Sau kiểm tra, Bộ Công Thương kiến nghị bỏ hạn ngạch xuất khẩu gạo

Sau kiểm tra, Bộ Công Thương kiến nghị bỏ hạn ngạch xuất khẩu gạo

VOV.VN - Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ cho phép hoạt động xuất khẩu gạo tiếp tục thực hiện theo quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP.

Thứ trưởng Bộ Công Thương - ông Trần Quốc Khánh chiều 27/4 thay mặt Đoàn kiểm tra liên ngành đã có Báo cáo Số 2976 trình Thủ tướng Chính phủ về kết quả kiểm tra lượng gạo hàng hóa tại các cảng, cũng như quy trình thực hiện xuất khẩu, nhập khẩu, kiểm soát, thông quan hàng hóa tại một số cảng, cửa khẩu với các cơ quan có liên quan từ ngày 20 - 23/4 vừa qua. 

Báo cáo kết quả của Đoàn kiểm tra liên ngành được tổng hợp từ các buổi làm việc với Cục Hải quan TP HCM, Chi cục Hải quan khu vực I, Cảng vụ Hàng hải TP HCM; khảo sát tại cảng Cát Lái, cảng ICD, đại diện các tỉnh/thành phố vùng ĐBSCL và TP HCM, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) và 20 thương nhân xuất khẩu gạo lớn nhất Việt Nam.

Theo đó, quá trình triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về công tác dự trữ và xuất khẩu gạo, về phía Bộ Công Thương trước khi có Quyết định số 1106/QĐ-BCT ngày 10/4/2020 công bố hạn ngạch xuất khẩu gạo trong tháng 4/2020, Bộ đã dự thảo và sau đó trao đổi nhanh với Tổng cục Hải quan và Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam để thống nhất nội dung.

gao1_ueqi.jpg
Tính đến ngày 26/4, Việt Nam đã xuất khẩu được hơn 185.634 tấn gạo.

Bộ Công Thương đã có văn bản gửi Bộ Tài chính, Bộ NN&PTNT đề nghị phối hợp; có các Công văn gửi Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo để biết và kịp thời triển khai thực hiện. Cùng với đó, Bộ Công Thương đã đề nghị các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo tiếp tục thực hiện nghiêm túc công tác duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu và các trách nhiệm theo quy định.

Về phía Bộ Tài chính, căn cứ nguyên tắc quản lý hạn ngạch quy định tại Quyết định số 1106/QĐ-BCT, Tổng cục Hải quan tiến hành thiết lập các chỉ tiêu thông tin trên Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan (VNACCS) để tự động theo dõi trừ lùi số lượng gạo xuất khẩu trong hạn ngạch được phép xuất khẩu và áp dụng từ 0 giờ ngày 12/4/2020.

“Việc trừ lùi được Hệ thống tự động thực hiện ngay sau khi người khai hải quan gửi thông tin tờ khai hải quan đến Hệ thống, theo nguyên tắc tờ khai hải quan đăng ký trước sẽ được trừ vào hạn ngạch xuất khẩu trước. Hệ thống sẽ tự động dừng tiếp nhận thông tin đăng ký tờ khai hải quan nếu số lượng đăng ký chạm mốc hạn ngạch được phép xuất khẩu là 400.000 tấn”, báo cáo nêu rõ.

Báo cáo ghi nhận, tính đến thời điểm báo cáo, các thương nhân đã đăng ký 521 tờ khai, tương đương 399.999,63 tấn gạo. Phần lớn số tờ khai được doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu qua các cửa khẩu quốc tế tại TP HCM. Tính đến trưa 26/4 đã thực xuất khẩu được 185.634,59 tấn gạo (chiếm 46,41% tổng lượng hạn ngạch 400.000 tấn), còn 214.365,14 tấn đã đăng ký nhưng chưa xuất khẩu (chiếm 53,59%).

Theo số liệu thống kê của Bộ Tài chính, số lượng gạo đã được đưa vào cảng trước ngày 24/3 nhưng chưa đăng ký được tờ khai là 17.380,02 tấn; Số lượng gạo đã được đưa vào cảng từ ngày 24/3 – 21/4 nhưng chưa đăng ký được tờ khai hải quan, được xác nhận bởi doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh cảng và cơ quan hải quan là 55.446,68 tấn.

Căn cứ theo kế hoạch sản xuất và tiêu thụ lúa gạo của Bộ NN&PTNT, năng lực thông quan của hệ thống cửa khẩu quốc tế hiện nay, Bộ Công Thương dự kiến xuất khẩu gạo trong tháng 4 sẽ dao động trong khoảng 300.000 – 350.000 tấn. Tính từ đầu năm đến hết tháng 4, xuất khẩu gạo ước đạt tối đa 1,9 triệu tấn.

Với tổng lượng gạo có thể xuất khẩu là khoảng 3,2 triệu tấn (tính cả lượng “gối đầu” từ năm 2019 chuyển sang khoảng 200.000 tấn), sau khi trừ đi lượng gạo dự kiến xuất khẩu trong 4 tháng đầu năm 2020, lượng gạo còn lại có thể xuất khẩu là khoảng 1,3 triệu tấn.

Từ những số liệu kể trên, Báo cáo cũng kiến nghị Chính phủ dừng cơ chế điều hành xuất khẩu gạo quy định tại văn bản số 2827/VPCP-KTTH ngày 10/4/2020 của Văn phòng Chính phủ. Cho phép hoạt động xuất khẩu gạo được trở lại bình thường, tiếp tục thực hiện theo quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15/8/2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo.

Tuy nhiên, để duy trì, đảm bảo an ninh lương thực trong trạng thái bình thường mới hiện nay, Bộ Công Thương cũng kiến nghị Chính phủ tiếp tục thực hiện nghiêm việc chỉ xuất khẩu gạo qua cửa khẩu quốc tế (đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thủy, đường hàng không).

Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, Bộ Tài chính chỉ đạo lực lượng Hải quan, Bộ Quốc phòng chỉ đạo lực lượng Biên phòng, Bộ Công an chỉ đạo lực lượng công an, Bộ Công Thương chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ để phòng ngừa, xử lý nghiêm hành vi buôn lậu gạo qua biên giới.

Các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo nghiêm túc tuân thủ quy định tại Điều 12 của Nghị định số 107/2018/NĐ-CP về việc thường xuyên duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu tương đương 5% số lượng gạo mà thương nhân đã xuất khẩu trong 6 tháng trước đó, và cam kết sẽ cung cấp ngay ra thị trường trong nước nếu được Chính phủ yêu cầu. Đồng thời đề nghị 20 thương nhân xuất khẩu gạo lớn nhất ký thỏa thuận với ít nhất là 1 hệ thống siêu thị về việc bảo đảm cung cấp lượng dự trữ lưu thông 5% khi được yêu cầu .

Trường hợp thương nhân không thực hiện việc duy trì mức dự trữ lưu thông theo quy định, hoặc không thực hiện cam kết theo thỏa thuận đã ký, hoặc khai báo không trung thực, đã được nhắc nhở nhưng không khắc phục, cho phép Bộ Công Thương thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo đã cấp cho thương nhân đó.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động chỉ đạo các Sở Công Thương trên địa bàn tăng cường công tác đôn đốc, giám sát, kiểm tra việc duy trì mức dự trữ gạo, đồng thời chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này. Bộ NN&PTNT đẩy mạnh công tác sản xuất nông nghiệp, đảm bảo đáp ứng đủ nguồn cung thóc gạo phục vụ nhu cầu lương thực trong nước và xuất khẩu./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên