Ra mắt trục điện tử kết nối doanh nghiệp
VOV.VN - Số hóa các hoạt động quản lý, điều hành cũng như giao dịch của doanh nghiệp là xu hướng tất yếu trong cách mạng công nghiệp 4.0.
Từ năm 2005, Bộ Công Thương đã đưa vào ứng dụng chữ ký số trong hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu gồm các thủ tục như kê khai thuế, nộp thuế, hải quan điện tử... Mô hình này được nhiều doanh nghiệp ủng hộ nhờ ưu điểm tiết kiệm thời gian, chi phí và nhân lực.
Tuy nhiên, trong quy trình vẫn còn một số thủ tục phải ký duyệt, đóng dấu, gửi đi, nhận lại, lưu trữ... làm theo phương pháp thủ công. Nhiều trường hợp phải chờ đợi lãnh đạo đi công tác cả tuần mới về chỉ để ký duyệt một tờ trình.
Các đại biểu thực hiện nghi thức bấm nút ra mắt Trục điện tử kết nối doanh nghiệp (ERP Store), ngày 8/8 tại Hà Nội. |
Với giải pháp Trục điện tử kết nối doanh nghiệp (ERP Store) do Trung tâm Tin học và Công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) phối hợp với Công ty cổ phần Công nghệ SME Soft vừa ra mắt, doanh nghiệp cũng như đơn vị quản lý sẽ tiết kiệm được chi phí về vật chất và thời gian, nhất là gỡ khó cho doanh nghiệp trong xử lý văn bản, tập trung thời gian và nguồn lực vào cải thiện năng suất lao động.
Giải pháp Trục điện tử kết nối doanh nghiệp tạo ra cơ chế liên thông linh hoạt, cho phép doanh nghiệp điện tử hóa một trong những khâu quan trọng nhất trong hoạt động thương mại là quá trình giao kết hợp đồng, tiến tới ứng dụng các chứng từ điện tử trong thương mại một cách rộng rãi toàn xã hội, giúp doanh nghiệp phát huy sức mạnh công nghệ số trong quản lý điều hành.
Ông Trần Xuân Cường, Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ SME Soft chia sẻ, hệ thống phát triển trên nền tảng xác thực bởi chữ ký số do đó đảm bảo giá trị pháp lý, an toàn của văn bản điện tử. Doanh nghiệp chỉ cần mã số thuế và USB token chữ ký số là có thể bắt đầu sử dụng.
Ưu điểm nổi bật nhất của hệ thống là việc cho phép các doanh nghiệp chuyển văn bản ra ngoài thực hiện ký kết giữa các doanh nghiệp với nhau. Trong khi các hệ thống hiện nay chỉ cho phép người dùng tương tác ký văn bản bên trong hệ thống của cùng doanh nghiệp.
Trên thế giới, việc ứng dụng chữ ký số trong các giao dịch điện tử nói chung cho đến việc sử dụng chứng từ điện tử đã trở nên phổ biến ở nhiều nước. Hầu hết các giải pháp Chính phủ điện tử và thương mại điện tử ở các nước phát triển đều có nền tảng xác thực điện tử dựa trên chữ ký điện tử, chữ ký số. Đây cũng là một xu hướng tất yếu của doanh nghiệp Việt Nam./.