Sàng lọc các dự án FDI

Chính sách đầu tư nước ngoài trong thời gian tới sẽ chuyển dần theo hướng coi trọng cơ cấu chất lượng đầu tư, phát triển bền vững.

Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài – Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 9 tháng qua, các nhà đầu tư nước ngoài đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam với số vốn đạt 9,9 tỷ USD, bằng 72% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngược lại, các nguồn vốn giải ngân tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 8,2 tỷ USD.

Hiện các ngành công nghiệp thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài nhiều nhất thuộc lĩnh vực chế biến và sản xuất, với 300 dự án mới đăng ký, tổng vốn trên 4,9 tỷ USD. Các ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt và nước xếp thứ nhì, thu hút hơn 2,5 tỷ USD. Kế đó là các dự án đăng ký đầu tư trong lĩnh vực xây dựng.

Tính từ đầu năm đến nay, đã có 47 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, Hồng Kông (Trung Quốc) dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 2,9 tỷ USD; Singapore đứng thứ hai và Nhật Bản đứng thứ 3. Các địa phương chiếm được nguồn vốn đầu tư FDI nhiều nhất lần lượt là Hải Dương, TP HCM, Bà Rịa-Vũng Tàu và Hà Nội.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, chính sách đầu tư nước ngoài trong thời gian tới sẽ chuyển dần theo hướng coi trọng cơ cấu chất lượng đầu tư, phát triển bền vững, ưu tiên phát triển các ngành công nghệ sạch, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả các nguồn tài nguyên, tiết kiệm năng lượng, đầu tư ngành công nghiệp hỗ trợ.

Về không gian thu hút đầu tư, sẽ tiến tới quy hoạch phát triển cụm, ngành công nghiệp, tạo mạng liên kết sản xuất và hình thành chuỗi giá trị để thâm nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên