Sân bay giá khủng, xin thuê giá bèo: ACV không thể mặc cả với nhà nước
Thứ Năm, 15:31, 25/08/2016
Mức giá thuê khu bay của ACV đề xuất quá thấp so với chi phí duy tu, bảo dưỡng khu bay hằng năm.
Trước đề xuất đòi thuê lại khu bay của 22 cảng hàng không với giá bèo của Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV), các chuyên gia trong lĩnh vực hàng không đều cho rằng không thể để ACV mặc cả giá thuê với nhà nước.
Dù báo lỗ liên tục 2 năm nhưng ACV vẫn xin thuê các khu bay lớn
Kêu lỗ vẫn đòi thuê lại
Dù cho biết tính riêng hoạt động khu bay cả hai năm 2014 và 2015 đều lỗ, nhưng ACV vẫn đề xuất được thuê lại (gồm đường lăn, cất hạ cánh, hàng rào, máy cắt cỏ, máy tẩy vệt cao su trên đường băng, nhà để xe cứu hỏa - riêng sân đỗ vẫn do ACV quản lý) của 22 cảng hàng không trên cả nước.
Đánh giá về mức giá đề xuất thuê chỉ hơn 45,7 tỉ đồng/năm mà ACV đưa ra, một chuyên gia trong ngành hàng không cho rằng doanh nghiệp (DN) đi thuê bao giờ cũng muốn hạ giá để thuê rẻ. Tuy nhiên, cơ quan quản lý cần phải làm rõ điểm bất hợp lý tại sao kêu lỗ nhưng ACV vẫn đòi được thuê lại để quản lý khai thác?
Mặt khác, dù ACV kêu lỗ trong hoạt động khu bay, nhưng theo số liệu thống kê năm 2015, sản lượng cất hạ cánh đạt 448.520 lượt/chuyến, tăng 20,8% so với năm 2014, lượt hành khách cũng tăng 24,2%. Trong đó, một số cảng hàng không có sản lượng vận chuyển rất lớn, số lượt cất hạ cánh cũng tăng mạnh như sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Quốc, Cát Bi, Liên Khương, Đồng Hới, Cần Thơ... Với số lượt chuyến bay vẫn tăng đều tại các năm, doanh thu từ dịch vụ cất hạ cánh là miếng bánh béo bở mà ACV khó có thể bỏ qua.
Nếu trước đây hạ tầng sân bay là “vùng trời riêng” của ACV thì hiện nay chính sách xã hội hóa đầu tư cho phép các DN tư nhân khác được tham gia đầu tư vào từng hạng mục, thậm chí đầu tư và quản lý cả sân bay. Theo ông Lại Xuân Thanh - Cục trưởng Cục Hàng không, sân bay Vân Đồn đã được một nhà đầu tư triển khai xây dựng và sẽ khai thác quản lý trực tiếp. Trước đó, sân bay Phú Quốc do ACV trực tiếp đầu tư cũng đã có đề xuất nhượng quyền khai thác toàn bộ sân bay cho một tập đoàn tư nhân trong nước. Việc nhà nước cho thuê lại hạ tầng cơ bản là khu bay chưa có tiền lệ, tuy nhiên không có nghĩa là các DN khác ngoài ACV không thể tiếp cận và quản lý, khai thác khu bay.
Chia sẻ với Thanh Niên, một lãnh đạo ngành hàng không cho biết hiện tại sân bay Chu Lai cần nâng cấp đường băng, một hãng hàng không trong nước đã ngỏ ý muốn đầu tư mở rộng cả nhà ga và nâng cấp đường băng (khu bay) sân bay này. Để các DN khác có thể tham gia quản lý khai thác khu bay nhưng vẫn đảm bảo an ninh quốc phòng, cần phải nghiên cứu cơ chế phù hợp từ kinh nghiệm thế giới.
Không để thất thoát tài sản nhà nước
Theo một lãnh đạo ngành hàng không, mức giá thuê ACV đề xuất quá thấp so với chi phí duy tu, bảo dưỡng khu bay hằng năm. Theo báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2015 của ACV, chỉ riêng chi phí sửa chữa đường lăn song song E6 đoạn từ nút ĐL E1 - E4 Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng năm 2015 đã hết 69,5 tỉ đồng; sửa chữa kè chống xói lở đầu bảo hiểm đường cất hạ cánh, Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh là 1,4 tỉ đồng; kéo dài nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn và sân đậu máy bay, Cảng hàng không Pleiku gần 15 tỉ đồng...
Vì vậy, việc định giá tài sản khu bay làm cơ sở tính giá cho thuê phải đảm bảo được chi phí cho hoạt động duy tu, bảo dưỡng cũng như chi phí hoạt động của cơ quan quản lý (vẫn lấy từ nguồn thu hoạt động khai thác và thương mại của cảng hàng không). Mặt khác, việc cổ phần hóa ACV nhằm mục đích tạo ra giá trị thặng dư vốn nhà nước, nếu cho ACV thuê khu bay với giá rẻ mà nhà nước vẫn phải bỏ tiền duy tu, bảo dưỡng khu bay sẽ đi ngược lại mục đích cổ phần hóa, tạo gánh nặng cho ngân sách nhà nước.
Trường hợp định giá tài sản cao, nhưng ACV không chịu thuê hoặc vẫn muốn thuê với giá thấp, thì nhà nước hoàn toàn có thể đứng ra quản lý thông qua một DN 100% vốn nhà nước hoặc giao quyền khai thác quản lý cho DN khác.
Theo TS Phạm Sanh - chuyên gia giao thông, ACV là DN đã cổ phần hóa, có vai trò ngang với các DN khác, không có quyền “mặc cả” giá thuê với tài sản sinh lợi của nhà nước. “ACV chỉ đề xuất hai phương án là được thuê hoặc đứng ra khai thác quản lý, nhưng nhà nước phải tính đến phương án thứ 3 là giao cho một DN khác thực hiện thông qua đấu thầu. Với lĩnh vực khu bay liên quan đến an ninh quốc phòng có thể thí điểm đấu thầu quyền thuê khai thác trước ở một vài sân bay”, ông Sanh nói.
Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đề xuất được thuê lại khu bay của 22 cảng hàng không trong khoảng 50 năm.
TS Phạm Sanh cho rằng về lâu dài, Bộ GTVT cần có cơ chế cụ thể để đầu tư theo hình thức PPP với các hạng mục khác trong sân bay, xây dựng mô hình hỗn hợp tư nhân - nhà nước trong quản lý sân bay như một số nước đã thực hiện, vừa đem lại nguồn thu vừa nâng cao hiệu quả khai thác, tăng cường chất lượng dịch vụ./.