Sẵn sàng sản xuất lúa chuyên canh chất lượng cao gắn với tăng trưởng Xanh
VOV.VN - 12 địa phương khu vực ĐBSCL sẽ tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng Xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Mục tiêu Đề án phấn đấu đến năm 2030 diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với phát thải thấp sẽ đạt 1 triệu ha. Cụ thể về canh tác bền vững, như giảm lượng lúa giống gieo sạ xuống dưới 70kg/ha; giảm 30% lượng phân bón hóa học; giảm 20% lượng nước tưới so với canh tác truyền thống…
Đề án được chia làm 2 giai đoạn, bắt đầu được triển khai từ năm 2024. Ngoài tỉnh Bến Tre không tham gia, các địa phương còn lại của ĐBSCL sẽ cùng tham gia Đề án. Theo các địa phương, khi triển khai Đề án sẽ mang lại những thay đổi lớn cho “vựa lúa” lớn nhất cả nước.
Theo phản ánh của nông dân, sản xuất lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng Xanh sẽ mang lại hiệu quả cao hơn 15% so với lúa thường. Thực tế thời gian qua tại ĐBSCL đã có những bước chuẩn bị để đón sự chuyển đổi mang tính bứt phá này. Ông Nguyễn Văn Tẩn, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ nông dân tỉnh An Giang phấn khởi, khi Đề án triển khai sẽ giúp thay đổi nhận thức và thói quen canh tác của nông dân trồng lúa theo hướng thân thiện với môi trường.
“Với phương pháp tưới xen kẽ, giảm phân hóa học và xử lý rơm rạ sau thu hoạch, bà con nông dân được tiếp cận các kỹ thuật áp dụng vào quá trình sản xuất tại đồng ruộng, thuần thục kỹ thuật canh tác giảm phát thải khí nhà kính. Qua ghi nhận, nông dân rất phấn khởi khi Đề án triển khai sẽ giảm được chi phí hơn so với canh tác truyền thống, đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm hạt gạo sản xuất ra”, ông Tẩn cho biết.
Theo ông Lê Hữu Toàn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang, đây là thay đổi lớn nhưng rất cần để giúp ngành lúa gạo của Việt Nam phát triển bền vững và duy trì thế mạnh về nông nghiệp. Nông dân và các doanh nghiệp sẽ làm quen với các tiêu chí về chất lượng, trồng lúa giảm phát thải và những khái niệm mới về bán tín chỉ carbon.
“Kiên Giang xác định rõ kế hoạch theo từng năm khi tham gia Đề án. Theo đó năm 2024 là 60.000 ha; năm 2025 tham gia 100.000 ha và định hướng đến năm 2030 tham gia với diện tích 200.000 ha để tổ chức sản xuất. Theo định hướng của Đề án, Kiên Giang cũng đã rà soát quy hoạch chi tiết các vùng và định hướng hợp tác xã, khu vực và doanh nghiệp cùng đồng hành tham gia trong việc triển khai theo đúng theo những mục tiêu mà Đề án đề ra”, ông Toàn cho hay.
Đề phát huy hiệu quả từ Đề án mang lại, ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT lưu ý, khi triển khai các địa phương cần thành lập được HTX trong vùng nguyên liệu. “Cần có 1 HTX nằm trong vùng nguyên liệu khi tham gia Đề án, đó là khâu yếu nhất hiện nay cần tháo gỡ, nếu không tháo gỡ nút thắt này, Đề án sẽ rất khó thành công, vì sự liên kết khởi đầu từ 1 HTX và 1 DN” ông Tùng nói.
Theo Bộ NN&PTNT, nông dân tham gia vào Đề án sẽ được hỗ trợ 30% chi phí mua giống lúa trong 4 vụ đầu liên tiếp. Trong thời gian tham gia liên kết, nông dân có thể vay tối đa 20 triệu đồng/vụ sản xuất mà không phải thế chấp ngân hàng; Đề án còn nâng cao vai trò của hợp tác xã để trở thành các doanh nghiệp sản xuất lúa gạo quy mô lớn.