Rosneft xin Chính phủ Nga hỗ trợ 42 tỷ USD sau lệnh trừng phạt
VOV.VN - Động thái này cho thấy các doanh nghiệp lớn nhất của Nga đang tìm cách thay thế nguồn vốn nước ngoài, sau khi Mỹ ban hành lệnh cấm vận tài chính.
Tập đoàn Dầu khí Nga Rosneft vừa đề nghị Chính phủ nước này hỗ trợ 1.500 tỷ Rúp (tương đương 42 tỷ USD), do những lệnh cấm tiếp cận vốn dài hạn của phương Tây đã khiến tình hình tài chính của hãng này gặp khó khăn.
Rosneft đã trình lên Chính phủ Nga yêu cầu sự trợ giúp, vấn đề này sẽ được thảo luận vào tháng tới. Rosneft sẽ phải trả 12 tỷ USD trên tổng số 44 tỷ USD tiền nợ vào cuối năm nay, bao gồm cả khoản vay để mua lại đối thủ TNK-BP trong năm ngoái.
Động thái này cho thấy các doanh nghiệp lớn nhất của Nga đang tìm cách thay thế nguồn vốn nước ngoài, sau khi Mỹ ban hành lệnh cấm các ngân hàng của nước này không được phép cho các công ty bị trừng phạt vay các khoản tiền có thời giạn trên 90 ngày. Điều này đã nhiều doanh nghiệp Nga không thể nhận các nguồn vốn bằng đồng USD, Franc Thụy Sĩ hay Euro trong tháng trước.
Giám đốc điều hành của Rosneft - Igor Sechin (Ảnh: Bloomberg)
Giám đốc điều hành của Rosneft, ông Igor Sechin đã đưa ra 5 đề xuất nhằm củng cố hệ thống tài chính và vị thế của công ty. Một trong những biện pháp “tốn kém” nhất là Chính phủ mua 1.500 tỷ Rúp trái phiếu Rosneft, sử dụng tiền Quỹ quốc gia National Wellbeing Fund.
Tuy nhiên, một số quan chức Chính phủ Nga cho rằng đề nghị trên là “không thực tế”, do nó tốn một khoản tiền khổng lồ từ quỹ của nhà nước.
“Rosneft có thể sẽ không nhận được gì cả. Tuy nhiên yêu cầu của họ là hoàn toàn có thể hiểu được”, ", Andrey Polischuk, chuyên gia năng lượng tại ZAO Raiffeisenbank cho biết trên Bloomberg.
Theo Andrey Polischuk, Chính phủ Nga đã yêu cầu Rosneft trình lên các biện pháp nhằm giảm thiểu rủi ro từ lệnh trừng phạt của phương Tây. Do vậy họ đã đưa ra những viễn cảnh lạc quan nhất, có thể trả hết nợ và không bị phụ thuộc vào Mỹ hay Trung Quốc. Nhưng trong trường hợp đó, họ sẽ cần tiền của Chính phủ.
Rosneft đã được đưa vào danh sách chịu trừng phạt của Mỹ từ ngày 16/7. Trước đó, Igor Sechin cũng đã bị Mỹ phong tỏa tài sản và ngừng cấp visa. Từ đầu năm, cổ phiếu của hãng đã giảm 10%./.