Quyết toán ngân sách còn nhiều nội dung tồn đọng kéo dài
VOV.VN - Liên quan quyết toán ngân sách, Đại biểu Quốc hội đề nghị cần có giải pháp chấn chỉnh, xem xét trách nhiệm, đồng thời thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật trong thực hiện chính sách của nhà nước.
Quốc hội khóa XI tiến hành thảo luận phiên toàn thể ở hội trường chiều 1/6 về 4 nội dung quan trọng trong chương trình nghị sự. Trong đó có nội dung về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021; giao danh mục và mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển KTXH; giao, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025, phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2023 của chương trình mục tiêu quốc gia.
Tán thành Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội về tiến độ giải ngân và các nguồn vốn phân bổ, Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn (Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre) bày tỏ, qua nghiên cứu điều chỉnh vốn đầu tư công trung hạn lần này, bằng sự thống nhất cách tiếp cận nguồn vốn và các đề xuất để thực hiện, Chính phủ đã bố trí nguồn vốn cho 16 dự án cho khu vực vùng ĐBSCL.
“Sau nhiều năm chờ đợi, dự án tuyến đường ven biển hơn 700km sau khi có vốn được thực hiện đồng bộ, quyết liệt sẽ tạo điều kiện cho khu vực ĐBSCL phát triển. Tuy nhiên, dự án tuyến đường ven biển này còn một số vấn đề chưa thống nhất, chủ yếu chính vẫn là điểm nghẽn trong các cơ chế, chính sách”, Đại biểu nêu thực tế.
Ngoài ra, đại biểu cũng băng khoăn với cơ chế cho vay lại tại khu vực ĐBSCL, nếu phân theo cơ chế 70 : 30 khả năng ngân sách sẽ rất khó thực hiện. Do đó, đại biểu đề nghị Quốc hội cho phép các tỉnh ĐBSCL được thực hiện theo cơ chế 90 : 10 theo như đề nghị trước đây. Ngoài ra với một số hạng mục liên tỉnh, đề nghị Chính phủ cho tiến cận cấp phát vốn vay 100%.
Theo đại biểu Nguyễn Trúc Sơn, hiện nay 13 tỉnh ĐBSCL đang tiếp cận 6 nhóm nhà tài trợ khác nhau, do đó đề nghị Trung ương giao cho một Bộ chủ trì làm đầu mối, cùng với 13 tỉnh đàm phán vấn đề này. Đồng thời đề nghị Quốc hội, Chính phủ tạo điều kiện cho các tỉnh ĐBSCL sớm triển khai thực hiện dự án này.
Đánh giá hiệu quả của việc giao danh mục và mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển KTXH, Đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông) đồng thời tán đồng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, để Chính phủ giao kế hoạch vốn cho các chương trình, nhiệm vụ, dự án đã đủ điều kiện theo quy định của Luật Đầu tư công.
“Một số dự án trọng điểm, dự án liên quan đến nghĩa vụ thanh toán của Nhà nước, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài đang hoàn thiện thủ tục đầu tư, Chính phủ tiếp tục hoàn thiện thủ tục, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến trước chính phủ giao kế hoạch vốn cho các dự án hoàn thiện thủ tục đầu tư”, Đại biểu Nguyễn Trường Giang nêu quan điểm.
Liên quan đến giao danh mục phân bổ vốn theo Tờ trình Chính phủ, đại biểu Giang cho rằng, do khối lượng và các nội dung còn lại tương đối lớn, để bảo đảm khả thi và tạo sự linh hoạt đúng với tinh thần tăng cường phân cấp, nên phân quyền cho Chính phủ và các địa phương trong chuyển mục đích sử dụng đất nhưng làm rõ tiêu chí trong các trường hợp cần thiết để Chính phủ có cơ sở triển khai thực hiện.
Đại biểu Giang cũng lưu ý, cần có sự rà soát để phân cấp linh hoạt hơn trong chi ngân sách. Việc phân cấp này có thể bố trí chi ngân sách Trung ương cho một số nội dung thuộc ngân sách địa phương khi thực sự cần thiết, đây cũng là giải pháp để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.
Góp ý phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021, Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội) cho rằng, Quốc hội cần nhìn nhận lại và rút ra bài học kinh nghiệm, đặc biệt là về những nội dung tồn đọng kéo dài trong nhiều năm, cần có giải pháp chấn chỉnh, xem xét trách nhiệm đồng thời thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật trong thực hiện chính sách của nhà nước.
Đại biểu nêu bài học thực tế năm 2021, trong điều kiện dịch bệnh, quyết toán ngân sách nhà nước đã tăng 17,2% dự toán, chi tăng 0,4% dự toán. Theo phân tích, đánh giá nguyên nhân là trong lập dự toán chưa sát, gây ảnh hưởng đến quá trình điều hành.
“Khi xem xét báo cáo của Chính phủ, vẫn còn một số vấn đề chưa được xử lý ở mức độ tương đối nghiêm trọng. Một số nội dung giao dự toán còn chậm, bổ sung điều chỉnh vốn nhiều lần, công tác chuẩn bị đầu tư, đảm bảo đúng thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật không được thực hiện một cách đầy đủ, phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản lớn…”, Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai chỉ ra.
Do đó, đại biểu đề nghị rà soát kỹ lại số liệu, phân tích các nguyên nhân làm phát sinh lớn số nợ đọng xây dựng cơ bản, có phương án xử lý cũng như làm rõ trách nhiệm đối với các cơ quan, đơn vị, địa phương khi vi phạm hành vi cấm trong Luật Đầu tư công./.