Siêu uỷ ban sẽ ngăn chặn các nguy cơ thất thoát vốn nhà nước
VOV.VN - Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lê Quang Mạnh, Uỷ ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ ngăn chặn các nguy cơ thất thoát vốn nhà nước.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lê Quang Mạnh, Uỷ ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp không phải để sử dụng vốn này, không can thiệp hoạt động sản xuất kinh doanh trực tiếp của các doanh nghiệp mà là để giám sát vốn đó các doanh nghiệp dùng hiệu quả không, có khả năng, nguy cơ thất thoát hay không và sẽ triển khai các biện pháp can thiệp.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lê Quang Mạnh trả lời câu hỏi của báo giờ về hoạt động của "Siêu ủy ban" quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, tại cuộc họp báo thường kỳ của Chính phủ, chiều 1/10/2018. |
Theo Thứ trưởng cho biết, khi xây dựng đề án thành lập Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước, mục tiêu của Chính phủ là để xoá bỏ tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”, khi các bộ chuyên ngành của chúng ta vừa ban hành chính sách trong lĩnh vực đó, đồng thời trực tiếp quản lý các doanh nghiệp, tập đoàn nhà nước. Chúng ta xây dựng khung pháp lý để tách chức năng quản lý và sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Ông Mạnh cũng cho biết, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Uỷ ban Quản lý vốn tập trung vào giám sát, phải là một cơ quan hiện đại, đáp ứng yêu cầu chuyên môn. Trong thiết kế khuôn khổ pháp lý đưa các nội dung làm sao Uỷ ban này thực hiện công tác giám sát, vì hiện nay công tác giám sát được thực hiện không thường xuyên, không được các cơ quan chuyên trách thực hiện. Uỷ ban này nhằm thực hiện giám sát thường xuyên hơn, công tác giám sát mỗi doanh nghiệp sẽ được trông coi kỹ càng, để phát hiện và giảm thiểu nguy cơ thất thoát lãng phí…
Công tác giám sát, "chúng ta hướng đến việc theo dõi thường xuyên, trông coi kỹ càng, nếu có nguy cơ thất thoát, sân trước sân sau thì phải giải quyết", ông Mạnh nói.
Bên cạnh đó, Uỷ ban còn có mục tiêu nâng cao trách nhiệm giải trình, chịu trách nhiệm của cá nhân đối với việc sử dụng vốn. Theo đó, nhằm bảo tồn vốn, tài sản nhà nước, đảm bảo được nguồn lực. Mặt khác, việc Uỷ ban ra đời cũng có thể giải quyết được tình trạng thông tin về DNNN thiếu tường minh, công khai...
Trước đó, ngày 30/9/2018, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã chính thức ra mắt. Chính phủ cũng đã công bố Nghị định 131/2018/NĐ-CP ngày 29/9/2018 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Tại lễ ra mắt Ủy ban này, Thủ tướng cũng yêu cầu trong quá trình hoạt động, Ủy ban cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trong việc xây dựng phương án, lộ trình, các công việc cần thiết để tiếp nhận, quản lý 19 tập đoàn, tổng công ty; báo cáo kịp thời Thủ tướng các khó khăn, vướng mắc
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu Ủy ban sau 1 năm hoạt động không chỉ tiến hành sơ kết, tổng kết mà cần đánh giá xem “chúng ta đã làm được những việc gì để góp phần tăng trưởng, giải quyết việc làm, nộp ngân sách Nhà nước và việc quan trọng là vun đắp một môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch, công bằng đối với các thành phần kinh tế”.
Thủ tướng yêu cầu tạo sự khác biệt trong quản lý vốn NN tại doanh nghiệp
Chốt danh sách 19 tập đoàn về “Siêu Ủy ban“