Quy hoạch đô thị sân bay Cam Lâm (Khánh Hòa) chú trọng môi trường và sinh kế

VOV.VN - Tái định cư, môi trường sinh thái, sinh kế lâu dài của người dân là những vấn đề đang được chính quyền quan tâm khi quy hoạch xây dựng huyện Cam Lâm trở thành khu đô thị sân bay hiện đại.

Tỉnh Khánh Hòa đang quy hoạch xây dựng huyện Cam Lâm trở thành khu đô thị sân bay hiện đại, sinh thái, đẳng cấp quốc tế, định hướng xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tại Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị. Tái định cư, môi trường sinh thái, sinh kế lâu dài của người dân là những vấn đề đang được chính quyền quan tâm.

Theo Tờ trình gửi các cơ quan Trung ương thẩm định, phê duyệt đồ án quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm đến năm 2045 thì tổng diện tích ghi trong đồ án là hơn 54.000 ha, thuộc 14 xã, thị trấn của huyện Cam Lâm. Ông Nguyễn Văn Vinh, nuôi thủy sản trên đầm Thủy Triều cho biết, người dân ủng hộ chủ trương xây dựng Cam Lâm thành đô thị sân bay quốc tế. Sau khi quy hoạch cần có lộ trình thực hiện, tránh tình trạng quy hoạch treo, gây ảnh hưởng đời sống người dân.

“Người dân địa phương muốn có sự khẳng định chắc chắn trong việc triển khai, thời gian nào làm dự án để người dân có sự chuẩn bị. Ngay một lúc không biết làm cái gì, không biết chuyển đổi cơ cấu ra sao sẽ rất khó. Việc quy hoạch phải có lộ trình, cứ nó 5 năm làm sau đó lại thay đổi quy hoạch sẽ khiến người dân lúng túng”, ông Vinh bày tỏ.

Quy hoạch xây dựng huyện Cam Lâm thành đô thị sân bay phù hợp với Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, đô thị mới Cam Lâm có 3 khu vực. Khu vực 2 bên đầm Thủy Triều sẽ hình thành, phát triển các dịch vụ thương mại - du lịch, đô thị cao cấp, công nghệ, đổi mới sáng tạo và trí tuệ toàn cầu. Khu vực phía Bắc định hướng phát triển khu đô thị dịch vụ công nghiệp, trung tâm công nghiệp - logistics, dịch vụ du lịch. Khu vực núi đồi phía Tây thích hợp phát triển lâm nghiệp, cây công nghiệp, chăn nuôi đại gia súc và du lịch sinh thái nghỉ mát, thể thao leo núi.

Tương ứng sẽ có 7 phân khu gồm các khu đô thị, du lịch sinh thái, các sân golf, công viên chuyên đề…Các khu chức năng được xác định là khu vực mở hoàn toàn và mở có điều kiện cho từng nhóm đối tượng, để mọi người dân, khách du lịch có thể tiếp cận và sử dụng thuận lợi.

TS. Ngô Viết Nam Sơn, cố vấn trưởng quy hoạch kiến trúc tỉnh Khánh Hòa cho biết, khu vực huyện Cam Lâm có nhiều lợi thế, tiềm năng để phát triển đô thị sân bay. Đô thị sân bay là xu hướng phát triển của Thế kỷ XXI, sân bay đóng vai trò trung tâm, xung quanh là các khu đô thị. Vì vậy, quy hoạch sân bay và quy hoạch đô thị cần song hành. Theo TS. Ngô Viết Nam Sơn, sân bay Cam Ranh phải giữ được vị trí kết nối cửa ngõ quốc tế, có các đường bay cất hạ cánh độc lập, có thể đạt đến tiêu chí 100 triệu hành khách/năm.

“Không chỉ riêng khu vực Cam Lâm, phạm vi 10km quanh sân bay cần phải có định hướng quy hoạch phù hợp. Đô thị sân bay là vấn đề khá mới ở Việt Nam và tương lai của đô thị không còn tập trung về khu vực đô thị mật độ cao. Người dân khi về đây sống và làm việc cảm thấy thoải mái với việc kết nối mạng toàn cầu, tạo nên những cộng đồng quốc tế, thu hút nguồn lực chất lượng cao cho tỉnh Khánh Hòa”, TS. Ngô Viết Nam Sơn khuyến nghị.

Hiện nay, UBND huyện Cam Lâm đang tổ chức hội nghị lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư về lập Đồ án quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm đến năm 2045. Có nhiều ý kiến được người dân quan tâm như chính sách thu hồi đất, tái định cư, đào tạo để chuyển đổi nghề. Đặc biệt, đầm Thủy Triều sẽ được nạo vét, cải tạo, đồng thời, tại khu vực phía Bắc sẽ có 1 kênh lớn, dẫn nước mặn từ biển vào.

Ông Ngô Văn Bảo, Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa cho biết, huyện đề nghị đơn vị tư vấn tiếp thu, trả lời các ý kiến của người dân, đánh giá kỹ về ý tưởng đào kênh kết nối giữa biển và đầm Thủy Triều.

“Địa phương không thể nói được hay không được, tốt hay xấu vì không có cơ sở. Đầm Thủy Triều ở phía Bắc sẽ có mương 2 chiều thông ra biển nên sơ bộ đánh giá cũng tốt vì thông hai đầu đầm sẽ sạch hơn. Bản thân đầm Thủy Triều là đầm nước mặn, sau này còn đào những con mương lên hướng Tây, xây đô thị ven hồ. Quy hoạch dựa theo những mô hình có sẵn, không phải là việc làm mới, trên thế giới nhiều nơi đã từng làm”, ông Bảo khẳng định.

Đồ án quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa đến năm 2045 là công cụ quan trọng và cần thiết, để triển khai các nội dung liên quan nhằm phát triển huyện Cam Lâm trở thành đô thị sân bay hiện đại, sinh thái, đẳng cấp quốc tế. Mục tiêu sẽ tạo nên đô thị xanh, thông minh, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương.

Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, đây là đồ án quy hoạch lớn, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến đời sống, việc làm của cộng đồng dân cư. Tỉnh đang điều tra, nắm bắt số lao động bị ảnh hưởng, thực hiện ngay việc giáo dục nghề nghiệp, đảm bảo sinh kế bền vững cho người dân.

“Cần nghiên cứu kỹ quy hoạch để có những khu đô thị tái định cư chuẩn mực, đưa cuộc sống của người dân thực sự là công dân của đô thị sân bay. Tỉnh đang khẩn trương tổ chức giáo dục nghề nghiệp, quan tâm đến lứa tuổi từ 30-50 tuổi khi đã vào các đô thị sẽ có việc làm. Đồng thời phải có định hướng các loại hình phát triển các khu vui chơi, giải trí cùng các ngành khác để tạo điều kiện phát triển cho Khu đô thị Sân bay”, ông Tuân cho biết./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên