Sản xuất nông nghiệp chuyên canh, nông dân Lai Châu thoát nghèo
VOV.VN - Sau hơn 3 năm thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thành phố Lai Châu đã hình thành nhiều vùng sản xuất chuyên canh rau, hoa, trái cây…
Từ chỗ phải nhập từ Lào Cai, Sơn La, Phú Thọ, thì nay các sản phẩm rau, hoa, trái cây đã cung ứng đủ cho cả thành phố, hàng nghìn hộ nông dân thoát nghèo và làm giàu.
Người dân thoát nghèo
Ngay khi thu hoạch hết lứa rau bắp cải vụ đông xuân, gia đình anh Nguyễn Văn Quyết và bà con xã San Thàng, thành phố Lai Châu lại bắt tay vào trồng lúa chất lượng cao, với giống chủ lực là tẻ râu. Diện tích đất nông nghiệp của xã không lúc nào ngơi nghỉ, hết vụ lúa, bà con lại trồng rau hoặc chuyển hẳn sang chuyên canh hoa. Anh Quyết cho biết, giờ không chỉ có người Kinh trồng rau, hoa để bán, mà bà con người Giáy cũng làm theo. Có nhà trồng hoa một năm cũng thu 500 triệu đồng/ha.
“Từ lúc nhà tôi trồng rau theo sự vận động của thành phố thì đời sống cải thiện rất nhiều và thuận lợi là kênh mương nước có đầy đủ quanh năm. Nhà tôi có hơn 2.000 m2 đất trồng rau, mỗi một vụ thu hoạch được từ 20 - 30 triệu đồng/vụ” - anh Quyết nói.
Sản xuất nông nghiệp chuyên canh, nông dân Lai Châu thoát nghèo. |
Thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới, năm 2011 thành phố Lai Châu đã quy hoạch các vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Người dân chủ động sản xuất theo vùng, theo từng loại nông sản phù hợp, áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác để tránh tình trạng nuôi trồng nhỏ lẻ, mang tính tự cung tự cấp.
Theo đó, thành phố có các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung. Đồng thời, tăng cường liên kết giữa “4 nhà” (Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông) trong việc sản xuất kinh doanh, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Xây dựng vùng sản xuất chuyên canh
“Để làm được các vùng chuyên canh thì đầu tiên thành phố quan tâm đó là việc đầu tư cơ sở hạ tầng cho vùng chuyên canh và chủ yếu ở đây là đầu tư kênh mương thủy lợi và đường nội đồng. Toàn bộ vùng rau này mặc dù có 25 ha nhưng thành phổ đã bỏ kinh phí ra đầu tư hơn 3 km kênh dẫn nước trực tiếp cho vào các vườn rau của người dân” - ông Bùi Hữu Cam, Trưởng phòng Kinh tế thành phố Lai Châu cho biết.
Ông Lương Chiến Công, Chủ tịch UBND thành phố Lai Châu, tỉnh Lai Châu cho biết, từ chỗ chủ yếu phải nhập rau, hoa, trái cây từ các tỉnh lân cận như Phú Thọ, Lào Cai, Sơn La, đến nay thành phố Lai Châu đã có 25 ha trồng rau quanh năm. Vùng trồng hoa có trên 40 ha, vùng nuôi trồng thủy sản 110 ha và cây ăn quả các loại khoảng 135 ha. Đặc biệt từ việc xây dựng các vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp, đồng bào các dân tộc đã áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, biến các sản phẩm nông nghiệp thành hàng hóa có giá trị, mức thu nhập bình quân đạt 40 triệu đồng/người/năm như ở xã San Thàng.
“Kêu gọi các doanh nghiệp, các hộ gia đình có điều kiện để đầu tư vào trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp hàng hóa và đến nay sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố đã có những bước đổi mới rất căn bản. Sản xuất nông nghiệp hàng hóa đã thay đổi cơ cấu sản xuất hàng hóa theo hướng tiếp cận nhu cầu của thị trường” - ông Lương Chiến Công nói.
Để đảm bảo cho nông dân có nguồn thu nhập ổn định từ sản xuất nông nghiệp, thành phố Lai Châu tích cực vận động người dân tập trung phát triển sản xuất theo hướng nâng cao hiệu quả bền vững. Các sản phẩm nông nghiệp đảm bảo môi trường, an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất phù hợp với lợi thế từng vùng./.
Người dân vùng cao Lai Châu làm giàu và vươn tầm thế giới nhờ lá chè
Ảnh: Đào rừng Tây Bắc ngập tràn trên phố núi Lai Châu