Quy định chống dịch "quá tay" làm đứt gãy sản xuất và lưu thông nông sản
VOV.VN - Hiện nay đang bị đứt gãy chuỗi cung ứng, cả tiêu thụ trong nước và quốc tế. Đây là hệ quả của các quy định chống dịch mà một số địa phương đang làm quá tay.
Ưu tiên hoạt động sản xuất nông nghiệp với các tỉnh phía Nam
Ông Lê Thanh Tùng - Cục phó Cục Trồng trọt cho biết, tháng 8 thu hoạch 700.000 ha lúa và 3,8 triệu tấn gạo ở các tỉnh phía Nam. Về rau, trong tháng 8 có khoảng 1,1 triệu tấn rau củ quả ở các tỉnh phía Nam, nhưng nhu cầu chỉ khoảng 500.000 tấn nên phần còn lại phải tìm phương án tiêu thụ, tập trung chủ yếu ở Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Hiện nay thu hoạch, tiêu thụ trái cây tương đối tốt nhưng bắt đầu có dấu hiệu chậm lại. Kể từ tháng 5 đến tháng 8, toàn bộ cây ăn trái phía Nam là trái vụ nên sản lượng không nhiều, nếu dư thừa chỉ là do ách tắc trong vận chuyển.
Về trái cây, có khoảng 640.000 tấn trong tháng 8 cần kết nối, tiêu thụ bao gồm: xoài, chuối, thanh long, sầu riêng, bưởi, cam, nhãn, dứa và mít.
Trong điều kiện dịch bệnh, lưu thông hạn chế việc tiêu thụ nông sản từ trong nước đến xuất khẩu cần có được kế hoạch cụ thể, phương án thu hoạch, lưu thông qua từ các vùng có dịch hoặc qua vùng có dịch
Theo ông Trương Kiến Thọ, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang, tỉnh đang gặp khó khăn tiêu thụ quả chanh. Nguyên do là các thương lái thu mua chanh đều qua chợ đầu mối và bị ngưng trệ tại đó. Vấn đề thứ hai là lúa. Hiện tỉnh đã cố gắng thu hoạch 40% diện tích, nhưng còn 140.000 ha chưa thu hoạch, với sản lượng ước đạt 800.000 tấn.
“Lúa đã vào mùa thu hoạch chính, nhưng một số kho như Tổng Công ty lương thực lại giảm sức mua. Điều này khiến thương lái tạm ngưng việc thu mua. Tỉnh An Giang rất lo vì hiện nay có khoảng hàng nghìn ha lúa cần thu hoạch mỗi ngày. Yêu cầu sản xuất trong mùa dịch cần đảm bảo 3 tại chỗ. Nhưng điều ấy lại khiến công nhân ngại làm, khiến nhà máy xay xát khó hoạt động và không thể dự trữ.” - ông Trương Kiến Thọ nói.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang kiến nghị, một là hoạt động sản xuất nông nghiệp nên được xem là thiết yếu, cần được ưu tiên. Một số nơi chưa đánh giá đúng mức độ của hoạt động này, người dân sẽ xuống giống muộn vụ Thu Đông, nguy cơ gây mất an ninh lương thực. Hai là lực lượng vận chuyển, thương lái cần được ưu tiên tiêm vaccine để tránh đứt gãy chuỗi cung ứng.
Tạo “vùng xanh” để tiêu thụ nông sản nội tỉnh
Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Phạm Anh Tuấn, hiện nay đang bị đứt gãy chuỗi cung ứng, cả tiêu thụ trong nước và quốc tế. Đây là hệ quả của các quy định chống dịch và các địa phương triển khai quá tay. Chống dịch nhưng không tính đến yếu tố hậu cần cho người dân.
"Trước mắt, cần giải quyết vấn đề về hàng thiết yếu, hiện đã được xử lý bằng việc thay hàng hóa thiết yếu bằng hàng hóa cấm lưu thông. Lúc này, lưu thông hàng hóa trên đường sẽ được giải quyết. Càng siết chặt giãn cách, càng phải tạo điều kiện cho shipper làm việc (ở đây các shipper của các kênh phân phối lớn, của các hệ thống siêu thị) được quản lý chặt để ngăn chặn dịch thực hiện cung ứng hàng hóa cho người dân trong vùng dịch” - ông Phạm Anh Tuấn nói.
Cần phải nghiên cứu để đưa ra được quy định phù hợp, tránh tình trạng suốt ngày chỉ đi xét nghiệm để đáp ứng yêu cầu. Các tỉnh, cần chủ động tạo ra vùng xanh cho tiêu thụ nông sản của chính địa phương mình, bài học từ cách làm của Bắc Giang, cho xe nằm trong vùng thu hoạch, ra đến cửa ngõ sẽ có xe trung chuyển vận chuyển đi tiêu thụ, ông Phạm Anh Tuấn cho biết thêm.
Cùng quan điểm, bà Phạm Thị Ngọc Hà, Tổng Giám đốc Công ty TNHH San Hà Foods cho biết, chuỗi cung ứng hàng hóa đến tay người tiêu dùng là việc rất bức thiết. Đâu đó ách tắc là do người tiêu dùng không biết đi đâu mua. Sức mua của người tiêu dùng hạn chế, do phải xếp hàng ở các siêu thị, và không có đủ những mặt hàng họ cần.
“Sản phẩm ở nông trại thì dư thừa, mà không cách nào đưa đến tay người tiêu dùng. Trong khi đó, cây trồng, vật nuôi có giới hạn nuôi trồng, thu hoạch không thể kéo dài mãi” - bà Phạm Thị Ngọc Hà nói.
Mong muốn các bộ, ngành đưa ra giải pháp là chia nhỏ ra các điểm do Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên... đứng ra hỗ trợ ở các khu cách ly. Như thế sẽ giảm tải việc xếp hàng ở siêu thị. Các hộ nông dân cũng nên chia nhỏ các kiện hàng để nhanh chóng đến tay người tiêu dùng, bà Phạm Thị Ngọc Hà đề nghị.
Đề nghị bỏ “luồng xanh” để lưu thông tự do
Ông Tạ Văn Tường - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, khó khăn lớn nhất là lưu thông sản phẩm trong thời điểm giãn cách. Thương lái không thể đi từ xã tới xã, thậm chí có thương lái đi mua mà không về được. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã đề nghị Sở Giao thông Vận tải tạo điều kiện, nhưng chưa được vì số lượng quá lớn.
Sở Giao thông Vận tại Hà Nội hiện đã cấp khoảng 1.000 giấy để lưu thông trên "luồng xanh". Cho đến trưa nay (29/7) nhiều doanh nghiệp vẫn chưa đăng ký được. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội kiến nghị bỏ giấy chứng nhận phương tiện, bỏ "luồng xanh", để doanh nghiệp lưu thông tự do và chỉ kiểm soát dịch bệnh, đảm bảo nguyên tắc 5K.
Không chỉ khó khăn trong lưu thông vận chuyển nông sản, nhân công trong sản xuất, khai thác và thu mua cũng đang thiếu hụt. Những khó khăn trong khâu sản xuất đẩy cao chi phí tạo giá thành sản phẩm cao
Ông Lê Duy Minh Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp trong hiệp hội gặp nhiều khó khăn về kho bãi, vận chuyển, người lao động, thu mua hàng hóa... Các trang trại sản xuất hàng hóa lớn, cần nhân công chuyên nghiệp, cung ứng cho các hợp tác xã, siêu thị. Việc cách ly khiến trang trại thiếu hụt nhân công. Một số thiết bị nông nghiệp thiết yếu để đóng gói hàng hóa xuất khẩu cũng thiếu hụt linh kiện, các vấn đề này cần có giải pháp để đảm bảo sản xuất./.