Rau không rõ nguồn gốc đang đẩy lùi... rau an toàn
VOV.VN - Nghịch lý rau an toàn đang gặp khó khăn trong tiêu thụ, thậm chí không cạnh tranh được với các loại rau không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Hiện nay, nhu cầu về rau an toàn của người tiêu dùng là rất cao, thế nhưng trên thị trường đang xảy ra một nghịch lý đó là rau an toàn lại gặp khó khăn trong tiêu thụ. Thậm chí không cạnh tranh được với các loại rau không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đây cũng là một trong những nút thắt khiến cho các hợp tác xã, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh sản xuất rau an toàn chưa mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh.
Là một trong số ít doanh nghiệp đi tiên phong trong lĩnh vực sản xuất rau an toàn trên địa bàn tỉnh, hiện trung bình mỗi ngày Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng Việt Long đang sản xuất từ 1 - 1,2 tấn rau an toàn để cung cấp rau ra thị trường.
Rau an toàn không cạnh tranh được với rau ngoài chợ. |
Hiện Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng Việt Long chưa tiếp cận được nhiều bếp ăn công nghiệp mà chủ yếu dựa vào kênh phân phối thông qua các điểm, đại lý trên địa bàn thành phố Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí. Tuy nhiên quy mô của mấy kênh phân phối này cũng phải thu hẹp dần do doanh thu từ các điểm thấp, từ 10 điểm bán rau an toàn năm 2013 đến nay công ty chỉ duy trì được 6 đại lý trên địa bàn thành phố Hạ Long.
Bà Nguyễn Thị Tuyết, người bán hàng điểm rau an toàn thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh cho biết, lượng khách mua không đông so với bên ngoài. Nếu điểm bán được 40 kg thì bên bên ngoài họ sẽ bán được hơn gấp nhiều lần.
Trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có 12 cơ sở sản xuất rau an toàn nhưng hầu hết đang rất khó khăn trong khâu tiêu thụ. Bên cạnh nguyên nhân do người dân có thói quen mua ở các chợ truyền thống thì việc giá cả của rau an toàn cao hơn so với rau thông thường cũng khiến cho mặt hàng này trở nên khó tiêu thụ, điểm bán rau an toàn lại quá ít ỏi.
Chị Trần Thị Trâm Ly, tổ 16 khu 5 phường Hồng Hải thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh chia sẻ: “Nếu điểm bán thuận tiện sẽ thu hút nhiều người mua, vì bình thường mọi người không có nhiều thời gian tới các điểm bán rau an toàn. Trong khi các điểm bán rau an toàn lại bán rau đắt hơn nhiều so với ngoài chợ”.
Một thực tế nữa là hiện nay vẫn có một số cơ sở vi phạm trong khâu sản xuất, chế biến và tiêu thụ rau khiến còn nhiều người tiêu dùng còn e ngại về chất lượng rau an toàn.
Ông Lương Văn Tiến cán bộ HTX sản xuất rau an toàn Tiền An, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh, cho biết: “Rau trồng ra không bán được, thậm chí có những năm củ to quá người trồng phải chặt bỏ để canh tác thứ khác. Người dân trồng rau theo quy trình sản xuất an toàn lại vất vả hơn, nhưng giá bán chỉ bằng giá của rau thường. Các cơ quan chức năng cần có cơ chế thu mua để rau trồng ra tiêu thụ được hết, giá cả hợp lý”.
Những khó khăn trong khâu tiêu thụ đã khiến cho các hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất rau an toàn chưa mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh. Theo bà Nguyễn Thị Hoàn, Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Song Hành, mặc dù tỉnh Quảng Ninh cũng đã có cơ chế hỗ trợ việc sản xuất tiêu thụ rau an toàn nhưng triển khai vẫn còn nhiều vướng mắc.
“Vấn đề chính sách hỗ trợ đang bị bó buộc. Ở tỉnh có chính sách hỗ trợ đến đầu năm 2016 mới mở cho doanh nghiệp được tiếp cận. Chính sách hỗ trợ các nhà sơ chế lại không hỗ trợ về sản xuất rau an toàn khiến doanh nghiệp không tiếp cận được”, bà Hoàn cho biết.
Để rau an toàn phát triển bền vững, ổn định đầu ra, tỉnh Quảng Ninh cần có cơ chế, chính sách thiết thực khuyến khích các HTX, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này; đồng thời cần sớm đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân biết được những lợi ích của rau sạch. Như vậy cả HTX, doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng mới có thể yên tâm bán và sử dụng rau an toàn./.