Sẽ tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô?
VOV.VN -Theo Bộ Tài chính, cần điều chỉnh thuế này để đảm bảo công bằng giữa xe nhập khẩu và xe sản xuất trong nước khi thuế về 0% từ 2018.
Bộ Tài chính vừa công bố dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt. Trong đó, có quy định về thuế nhập khẩu ô tô dưới 24 chỗ ngồi.
Sửa thuế để đảm bảo công bằng
Theo Bộ Tài chính, trước bối cảnh cắt giảm thuế nhập khẩu về 0% (từ năm 2018) đối với mặt hàng ô tô (theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN), Hiệp hội các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô Việt Nam (VAMA), Hiệp hội cơ khí Việt Nam (VAMI) cho rằng cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt hiện tại chưa hợp lý đối với xe lắp ráp trong nước vì trong giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với hàng nhập khẩu không có chi phí bán hàng trong nước, lãi của cơ sở kinh doanh nhập khẩu.
Theo Bộ Tài chính, cần sửa thuế TTĐB với ô tô để đảm bảo công bằng (Ảnh minh họa: KT)
Theo tính toán của VAMA, VAMI, giá thành sản xuất ô tô ở Việt Nam cao hơn từ 20-25% so với giá thành sản xuất ô tô ở Thái Lan do năng suất lao động thấp, trong khi nguyên vật liệu, cụm linh kiện, linh kiện, phụ tùng, vật tư chủ yếu nhập khẩu với chi phí giá thành, vận chuyển, bảo hiểm đến cửa khẩu nhập (CIF) cao hơn chi phí của thành phẩm nhập khẩu.
Vì vậy, Bộ Tài Chính đã đề nghị có những giải pháp để bảo hộ sản xuất trong nước và cần thiết phải sửa đổi quy định về giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng ôtô để bảo đảm công bằng.
Bộ Tài chính thấy rằng, cùng với sự phát triển hội nhập kinh tế, hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế, nhất là nhập khẩu hàng hóa ngày càng đa dạng về hình thức để tối đa hóa lợi nhuận, như thành lập công ty con tại Việt Nam của các hãng nước ngoài, thành lập liên doanh thay vì văn phòng đại diện hay chi nhánh nước ngoài trước đây. Những công ty con hay công ty liên doanh tại Việt Nam đại diện cho các hãng nước ngoài này đều thực hiện đầy đủ hoạt động phân phối, xúc tiến thương mại và cung cấp dịch vụ bảo hành, bảo trì, sửa chữa hàng hóa tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, từ ngày 26/6/2011, theo quy định của Bộ Công Thương thì cơ sở kinh doanh nhập khẩu ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống phải đáp ứng điều kiện là nhà nhập khẩu, nhà phân phối của chính hãng sản xuất, kinh doanh loại ô tô đó và phải có cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô đủ điều kiện do Bộ Giao thông Vận tải quy định.
Vì vậy, quan điểm của Bộ Tài chính là: nếu tiếp tục duy trì quy định về giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô dưới 24 chỗ ngồi như hiện hành (với khác biệt về chi phí bán hàng trong nước) thì khi thuế nhập khẩu cắt giảm về mức 0%, ô tô dưới 24 chỗ ngồi nhập khẩu sẽ càng có lợi thế cạnh tranh về giá hơn so với sản xuất, lắp ráp trong nước.
2 phương án tăng thuế nhập khẩu ô tô
Từ những vướng mắc về giá tính thuế TTĐB đối với mặt hàng ô tô dưới 24 chỗ ngồi nhập khẩu và trên cơ sở quy định của Luật thuế TTĐB hiện hành, Bộ Tài chính đề xuất 2 phương án xử lý như sau:
Phương án 1: Bổ sung quy định giá tính thuế TTĐB đối với ôtô dưới 24 chỗ ngồi nhập khẩu bao gồm cả chi phí bán hàng trong nước của nhà nhập khẩu thông qua việc thu thêm thuế TTĐB tại khâu nội địa khi nhà nhập khẩu ôtô bán ra. Theo đó, nhà nhập khẩu được tính trừ số thuế TTĐB đã nộp ở khâu nhập khẩu. Đồng thời, để hạn chế chuyển giá thông qua kê khai giảm giá tính thuế của nhà nhập khẩu dẫn đến số thuế TTĐB phải nộp âm, thì dự thảo sẽ bổ sung quy định trường hợp số thuế TTĐB phải nộp ở khâu bán ra trong nước nhỏ hơn số thuế TTĐB đã nộp ở khâu nhập khẩu (số thuế TTĐB âm) thì nhà nhập khẩu chỉ được khấu trừ tương ứng với số thuế TTĐB tính được khi bán ra trong nước.
Việc xác định giá tính thuế TTĐB khi bán ra trong nước đối với cơ sở nhập khẩu được như cơ sở sản xuất hàng hóa chịu thuế TTĐB bán ra trong nước.
Bộ Tài chính cho rằng ưu điểm của phương án này là: Bảo đảm bình đẳng về giá tính thuế giữa ôtô dưới 24 chỗ ngồi nhập khẩu và hàng sản xuất trong nước trước bối cảnh thuế nhập khẩu được cắt giảm mạnh; qua đó, ôtô sản xuất trong nước có thể cạnh tranh bình đẳng với hàng nhập khẩu. Đi kèm với đó, bộ cũng cho rằng phương án này cũng sẽ dẫn đến phản ứng từ một số nhà nhập khẩu ôtô chính hãng tại Việt Nam như Audi, BMW, Porsche, Renault, Subaru, Volkswagen.
Phương án 2: Giữ nguyên quy định hiện hành về giá tính thuế TTĐB đối với hàng nhập khẩu. Bộ Tài chính cho rằng phương án này giữ ổn định trong quy định về giá tính thuế TTĐB như ý kiến một số nhà nhập khẩu nhưng sẽ giảm khả năng cạnh tranh của ôtô lắp ráp trong nước trong bối cảnh thuế nhập khẩu đang được cắt giảm về 0% theo các cam kết quốc tế.
Từ phân tích ưu/nhược điểm của hai phương án nêu trên, Bộ Tài chính đề nghị chọn phương án 1.
Hiện tại, các nhà nhập khẩu chính thức ôtô Việt Nam chưa có bất cứ ý kiến chính thức nào về dự thảo tờ trình này của Bộ Tài chính. Tuy nhiên, đại diện một nhà nhập khẩu ôtô tại Việt Nam giấu tên cho biết, nếu theo phương án mà dự thảo của Bộ Tài chính đã lựa chọn thì sẽ có khá nhiều vấn đề cần bàn thảo kỹ lại bởi cách tích thuế TTĐB mới sẽ làm tăng thêm giá xe khoảng 10-12%; trong đó, các mẫu xe nhập khẩu không phải từ khối ASEAN sẽ bị ảnh hưởng nặng nhất, do sẽ phải tự chi trả những các khoản đầu tư về thương hiệu, marketing, bán hàng, dịch vụ…/.