Sản xuất liên kết theo chuỗi, nông sản Lâm Đồng nhẹ nhàng ứng phó dịch Covid-19

VOV.VN - Nhờ chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, việc sản xuất các mặt hàng nông sản ở Lâm Đồng vẫn ổn định trước diễn biến của dịch Covid-19.

Từ đầu năm đến nay, việc sản xuất rau xanh các loại của trang trại Vườn rau sạch thủy canh Kiêm Hùng, ở huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng vẫn duy trì ổn định, kể cả trong thời gian cao điểm thực hiện chỉ thị cách ly xã hội phòng chống dịch Covid-19. Bà Nguyễn Thị Kiêm, chủ trang trại cho biết, mọi hoạt động sản xuất của trang trại không bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 là do 100% sản phẩm nông sản làm ra đều cung ứng theo đơn đặt hàng, chất lượng rau đảm bảo, giá rau cũng ổn định theo cam kết như lâu nay.

“Nói chung hàng các nơi khác thì bị ảnh hưởng chứ hàng của mình thì không có vấn đề gì. Hàng này mình chăm sóc cẩn thận, tiêu chuẩn sạch, mình đã sơ chế, đóng gói rồi thì có thể để được từ 4 đến 5 ngày, người ta đi chợ mua về để từ 3 đến 4 ngày vẫn được”, bà Kiêm chia sẻ.

vov_cac_chuoi_lien_ket_nong_san_lam_dong_nhe_nhang_ung_pho_mua_dich.jpg
Sản xuất nông sản theo chuỗi liên kết đã phát huy tốt ưu điểm, đảm bảo nhẹ nhàng ứng phó giữa mùa dịch

Tương tự, ông Lê Công Thôn, ở thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) cũng nhẹ nhàng ứng phó trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Theo ông Thôn, bên cạnh lợi thế về nhu cầu tiêu dùng nội địa tăng, thời tiết thuận lợi, thì sức mua rau củ quả của người dân không giảm, thậm chí còn tăng do các siêu thị, cửa hàng thực phẩm, chợ đều tăng lượng dự trữ để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Vì vậy, nông dân đang tham gia các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ càng có cơ hội để đảm bảo duy trì tốt việc canh tác, thu nhập kinh tế gia đình.

“Nông sản sản xuất theo chuỗi thì không bị ảnh hưởng gì. Tức là chúng tôi sản xuất ra hàng và hàng vẫn đi đều. Ví dụ, nếu sản xuất không theo chuỗi thì có thể  thương lái sẽ ép người nông dân. Nhưng với chúng tôi là hợp tác bền vững và 2 bên cùng có lợi. Một bên tìm đầu ra, còn một bên lo sản xuất để chất lượng hàng hóa thật tốt”, ông Lê Công Thôn nói.

Cùng với nông dân, nhiều doanh nghiệp của tỉnh Lâm Đồng vẫn đảm bảo duy trì việc sản xuất kinh doanh và chế biến sản phẩm nông sản. Ông Lê Quang Thành Liêm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH nông sản Trình Nhi, Khu Công nghiệp Phú Hội, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng cho rằng, dịch Covid-19 là thách thức nhưng đồng thời cũng là cơ hội cho doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp sản xuất và chế biến các mặt hàng nông sản. Cụ thể, công ty của ông Liêm vẫn duy trì công suất 20 tấn thành phẩm/ngày như mọi khi, bao gồm các loại trái cây sấy, rau-củ sấy khô, rau-củ dạng bột. Cùng với việc vận hành ổn định và sản xuất đều đặn, công ty ông còn đảm bảo duy trì việc thu mua nông sản cho gần 200 hộ nông dân liên kết.

“Thực chất thị trường nội địa của Việt Nam mình lớn hơn so với các nước khác. Các doanh nghiệp mà chế biến sau thu hoạch có nhiều đơn vị mua hàng từ các nước mà đặc biệt là của Trung Quốc. Trong thời điểm dịch Covid-19 này họ lại quay về mua hàng từ các nhà máy sản xuất của Việt Nam. Đây rõ ràng cũng là một cơ hội”, ông Lê Quang Thành Liêm nhận định.

Theo số liệu thống kê của ngành chức năng tỉnh Lâm Đồng, tổng giá trị xuất khẩu trong 3 tháng đầu năm nay của tỉnh giảm gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng riêng mặt hàng nông sản rau, củ xuất khẩu ước được 5.200 tấn, đạt 10,5 triệu USD, tăng 30% về sản lượng và 4,9% về giá trị. Trong khi đó, thị trường nội địa vẫn được tỉnh đánh giá là ổn định. Có thể thấy, trong diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, doanh nghiệp và nông dân của tỉnh Lâm Đồng đã phát huy tốt ưu điểm từ các chuỗi liên kết sản xuất, ổn định chế biến các mặt hàng nông sản để đáp ứng cho nhu cầu của thị trường. Đây được xem là một hướng đi bền vững cần được khuyến khích để phát triển và nhân rộng cách làm trong thời gian tới./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên