Quốc hội giám sát đầu tư công và doanh nghiệp Nhà nước
(VOV) -Trong năm 2014, Quốc hội tiến hành giám sát tối cao một số nội dung quan trọng.
Chiều nay (20/6), với đa số phiếu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2014.
Theo đó, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội tiến hành giám sát tối cao một số nội dung quan trọng. Trong đó, Quốc hội xem xét báo cáo bổ sung của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2013; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2014 và các báo cáo khác của các cơ quan hữu quan theo quy định của pháp luật;
Xem xét Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 6 của Quốc hội;
Xem xét Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội;
Tiến hành chất vấn một số thành viên Chính phủ, Trưởng ngành về hoạt động chỉ đạo, điều hành thuộc lĩnh vực phụ trách;
Giám sát chuyên đề Việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo, giai đoạn 2005-2012
Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội xem xét các báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014; các báo cáo công tác của các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các báo cáo khác của các cơ quan hữu quan theo quy định của pháp luật;
Xem xét Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 7 của Quốc hội;
Xem xét Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội. Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiếp tục các phiên chất vấn một số thành viên Chính phủ, Trưởng ngành về hoạt động chỉ đạo, điều hành thuộc lĩnh vực phụ trách;
Giám sát chuyên đề Việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng theo Nghị quyết số 10/2011/QH13 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015.
Trước đó, về nội dung chuyên đề, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Đoàn thư ký kỳ họp gửi phiếu xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội về lựa chọn hai trong ba chuyên đề giám sát đã nêu trong Tờ trình. Đến ngày 12/6/2013, Đoàn thư ký kỳ họp nhận được 327 phiếu, trong đó: 280 ý kiến tán thành giám sát chuyên đề Việc thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng; 213 ý kiến tán thành giám sát chuyên đề Việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo, giai đoạn 2005-2012; 147 ý kiến tán thành giám sát chuyên đề Việc thực hiện chính sách, pháp luật trong quy hoạch, quản lý đầu tư, xây dựng và vận hành các công trình thuỷ điện.
Ngoài ra, một số ý kiến đề xuất nghiên cứu bổ sung các nội dung giám sát như: Tình hình ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là việc ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật và trách nhiệm của các cơ quan có liên quan; tình hình thực hiện chính sách, pháp luật trong bảo vệ, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; về xử lý nợ xấu và hàng tồn kho, hỗ trợ các doanh nghiệp; những vấn đề có liên quan đến việc xây dựng các công trình thủy điện, ứng phó với biến đổi khí hậu; việc thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường; về cải cách thủ tục hành chính...
Tuy nhiên, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, do điều kiện có hạn nên không thể đưa quá nhiều nội dung vào chương trình giám sát của Quốc hội; do đó, đề nghị Quốc hội giao Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội nghiên cứu, tiếp thu và lựa chọn để đưa vào chương trình giám sát theo lĩnh vực phụ trách. Uỷ ban thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo, điều hoà, phối hợp để việc xây dựng chương trình và tiến hành giám sát có trọng tâm, trọng điểm và cơ bản bao quát các lĩnh vực mà đại biểu Quốc hội quan tâm. Kết quả giám sát sẽ có báo cáo gửi đến đại biểu Quốc hội.
Đối với chuyên đề Việc thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng, có ý kiến đề nghị tên chuyên đề phải rõ và gắn với việc thực hiện luật, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội tiếp thu và điều chỉnh tên chuyên đề là: Việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng theo Nghị quyết số 10/2011/QH13 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015. Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cả ba nội dung nêu trên đều là nhiệm vụ trọng tâm của tái cơ cấu nền kinh tế và có liên hệ mật thiết với nhau, việc giám sát cả ba nội dung sẽ bảo đảm toàn diện hơn, từ đó, có thể đưa ra hệ thống giải pháp đồng bộ, tổng thể về vấn đề này./.