Số hóa nhiều công đoạn quản trị kinh doanh để thích ứng dịch Covid-19
VOV.VN - Ai có thể nhanh nhạy hơn, sớm nhận diện và tận dụng cơ hội để hiện thực hóa bằng những bước đi bài bản tiến tới mô hình kinh tế số?
Không phủ nhận dịch Covid-19 tác động đến hầu hết các doanh nghiệp, đa số là tác động tiêu cực. Tuy nhiên, vẫn có những điểm sáng trong nền kinh tế, với xu hướng kinh doanh mới, góp phần khẳng định “Nền kinh tế số là định hướng đúng-hợp thời!”.
Covid-19 tác động tiêu cực đến hầu hết các doanh nghiệp, tuy nhiên, vẫn có những điểm sáng trong nền kinh tế, với xu hướng kinh doanh mới. (Ảnh minh họa: KT) |
Một trong những ngành chịu thiệt hại nặng nề nhất từ dịch Covid-19 là dịch vụ ăn uống, nhà hàng, khách sạn. Hầu hết các doanh nghiệp diện này đều rơi vào tình cảnh tạm thời đóng cửa hoặc chờ phá sản, với việc cắt giảm nhân sự lớn chưa từng có.
Thế nhưng, vẫn có những doanh nhân, doanh nghiệp không dừng lại ở nỗ lực duy trì bộ máy với hy vọng có thể “bật dậy” sau khi hết dịch. Họ sáng tạo bằng cách tiết giảm khâu này, gia tăng hoạt động ở những khâu khác có thể mang lại lợi ích về sau.
Ông Hoàng Tùng, Giám đốc kinh doanh chuỗi nhà hàng ăn nhanh Pizza Home chia sẻ, khi người dân vì lo ngại dịch bệnh, gần như không có nhu cầu lui tới ăn uống tại các nhà hàng, doanh nghiệp này cũng buộc phải đóng cửa, cắt giảm nhân sự. Nói vậy không có nghĩa ngừng hết mọi hoạt động, ông chủ này lựa chọn cách tăng cường Marketing-quảng bá sản phẩm.
“Ngay từ khi có dịch chúng tôi đã cố gắng chuyển sang kênh mới để có thể tăng doanh thu. Đó là xu hướng chuyển đổi môi trường kinh doanh vật lý sang môi trương kinh doanh online tức là môi trường thương mại điện tử, đặc biệt là tăng cường quảng bá marketing online”, ông Tùng cho biết.
Hiệu quả thực tế của hoạt động này đã rất rõ ràng khi cái tên Pizza Home gắn liền với tên doanh nhân này có độ phủ sóng nhiều trong thời gian gần đây, lan tỏa hầu hết các phương tiện truyền thông trong nước lẫn các kênh nổi tiếng nước ngoài như BBC, CNN. Đó rõ ràng là một bước đi hiệu quả.
Doanh nhân-doanh nghiệp này chỉ là ví dụ điển hình góp phần khẳng định quan điểm gần đây được các chuyên gia kinh tế chỉ rõ, không thể trông chờ vào các chương trình hành động có tính hỗ trợ từ Đảng-Chính phủ hay bất kỳ ông lớn nào. Bản thân phải tự lực trước, với nhiều việc có thể làm ngay, như tăng cường các biện pháp tái cơ cấu doanh nghiệp, tái cơ cấu thị trường, tổ chức lại sản xuất, Marketing-quảng bá sản phẩm hướng tới những kế hoạch kinh doanh bài bản hơn thời hậu dịch…
Số hóa bài bản từng công đoạn quản trị kinh doanh được xem là cách hữu hiệu để thích ứng Covid-19 (Ảnh minh họa: KT) |
Tất cả các khâu này, ở thời điểm này, đều có thể tranh thủ thực hiện dần dần từng bước, trên “môi trường số”. Nhìn nhận sâu xa hơn, ông Nguyễn Quang Huân – Chủ tịch Hội Doanh nhân tư nhân cho rằng, đây chính là biểu hiện rõ ràng, gần gũi về hoạt động số hóa kinh tế.
“Các doanh nghiệp nên chủ động, trong cái khó phải tìm cách kinh doanh, biết đâu ló cái khôn. Ví dụ trước đây mình chỉ làm theo thói quen, thì bây giờ liệu có thể áp dụng các công nghệ thông tin, áp dụng xu thế người ta vẫn nói là công nghiệp 4.0 đưa vào cải cách hành chính, cải cách thủ tục của mình chẳng hạn. Như doanh nghiệp của tôi, khuyến khích làm việc tại nhà, trừ trường hợp hoặc thành phần bắt buộc phải lên cơ quan họp mặt trực tiếp. Trường hợp không thể - tức là tính sáng tạo hết mức rồi, không được, hãy nên kêu gọi một sự cứu trợ”, ông Huân nêu ý kiến.
Họp trực tuyến, hợp đồng-giao kết trực tuyến, thanh khoản trực tuyến… những hoạt động tưởng như nhanh chóng-nhỏ gọn đang được các doanh nhân-doanh nghiệp thực hiện trong giai doạn này sẽ mang tới những lợi ích không hề nhỏ về sau - không chỉ đối với mỗi doanh nghiệp mà đối với toàn nền kinh tế.
Vấn đề còn lại, theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu là “doanh nhân-doanh nghiệp nào có thể nhanh nhạy hơn; ngành nghề-lĩnh vực nào có thể sớm nhận diện được; nền kinh tế nào có thể tận dụng cơ hội-hiện thực hóa bằng những bước đi bài bản để hiện thực hóa mô hình kinh tế số?”.
Ông Nguyễn Trí Hiếu khẳng định: “Ở thời điểm này, Chính phủ cần có ngay một phương án với các kịch bản khác nhau, trong đó có kịch bản là chúng ta có thể kiểm soát dịch bệnh cho đến cuối tháng 6 hay kịch bản kiểm soát được vào cuối năm nay. Các kịch bản khác nhau sẽ có những tình huống khác nhau để có giải pháp vĩ mô khác nhau. Trong đó, cần quan tâm giải pháp vĩ mô như biến nền kinh tế của chúng ta nhanh chóng trở thành một nền kinh tế kỹ thuật số, với những phương pháp kỹ thuật số”.
“Hiện tại rất nhiều doanh nghiệp, người lao động không đến nơi làm việc mà qua các ứng dụng công nghệ thông tin, ở nhà, làm việc trực tuyến với nhau. Chính phủ nên tận dụng ngay thời gian này để biến nền kinh tế Việt Nam trở thành một nền kinh tế kỹ thuật số trong thời gian ngắn nhất có thể”, ông Hiếu kiến nghị.
Ở giai đoạn hiện tại, chắc hẳn không nền kinh tế nào có thể tranh thủ để hiện thực hóa giấc mơ trở thành nền kinh tế số số một thế giới. Chắc hẳn cũng không thể có doanh nghiệp-ngành nghề-lĩnh vực nào có thể lơi là công cuộc phòng chống dịch để tập trung nguồn lực chuyển đổi số hóa….
Tuy nhiên, đây cũng được nhận định là giai đoạn phù hợp để từng doanh nhân, doanh nghiệp, từng ngành nghề, lĩnh vực và mỗi nền kinh tế có kế hoạch cho riêng mình. Đó không chỉ là phục hồi sản xuất kinh doanh, không chỉ là nỗ lực bật mạnh hơn so với đối thủ cùng thương trường sau giai đoạn dịch bệnh, mà còn có thể sớm đưa thương hiệu của mình gắn với công cuộc số hóa, góp phần tiến tới nền kinh tế số quốc gia./.