Sai lệch kép trong hệ thống ngân hàng thương mại
(VOV) - Tỉ lệ tín dụng trên huy động ở mức cao hàm ẩn rủi ro sai lệch cơ cấu thời hạn và rủi ro vỡ nợ.
Theo Báo cáo kinh tế vĩ mô năm 2012 do Ủy ban Kinh tế Quốc hội vừa thực hiện, hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam trong năm 2011 và sang đầu năm 2012 phải đối diện với các vấn đề lớn đe dọa đến tính ổn định của toàn hệ thống bao gồm: (i) thanh khoản kém, (ii) sai lệch kép ở cả cơ cấu thời hạn và cơ cấu đồng tiền; và (iii) tỉ lệ nợ xấu cao.
Một trong số những chỉ số phản ánh rủi ro thanh khoản là lượng vốn huy động được giảm trong khi chỉ số tín dụng trên tổng huy động lại tăng. Xét số liệu theo từng tháng, có thể thấy tỉ lệ tín dụng trên tổng số huy động tiền gửi trong những năm từ 2006 đến nay đã gia tăng mạnh mẽ (Hình 1.20). Những con số này cho thấy tính rủi ro trong tín dụng của hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam đã tăng mạnh trong ba năm trở lại đây, nhất là vào những tháng đầu năm 2011. Trong bốn tháng đầu năm, lượng tín dụng tăng 5,1% trong khi huy động vốn hầu như không tăng, dẫn tới chỉ số tín dụng trên vốn huy động đạt mức khá cao (131%), hàm chứa nhiều rủi ro trong hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam. Mặc dù trong thông tư 13 có hiệu lực từ tháng 10/2010 đã có những quy định về tỉ lệ cấp tín dụng trên tổng huy động đối với các ngân hàng là 80%, đối với các tổ chức tín dụng khác là 85% song các tổ chức tín dụng đã không thực hiện được và cũng không có chế tài nào xử lý nghiêm minh các tổ chức này.
Năm 2009, Việt Nam là nước có tỉ lệ cho vay/huy động tiền gửi trong khu vực cao thứ hai, xấp xỉ Hàn Quốc, và cho đến năm 2010 thì con số này tăng cao đột biến lên trên 131%, cách khá xa so với mức trung bình dưới 80% của các nước khác trong khu vực. Như vậy có thể nhận thấy hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn so với các quốc gia khác và dễ bị tổn thương hơn nếu như cùng chịu tác động các cú sốc kinh tế từ bên ngoài.
Khó khăn thanh khoản không chỉ được thể hiện qua con số về tỉ lệ tín dụng trên tổng huy động mà còn biểu hiện thông qua lãi suất trên thị trường liên ngân hàng. Thanh khoản kém trong hệ thống ngân hàng khiến các ngân hàng phải đi vay để tài trợ cho các khoản tín dụng, từ đó, cùng với chính sách tiền tệ được điều chỉnh theo hướng thắt chặt và mức lạm phát cao đã đẩy mặt bằng lãi suất, cả lãi suất huy động và cho vay lên rất cao. Hơn nữa trần lãi suất cho vay được thả trong khi áp đặt trần lãi suất huy động càng đẩy tỉ lệ tín dụng trên tổng huy động lên mức rủi ro hơn nữa. Thực tế trong gần suốt năm 2011, nhiều ngân hàng đã dùng những biện pháp lách trần lãi suất, xuất hiện những cuộc chạy đua lãi suất hoặc phá vỡ những thỏa thuận về lãi suất huy động vốn.
Ngoài ra, thanh khoản kém còn được thể hiện ở việc các mức lãi suất trong ngắn hạn cũng bị đẩy cao và thậm chí xấp xỉ mức lãi suất tiền gửi dài hạn. Thông thường mức lãi suất trong dài hạn (12 tháng trở lên) luôn cao hơn trong ngắn hạn (một tháng, ba tháng, sáu tháng). Tuy nhiên, trên thị trường liên ngân hàng của Việt Nam những tháng đầu năm 2011 thì diễn biến các mức lãi suất này lại ngược lại. Mức lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng khá sát và thậm chí có lúc thấp hơn mức lãi suất đối với kỳ hạn ba tháng.
Sai lệch kép
Theo phân tích của các chuyên gia, sự gần nhau của các mức lãi suất này không chỉ phản ánh tính thanh khoản kém của hệ thống ngân hàng mà còn hàm ẩn rủi ro sai lệch cơ cấu thời hạn. Khi các mức lãi suất gần bằng nhau trong điều kiện lạm phát cao ở Việt Nam hiện nay thì người gửi tiền sẽ có xu hướng chuyển sang các khoản gửi ngắn hạn để giảm rủi ro lãi suất. Khả năng huy động được tiền gửi dài hạn giảm đi đồng nghĩa với nguồn huy động ngắn hạn tài trợ cho các khoản tín dụng dài hạn sẽ tăng lên, từ đó đẩy rủi ro sai lệch cơ cấu thời hạn của ngân hàng lên cao, đặc biệt trong tình trạng của Việt Nam khi hệ thống ngân hàng từ trước đến nay vốn đã có tỉ lệ tiền gửi ngắn hạn và không kỳ hạn sử dụng cho vay dài hạn cao (năm 2008, con số này ở mức 75%).
Ngoài ra, mức lãi suất quá cao cũng hàm ẩn rủi ro khi theo lý thuyết về phần bủ rủi ro, chỉ có những dự án có tính rủi ro cao mới có thể đem lại những mức lãi suất cao trong khi hạn chế đầu tư vào những dự án ít rủi ro nhưng chỉ có tỉ suất sinh lợi vừa phải. Do vậy, rủi ro vỡ nợ xuất phát từ mức lãi suất cao cũng tăng lên.
Bên cạnh sai lệch về cơ cấu thời hạn, hệ thống ngân hàng Việt Nam cũng phải đối mặt với rủi ro sai lệch về cơ cấu đồng tiền. Với mức lãi suất (danh nghĩa) nội tệ và ngoại tệ chênh lệch lớn do hệ quả của các chính sách tiền tệ và tỉ giá, tín dụng ngoại tệ đã tăng trưởng nhanh hơn gấp nhiều lần so với tín dụng nội tệ. Tính đến cuối năm 2011, tín dụng ngoại tệ trong hệ thống ngân hàng đã tăng 18,7% trong khi tín dụng nội tệ chỉ tăng 10,2% so với cuối năm 2010. Tín dụng ngoại tệ tăng lên trong khi rủi ro mất giá nội tệ cũng tăng khi thâm hụt thương mại vẫn có nguy cơ tăng cao trở lại đi kèm với đầu tư nước ngoài có xu hướng sụt giảm. Bên cạnh đó, tài sản nước ngoài ròng trong hệ thống ngân hàng thương mại cũng phản ánh rủi ro của khu vực này. Như đã phân tích, lượng tài sản nước ngoài ròng trong các ngân hàng thương mại trong thời gian gần đây là âm, điều này không phải do sụt giảm tài sản nước ngoài mà chủ yếu do gia tăng mạnh mẽ nợ nước ngoài của các ngân hàng. Tài sản ròng nước ngoài âm càng phản ánh rõ hơn sự sai lệch cơ cấu đồng tiền trong hệ thống ngân hàng khi sử dụng nguồn đi vay từ nước ngoài để tài trợ cho các khoản tín dụng trong nước./.