Quảng Ninh giữ đà tăng trưởng, thu hút FDI
VOV.VN - Dù dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhưng 9 tháng qua, Quảng Ninh thu hút FDI cấp mới và tăng vốn đạt hơn 1,067 tỷ USD, gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.
Các dự án này, chủ yếu ở lĩnh vực chế biến, chế tạo công nghệ cao được tỉnh Quảng Ninh xác định là động lực tăng trưởng mới bởi giá trị gia tăng lớn, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Chỉ riêng tháng 9 vừa qua, Quảng Ninh có 7 dự án FDI được cấp phép mới, hầu hết ở lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, lớn nhất là dự án chế biến công nghệ tấm Silic Jinko Solar Việt Nam tại KCN Sông Khoai, TX Quảng Yên. Dự án này triển khai trên diện tích hơn 20 ha, quy mô đầu tư 8.300 tỷ đồng (tương đương 365,6 triệu USD), dẫn đầu dự án có suất vốn đầu tư cao nhất theo diện tích so với các dự án thứ cấp tại các KCN của tỉnh Quảng Ninh hiện nay. Và đây cũng là dự án lớn thứ 2 của tập đoàn Jinko Solar tại KCN Sông Khoai được trao giấy chứng nhận trong khoảng thời gian 6 tháng, nhanh hơn 15 ngày so với quy định.
Ông Hoàng Kim Tinh, Tổng GĐ Công ty TNHH công nghệ Jinko Solar Việt Nam cho biết: "Dự án này của chúng tôi đòi hỏi sự đáp ứng về điện, nước và hạ tầng rất lớn. Chúng tôi xem xét sẽ đầu tư ở cả Quảng Ninh (Việt Nam) và Malaysia. Đúng thời điểm này, đích thân Bí thư tỉnh Quảng Ninh đã gặp gỡ trao đổi và cam kết sẽ thực hiện những điều kiện của chúng tôi vì vậy tập đoàn quyết định rất nhanh. Tại thời điểm dịch bệnh ở Malaysia bùng phát rất mạnh nhưng Quảng Ninh lại kiểm soát dịch tốt, việc này cho thấy, khống chế dịch Covid-19 tốt cũng sẽ ảnh hưởng tới quyết định của nhà đầu tư như thế nào".
Thu hút các dự án FDI là con đường phát triển mới của Quảng Ninh được cụ thể hóa bằng nghị quyết 01 ngày 16/11/2020 về phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ngay. Để hỗ trợ các doanh nghiệp vốn FDI, Quảng Ninh đã thành lập tổ công tác đặc biệt chủ động tiếp cận doanh nghiệp khi họ có ý định đầu tư; minh bạch, rút ngắn các thủ tục hành chính, thiết lập cơ chế thông tin 24/7 nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Đặc biệt, trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp, các địa phương và Sở ngành của Quảng Ninh đã trực tiếp hướng dẫn doanh nghiệp xây dựng phương án sản xuất an toàn, nhập cảnh đội ngũ chuyên gia, nhập khẩu máy móc....
Ông Hoàng Trung Kiên, Giám đốc Ban quản lý kinh tế tỉnh Quảng Ninh nói: "Ban Quản lý các Khu công nghiệp cùng các sở ngành tỉnh Quảng Ninh đã đồng hành cùng doanh nghiệp để giải quyết các công tác chuẩn bị thủ tục đầu tư, đặc biệt là các thủ tục nhập khẩu máy móc, nhập cảnh các chuyên gia nhà thầu đảm bảo quy định chống dịch. Tham mưu cho lãnh đạo tỉnh chỉ đạo tiêm vaccine cho công nhân ở các KCN để đảm bảo an toàn trong quá trình thực hiện dự án".
Tỉnh Quảng Ninh yêu cầu các đơn vị kinh doanh hạ tầng KCN đẩy nhanh tiến độ xây dựng, đồng bộ các hạng mục như điện, nước, xử lý rác thải công nghiệp. Cùng với KCN Sông Khoai, KCN Việt Hưng, Cái Lân, Quảng Ninh cũng xây dựng hạ tầng đồng bộ tại các KCN mới như Bắc Tiền Phong, Nam Tiền Phong, KCN Hải Yên để thu hút, đón làn sóng dịch chuyển đầu tư sau đại dịch Covid.
Ông Nguyễn Văn Nhân, TGĐ của công ty CP đô thị Amata Hạ Long thông tin: "Tập đoàn Amata (Thái Lan) dành mọi nỗ lực, nguồn lực của tập đoàn để tiến hành đầu tư nhanh và mạnh nhất để hoàn thành các hạ tầng tiện ích phục vụ các nhà đầu tư thứ cấp. Từ giờ đến hết năm 2021, bắt buộc chúng tôi phải hoàn thành các hạ tầng tiện ích để nhà máy Jinko đi vào hoạt động. Trong suốt thời gian qua, Quảng Ninh luôn giữ vững địa bàn an toàn đây cũng chính là điểm sáng, là cơ hội để Quảng Ninh thu hút nhà đầu tư nước ngoài".
Các hạ tầng giao thông mà Quảng Ninh triển khai tăng tốc cũng là động lực kết nối các KCN trên địa bàn. Đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái chuẩn bị đưa vào sử dụng trong năm nay; cầu Cửa Lục 1, 3 cũng đang thi công nước rút... là những điều kiện thuận lợi thu hút các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh, đúng như cam kết của tỉnh Quảng Ninh với các nhà đầu tư.
Ông Nguyễn Tường Văn, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh khẳng định: "Với phương châm "Hiệu quả của Doanh nghiệp là thành công của Tỉnh" và cam kết luôn đồng hành với các nhà đầu tư chiến lược trong suốt quá trình thực hiện dự án để cùng hướng tới mục tiêu phát triển bền vững".
Khi ngành dịch vụ, du lịch chưa thể phục hồi do đại dịch Covid-19 thì công nghiệp chế biến chế tạo đang là điểm sáng, giúp mảnh đất địa đầu Đông Bắc có sức hấp dẫn, năng lượng mới, tạo sức lan tỏa thu hút các nhà đầu tư FDI. Việc thu hút gấp đôi vốn FDI trong 9 tháng qua với những dự án có quy mô lớn, giá trị cao chính là chỉ số niềm tin để Quảng Ninh tiếp tục thu hút các nguồn lực từ bên ngoài, thực hiện có hiệu quả "mục tiêu kép" nhất là khi địa bàn đang duy trì vùng "xanh" an toàn./.