Sẽ thu hồi tài sản tham nhũng của Giang Kim Đạt ở Singapore
VOV.VN - Cơ quan chống tham nhũng của Singapore đã trao đổi với Thanh tra Chính phủ về vụ việc này. Cả hai cơ quan đều đang tích cực theo dõi vụ việc.
Liên quan đến vụ án của Giang Kim Đạt – một trưởng phòng của Vinashin đã tham ô và tẩu tán tài sản ra nước ngoài tổng giá trị lên tới 19 triệu USD, tại cuộc họp báo về công tác thanh tra 6 tháng đầu năm 2015, nhiều phóng viên đề nghị Thanh tra Chính phủ với tư cách là cơ quan có chức năng tham mưu, giám sát cho Thủ tướng Chính phủ trong công tác phòng chống tham nhũng, đánh giá về vụ án này.
Nhiều ý kiến băn khoăn là liệu có thu hồi được số tài sản trên về cho Nhà nước hay không. Qua vụ việc này Thanh tra Chính phủ rút ra bài học gì trong việc ngăn chặn, giám sát dòng tiền và tài sản tham nhũng từ Việt Nam ra nước ngoài.
Đặc biệt, có ý kiến cho rằng qua vụ án của Giang Kim Đạt đã cho thấy cơ chế kiểm soát thu nhập cũng như kiểm soát tài sản của cán bộ có chức vụ, quyền hạn còn nhiều kẽ hở. Thanh tra Chính phủ có đề xuất gì để bịt kẽ hở về cơ chế kiểm soát thu nhập cũng như tăng hiệu quả việc thu hồi tài sản tham nhũng.
Ông Ngô Mạnh Hùng – Cục phó Cục Phòng chống tham nhũng - Thanh tra Chính phủ |
Giải đáp băn khoăn của báo chí, ông Ngô Mạnh Hùng – Cục phó Cục Phòng chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) cho biết, Thanh tra Chính phủ không được trực tiếp tiếp cận với hồ sơ vụ án của Giang Kim Đạt. Tuy nhiên theo ông Ngô Mạnh Hùng, việc thu hồi tài sản tham nhũng bị tẩu tán ra nước ngoài (Singapore – PV) phải dựa trên cơ chế tương trợ tư pháp.
Việt Nam và Singapore đều là những quốc gia đã ký kết Công ước quốc tế về phòng chống tham nhũng, trong đó có cơ chế hỗ trợ hợp tác lẫn nhau trong việc thu hồi tài sản tham nhũng, nên việc thu hồi tài sản tham nhũng sẽ thuận lợi hơn.
Ông Ngô Mạnh Hùng cũng cho biết, mới đây, cơ quan chống tham nhũng của Singapore đã có trao đổi với Thanh tra Chính phủ liên quan đến vụ việc này. Cả hai cơ quan đều đang rất tích cực theo dõi để giải quyết vụ việc. Vì vụ việc vẫn đang trong quá trình điều tra, nên mọi thông tin về tài sản cũng như tính chất tham nhũng đều phải chờ cơ quan tố tụng kết luận rồi mới tiến tới bước thu hồi tài sản theo quy định.
Ông Ngô Mạnh Hùng cũng nêu rõ, từ năm 2005, Luật Phòng chống tham nhũng đã có quy định Chính phủ phải trình Quốc hội để ban hành văn bản quy phạm pháp luật về kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn.
Gần 10 năm thực hiện luật nhưng các cơ quan chức năng, đặc biệt là cơ quan tham mưu về quản lý Nhà nước – Thanh tra Chính phủ với sự phối hợp đắc lực của các ban, ngành liên quan đã trình Đề án kiểm soát thu nhập. Tuy nhiên vẫn chưa ra được văn bản Quốc hội yêu cầu theo Luật Phòng chống tham nhũng năm 2005.
Tới đây, nếu ra được văn bản này, sẽ có các quy chế cụ thể về kiểm soát thu nhập của cán bộ, công chức chắc chắn sẽ góp phần ngăn chặn tình trạng tài sản bất minh hay tẩu tán tài sản ra nước ngoài. Khi đã có được cơ chế để kiểm soát tốt tài sản, việc thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng sẽ dễ dàng hơn nhiều./.