. Bây giờ, không còn là câu chuyện trong nội bộ mà phải chuyển dịch ra ngoài, thông qua ô tô để phát triển thành trung tâm cơ khí đa dụng tại miền Trung và từng bước trở thành ngành chính, tạo nên sự lan tỏa rất lớn” - ông Trần Bá Dương nói.

Sự phát triển lớn mạnh của Khu Kinh tế mở Chu Lai được xem là dấu ấn rõ nét trên chặng đường 25 năm xây dựng và phát triển của tỉnh Quảng Nam. Từ một vùng cát trắng nghèo khó, Chu Lai giờ đây là vùng đất trù phú, có sức hút mạnh mẽ đối với nhà đầu tư trong và ngoài nước. Khu Kinh tế mở Chu Lai mỗi năm đóng góp hơn 2/3 tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Theo GS. Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Khu Kinh tế mở Chu Lai được xem là biểu tượng của Quảng Nam, đó là tinh thần tự lực, tự cường, không cam chịu nghèo khó. Trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, Quảng Nam có vai trò, vị trí quan trọng và nhiều tiềm năng, thế mạnh, “dư địa” để phát triển nhanh và bền vững hơn.

GS. Đặng Hùng Võ cho rằng, tỉnh Quảng Nam đang đứng trước cơ hội mở ra một giai đoạn phát triển mới dựa trên nền tảng những giá trị đã tạo lập trong suốt 25 năm qua. Trong đó, Thaco Chu Lai với vai trò là “cánh chim đầu đàn” trong ngành cơ khí và sản xuất ô tô sẽ là cơ sở để thiết lập quan hệ hợp tác bền vững với các doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng tham gia vào chuỗi sản xuất:

“Chúng ta cần củng cố Khu Công nghiệp Chu Lai, tại đây ô tô Trường Hải đang chủ động tạo ra được lợi nhuận rất lớn. Phải gắn kết nó như thế nào để người dân tụ về đây, có công ăn việc làm trong khu công nghiệp. Khu Công nghiệp này không chỉ có ô tô Trường Hải mà chúng ta có thể kêu gọi nhiều nhà đầu tư nữa để tạo nên một khu công nghiệp có sức sống mạnh” - GS. Đặng Hùng Võ nói.

Tỉnh Quảng Nam đang tập trung thực hiện nhiều giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ với quy mô lớn, từng bước hình thành khu công nghiệp sản xuất linh kiện phụ tùng lớn nhất Việt Nam tại Quảng Nam. Địa phương này kêu gọi các doanh nghiệp trên cả nước tham gia chuỗi giá trị sản xuất của Thaco Chu Lai, đặc biệt trong lĩnh vực cơ khí, sản xuất, gia công lắp ráp ô tô phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Tỉnh Quảng Nam đang tập trung đầu tư, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng mang tính chiến lược kết nối liên vùng, đặc biệt là hệ thống giao thông đường bộ, đường hàng không và đường biển.

Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, việc mở rộng quy mô, từng bước nâng cao tỷ lệ nội địa hóa của các dòng xe và các sản phẩm cơ khí khác là rất cần thiết. Các tập đoàn lớn với vai trò là trung tâm sản xuất mẹ sẽ là hạt nhân thiết lập sợi dây liên kết với các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển ngành công nghiệp phụ trợ.

“Thành lập nên một hệ sinh thái phát triển ngành công nghiệp cơ khí, công nghiệp phụ trợ ngành cơ khí của Việt Nam. Tôi hi vọng được dẫn dắt bởi những con chim đầu đàn, được thực hiện bắt đầu tại tỉnh Quảng Nam. Không chỉ dừng lại ở đây mà tôi tin chắc rằng sẽ lan tỏa ra cộng đồng doanh nghiệp trên cả nước” - ông Lê Trí Thanh nói.

Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cuối tháng 3 năm nay, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, sự phát triển của Thaco Chu Lai cho thấy, việc phát triển công nghiệp cơ khí là nền tảng cho sự phát triển của công nghiệp ô tô, một trong những ngành sản xuất từng là mơ ước của Việt Nam. Thủ tướng mong muốn thúc đẩy nhanh tính liên kết vùng, đây là hướng đi không chỉ phục vụ cho sự phát triển của Thaco, mà còn góp phần phát triển công nghiệp của Quảng Nam và cả khu vực.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giao UBND tỉnh Quảng Nam khẩn trương chủ trì, phối hợp với bộ, ngành liên quan xây dựng Đề án thí điểm cơ chế khuyến khích hợp tác liên kết sản xuất theo cụm ngành công nghiệp phụ trợ và công nghiệp cơ khí tại Khu Kinh tế mở Chu Lai, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định trong Quý 3 tới.

“Sứ mệnh trong 25 năm tới là phải sinh ra một Thaco thế hệ mới cả về phát triển công nghiệp 4.0, cả về đóng góp cho xã hội bao gồm ngân sách và an sinh xã hội. Phải tiếp tục phát triển khu công nghiệp cơ khí cho xứng tầm, phần nào đó đáp ứng yêu cầu của các ngành công nghiệp nền tảng. Cơ chế chính sách thế nào, vướng mắc gì thì tỉnh Quảng Nam, các bộ, ngành và Chính phủ sẽ giải quyết” - Thủ tướng Phạm Minh Chính nói./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

VietinBank hợp tác toàn diện với Ban Quản lý Khu Kinh tế mở Chu Lai
VietinBank hợp tác toàn diện với Ban Quản lý Khu Kinh tế mở Chu Lai

VOV.VN -VietinBank và Ban Quản lý Khu Kinh tế mở Chu Lai hợp tác toàn diện trong các lĩnh vực như: đầu tư, thanh toán, huy động vốn, tín dụng...

VietinBank hợp tác toàn diện với Ban Quản lý Khu Kinh tế mở Chu Lai

VietinBank hợp tác toàn diện với Ban Quản lý Khu Kinh tế mở Chu Lai

VOV.VN -VietinBank và Ban Quản lý Khu Kinh tế mở Chu Lai hợp tác toàn diện trong các lĩnh vực như: đầu tư, thanh toán, huy động vốn, tín dụng...

Khu Kinh tế mở Chu Lai: 1,5 tỷ USD vốn đầu tư sau 10 năm
Khu Kinh tế mở Chu Lai: 1,5 tỷ USD vốn đầu tư sau 10 năm

VOV.VN - Đến nay, Khu Kinh tế mở Chu Lai đã có 89 dự án được cấp phép đầu tư với tổng vốn 1,5 tỷ USD sau 10 năm thành lập.

Khu Kinh tế mở Chu Lai: 1,5 tỷ USD vốn đầu tư sau 10 năm

Khu Kinh tế mở Chu Lai: 1,5 tỷ USD vốn đầu tư sau 10 năm

VOV.VN - Đến nay, Khu Kinh tế mở Chu Lai đã có 89 dự án được cấp phép đầu tư với tổng vốn 1,5 tỷ USD sau 10 năm thành lập.

Công nghiệp phụ trợ: Liên kết doanh nghiệp trong và ngoài nước còn rời rạc
Công nghiệp phụ trợ: Liên kết doanh nghiệp trong và ngoài nước còn rời rạc

VOV.VN - Doanh nghiệp cần tập trung nâng cao cả về chất lượng và số lượng các nhà cung ứng cấp 1, cấp 2 trong nước để gia tăng khả năng tham gia chuỗi cung ứng, chế biến chế tạo; từ đó nâng cao nội địa hóa các sản phẩm công nghiệp trong nước.

Công nghiệp phụ trợ: Liên kết doanh nghiệp trong và ngoài nước còn rời rạc

Công nghiệp phụ trợ: Liên kết doanh nghiệp trong và ngoài nước còn rời rạc

VOV.VN - Doanh nghiệp cần tập trung nâng cao cả về chất lượng và số lượng các nhà cung ứng cấp 1, cấp 2 trong nước để gia tăng khả năng tham gia chuỗi cung ứng, chế biến chế tạo; từ đó nâng cao nội địa hóa các sản phẩm công nghiệp trong nước.