Sẽ thiếu hụt hàng chục triệu tấn than cho nhà máy điện
Đến năm 2016, tổng nhu cầu than cho các nhà máy điện chưa cân đối được là 3,34 triệu tấn và sẽ tăng lên 10,2 triệu tấn vào năm 2018.
Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) mới đây đã đề nghị Thủ tướng cho được vay vốn từ nguồn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước, vốn ODA, trái phiếu chính phủ, bảo lãnh cho vay vốn nước ngoài để đầu tư phát triển ngành than, đáp ứng được quy hoạch và nhu cầu cấp than cho các hộ tiêu thụ trong nước, đặc biệt là cho các nhà máy điện.
Theo Quyết định 5964/QĐ-BCT (tháng 10/2012), tới năm 2030, hệ thống điện có tổng cộng 69 nhà máy nhiệt điện than với tổng công suất 75.000 MW. Trong đó, có 26 nhà máy với tổng công suất 13.620 MW sẽ sử dụng than nội, 35 nhà máy với tổng công suất 53.320 MW sử dụng than nhập và 8 nhà máy có tổng công suất 8.400 MW sử dụng cả than nội lẫn than ngoại.
Cũng trong 69 nhà máy nhiệt điện than này, 10 nhà máy được đầu tư theo hình thức BOT với tổng công suất 11.900 MW sẽ tự lo nguồn than nhập khẩu. Hiện tại, Vinacomin đã có cam kết cung cấp than cho 20 nhà máy điện với tổng sản lượng than 22 triệu tấn vào năm 2020 và 41 triệu tấn đến năm 2030.
Cũng theo Quyết định 5964/QĐ-BCT, tổng sản lượng than nội năm 2030 cấp cho các nhà máy nhiệt điện than ở miền Bắc là 43 triệu tấn. Còn các nhà máy điện ở miền Trung và miền Nam đang dùng than nội sẽ chuyển dần sang dùng than hỗn hợp với chất lượng tương đương.
Với thực tế này, tổng lượng than nhập cấp cho các nhà máy nhiệt điện than ở miền Bắc sẽ là 48,7 triệu tấn; tại khu vực miền Trung là 7,8 triệu tấn và tại khu vực miền Nam là 55 triệu tấn.
Tuy nhiên, với thực tế một số chỉ tiêu được đưa ra để tính toán nhu cầu đầu tư nhà máy điện đã có thay đổi so với thời điểm lập Quy hoạch Tổng sơ đồ điện 7, nên nhu cầu tiêu thụ than cũng biến động theo.
Cụ thể, tới năm 2020 và năm 2030, công suất các nhà máy điện chạy than theo tính toán mới sẽ giảm so với Quy hoạch điện 7 trước đây lần lượt là 7.800 MW và 16.600 MW. Do vậy, nhu cầu than tiêu thụ cũng giảm tương ứng 12,6 triệu tấn và 32 triệu tấn.
Để đáp ứng tình hình mới, Bộ Công thương đã tính toán 2 kịch bản cân đối than cho điện, phù hợp với các phương án huy động điện trong tình hình mới với quan điểm than nội địa cấp cho các hộ tiêu thụ khác, như xi măng, phân bón, hóa chất sẽ giảm để ưu tiên cấp cho sản xuất điện.
Trong kịch bản 1, sẽ có Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch 1 và Công Thanh được chuyển sang dùng than nhập và giữ nguyên các nhà máy khác như trước đây. Với phương án này, năm 2019 mới bắt đầu xảy ra thiếu hụt than nội với nhu cầu than trong nước còn thiếu cho các nhà máy điện là khoảng 1,6 triệu tấn. Số lượng than chưa cân đối được cho các nhà máy điện được chỉ định dùng than nội vào năm 2020 là 5 triệu tấn và luôn ở tình trạng thiếu tới năm 2030.
Tại kịch bản 2, một số nhà máy sử dụng than nội được Bộ Công thương đề xuất chuyển sang dùng than ngoại là Nhà máy Nam Định I, Thái Bình II và Công Thanh (miền Bắc), Quảng Trạch I (miền Trung) và Vĩnh Tân II, Duyên Hải I (miền Nam). Khi đó, nguồn than nội sẽ đủ để cấp cho sản xuất điện của các nhà máy được chỉ định dùng than nội. Tuy nhiên, nếu các nhà máy này không thực hiện lộ trình chuyển sang dùng than nhập, thì than nội cấp cho các nhà máy sẽ thiếu nghiêm trọng.
Cũng theo tính toán của Bộ Công thương, năm 2016, nhu cầu than nhập khẩu cho điện là 1,1 triệu tấn và tăng dần lên đạt 15,3 triệu tấn vào năm 2020, sau đó lên đạt 66,6 triệu tấn vào năm 2030.
Về phía mình, Vinacomin cũng cho hay, từ năm 2015 trở đi, sẽ xuất khẩu khoảng 2 triệu tấn than cục, than cám chất lượng tốt mà trong nước không có nhu cầu sử dụng. Các tính toán của Vinacomin về cấp than cho điện cũng dao động hơn so với tính toán của Bộ Công thương. Cụ thể, năm 2016, tổng nhu cầu than cho các nhà máy điện tại Việt Nam chưa cân đối được là 3,34 triệu tấn và sẽ tăng lên 10,2 triệu tấn vào năm 2018.
Đáng nói là, Vinacomin đã đề nghị Bộ Công thương và Chính phủ phân công lại việc đảm bảo cung ứng than cho một số nhà máy nhiệt điện dùng than cho Vinacomin và các doanh nghiệp khác, bao gồm cả sản xuất và nhập khẩu than./.